Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6928/TCĐBVN-VT
V/v tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quản lý vận tải đường bộ mới ban hành.

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2014

 

Kính gửi:

- Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Quản lý Đường bộ I, II, III, IV.

 

Ngày 10 tháng 9 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; ngày 07 tháng 11 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó cần quan tâm lưu ý các nội dung được bổ sung mới, hoặc đã sửa đổi so với các quy định trước đây.

Khối lượng công việc cần hoàn thành để triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT là rất lớn, các Sở GTVT cần có kế hoạch, bố trí đủ nhân lực để tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung, phù hợp với lộ trình áp dụng đối với từng nội dung, đối tượng cụ thể. Trong thời gian trước mắt cần tập trung thực hiện một số công việc sau:

1. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải lập Hồ sơ lý lịch phương tiện, Hồ sơ lý lịch hành nghề của lái xe, các loại sổ sách, biểu mẫu quản lý tại đơn vị vận tải, cập nhật, lưu trữ theo đúng quy định; thực hiện ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định; thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra các điều kiện về an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi tham gia giao thông.

Rà soát, bố trí lái xe để thực hiện đúng quy định: kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, phải sử dụng lái xe đã có ít nhất 03 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có sức chứa từ 30 chỗ trở lên để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng.

2. Sở Giao thông vận tải rà soát và công bố danh mục các lộ trình, tuyến đường cấp 5, cấp 6 miền núi thuộc địa phương quản lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2015, để thực hiện quy định: không được sử dụng xe khách có giường nằm hai tầng để hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

3. Ngay sau khi Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách được ban hành, các đơn vị kinh doanh vận tải phải xây dựng hoặc áp dụng Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách do Bộ trưởng Giao thông vận tải ban hành. Trường hợp đơn vị tự xây dựng thì phải đối chiếu và công bố tương đương với mức chất lượng quy định trong Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách.

Sở GTVT hướng dẫn các đơn vị thực hiện đăng ký mới hoặc đăng ký lại chất lượng dịch vụ vận tải hành khách theo các mức chất lượng dịch vụ của Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách được ban hành.

4. Ngay sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành tài liệu tập huấn dành cho người điều hành vận tải, Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô địa phương (nếu có) để tổ chức tập huấn cho người điều hành vận tải của các đơn vị vận tải tại địa phương, kết hợp với việc rà soát, đối chiếu với các tiêu chuẩn, điều kiện về người điều hành vận tải theo quy định mới.

5. Thực hiện đúng các quy định về niêm yết, trong đó có việc niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện, khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định tại Thông tư.

6. Sau khi Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh được Bộ GTVT phê duyệt và ban hành, Sở GTVT tổ chức triển khai thực hiện, hướng dẫn các Doanh nghiệp, Hợp tác xã kinh vận tải hành khách cố định liên tỉnh thực hiện khai thác tuyến theo quy định.

Đối với Doanh nghiệp, Hợp tác xã đang khai thác trên tuyến không nằm trong quy hoạch mạng lưới tuyến được cơ quan có thẩm quyền công bố có quyền tiếp tục khai thác theo phương án đã đăng ký trong thời gian không quá 24 tháng, kể từ ngày công bố quy hoạch. Trước thời hạn nói trên 02 tháng, cơ quan chấp thuận khai thác tuyến ra văn bản thông báo thời gian ngừng khai thác tuyến gửi doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến thời hạn ngừng khai thác, cơ quan chấp thuận khai thác tuyến ra văn bản ngừng khai thác tuyến.

7. Nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho UBND cấp tỉnh để quy định về hoạt động của xe trung chuyển trên địa bàn; tổ chức cấp phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN“ cho các xe đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, nếu địa phương cho phép xe trung chuyển hoạt động.

8. Yêu cầu các bến xe trên địa bàn áp dụng và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn giao thông và giải quyết cho xe ra vào bến.

9. Thực hiện việc thu hồi phù hiệu và không cấp mới phù hiệu cho các xe taxi của các đơn vị thuộc TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có niên hạn sử dụng quá 8 năm tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Từ 01 tháng 7 năm 2016, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền cước.

10. Sở Giao thông vận tải cần khẩn trương bổ sung, hoàn thiện trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý vận tải và cung cấp địa chỉ Email để các đơn vị vận tải thực hiện đúng quy định: Từ ngày 01 tháng 07 năm 2015, khi sử dụng xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên để thực hiện hợp đồng vận chuyển và hợp đồng du lịch, lữ hành thì trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin: hành trình (điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình), thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email), trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý vận tải của Sở GTVT.

11. Sở GTVT khẩn trương rà soát, nắm số lượng đơn vị và phương tiện vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp và vận tải người nội bộ trên địa bàn thuộc các đối tượng phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu để tổ chức phổ biến, hướng dẫn các đơn vị này thực hiện đúng các quy định về quản lý vận tải theo lộ trình quy định.

12. Triển khai thực hiện việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và phù hiệu cho các đối tượng chưa được cấp gồm: các xe vận tải hàng hóa, vận tải hành khách bằng xe buýt, xe trung chuyển, xe nội bộ theo lộ trình quy định.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã in các loại phù hiệu mới theo quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT và gửi về các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV. Các Sở Giao thông vận tải liên hệ với Cục Quản lý đường bộ khu vực để mua và cấp cho các đơn vị, đồng thời dự kiến số lượng cần cung cấp đối với từng loại phù hiệu trong thời gian tới, thông báo về Cục Quản lý đường bộ khu vực để tổng hợp báo cáo Tổng cục ĐBVN.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ GTVT (để b/c);
- Tổng cục trưởng (để b/c);
- Vụ Vận tải - Bộ GTVT;
- Lưu: VP, V. tải;

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Quyền