Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

 

CỤC QUẢN LÝ DƯỢC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 700/QLD-VP
V/v triển khai các chỉ thị của chính phủ về việc bình ổn giá thuốc trong năm 2005

 

Hà Nội , ngày 25 tháng 1 năm 2005

 CÔNG VĂN

CỦA CỤC QUẢN LÝ DƯỢC VIỆT NAM SỐ 700/QLD-VP NGÀY 25 THÁNG 01 NĂM 2005VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC CHỈ THỊ CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BÌNH ỔN GIÁ THUỐC TRONG NĂM 2005

Kính gửi: Các công ty sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc

Nhằm bình ổn giá cả của các loại hàng hoá tiêu dùng trong dịp Tết Ất Dậu và trong năm 2005, tại công văn số 177/VPCP-KTTH ngày 12/01/2005, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương phải triển khai các biện pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả trên thị trường, nhất thiết không để tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng quan trọng, có tính nhạy cảm cao, có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân như: xăng dầu, dược phẩm, lương thực, thực phẩm,...

- Ngày 10/01/2005, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ Tài Chính, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ Ban về các vấn đề xã hội, Ban Khoa giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ đã nghe Bộ Y tế báo cáo về “Các biện pháp bình ổn giá thuốc chữa bệnh 2005”. Nhằm tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường thuốc năm 2005, tại Thông báo số 16/TB-VPCP ngày 19/01/2005, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo cụ thể như sau:

Giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, và các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình giá thuốc trên thị trường, dự báo và có biện pháp can thiệp kịp thời trong trường hợp các công ty dược phẩm tự động tăng giá thuốc bất hợp lý. Tuyệt đối không để xảy ra các biến động bất thường về giá thuốc, đặc biệt trong giai đoạn trước và sau Tết Ất Dậu 2005.

Bộ Y tế chủ động phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết các trường hợp áp mã thuế bất hợp lý đối với các mặt hàng thuốc chữa bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 75/TB-VPCP ngày 09/04/2004.

Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiến hành thanh kiểm tra toàn diện các công ty sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trong nước và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài để ngăn chặn việc đầu cơ hoặc tăng giá thuốc bất hợp lý, xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm, không tuân thủ các chủ trương, chính sách về quản lý giá thuốc của Chính phủ.

Để thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc bình ổn giá thuốc trong năm 2005, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược Việt Nam) thông báo cho các công ty sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc (sau đây gọi tắt là các công ty) các chủ trương, chính sách và một số giải pháp của Bộ Y tế về quản lý giá thuốc năm 2005 như sau:

1. Theo khảo sát của Bộ Y tế về chính sách giá thuốc của các công ty nước ngoài trong năm 2005 cho thấy: có trên 70% công ty cam kết không tăng giá các mặt hàng thuốc trong năm 2005 và đề nghị Bộ Y tế tạo mọi Điều kiện thuận lợi cho các công ty hoạt động và đảm bảo các Mục tiêu về doanh số và lợi nhuận tại thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2005. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các công ty sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc trong nước phải hạn chế tối đa việc tăng giá thuốc để đảm bảo sự ổn định của thị trường dược phẩm, ổn định tâm lý và đời sống nhân dân.

2. Trong những trường hợp bất khả kháng phải Điều chỉnh giá thuốc, các công ty nhất thiết phải thông báo chính thức cho Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược Việt Nam) bằng văn bản và phải giải trình lý do hợp lý đề nghị Điều chỉnh giá. Các công ty không được tự ý Điều chỉnh giá thuốc trước khi Bộ Y tế có ý kiến chính thức. Bộ Y tế sẽ có công văn trả lời cụ thể cho từng thư đề nghị Điều chỉnh giá thuốc của các công ty. Các đề nghị Điều chỉnh giá thuốc sẽ chỉ được xem xét sau Tết nguyên đán Ất Dậu 2005.

3. Để đảm bảo Điều kiện thuận lợi cho các công ty đạt được các Mục tiêu về doanh số và lợi nhuận trong việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm, Bộ Y tế sẽ triển khai ngay các giải pháp về quản lý như sau:

3.1. Sửa đổi, bổ sung Quy chế đăng ký thuốc để thúc đẩy nhanh hơn nữa quy trình xét duyệt và cấp phép đăng ký cho các thuốc lưu hành tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các thuốc mới, nhằm giúp các công ty tăng thị phần và cơ cấu sản phẩm trên thị trường.

3.2. Mở rộng quy định về chuyển giao thương hiệu của các dược phẩm nổi tiếng, chuyển giao công nghệ bào chế giữa các công ty dược phẩm nước ngoài và các công ty trong nước; khuyến khích việc sản xuất các thuốc hết thời hạn bảo hộ bằng cách đơn giản hoá quy trình đăng ký đối với những thuốc này.

3.3. Mở rộng phạm vi Điều chỉnh đối với các hình thức sản xuất gia công thuốc, áp dụng cho các thuốc có số đăng ký với các dạng bào chế chưa sản xuất được tại Việt Nam và các thuốc chưa có số đăng ký nhưng có thị phần, cần gia công để xuất khẩu hoặc phân phối tại thị trường Việt Nam.

3.4. Tăng cường sản xuất nhượng quyền với cơ chế thông thoáng đối với các thuốc có nhu cầu sử dụng cao trong nước.

3.5. Tích cực hoàn thiện tiến trình cải cách hành chính và công khai hoá tất cả quy trình xét duyệt và cấp phép trong các lĩnh vực: cấp số đăng ký, xét duyệt đơn hàng xuất nhập khẩu, xét duyệt hồ sơ thông tin quảng cáo và giới thiệu sản phẩm,... để tạo Điều kiện thông thoáng cho các công ty hoạt động.

4. Bộ Y tế sẽ đề xuất với Bộ Tài chính một danh Mục tổng thể các thành phẩm thuốc nhập khẩu với mức thuế suất cụ thể để giải quyết các trường hợp áp mã thuế bất hợp lý theo tinh thần thông báo số 75/TB-VPCP ngày 09/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ Y tế sẽ chủ trì và phối hợp với các Bộ, Ngành, Tổng Cục Hải quan, Tổng Cục thuế, Thanh tra Y tế, Cục Quản lý thị trường, Công An (PC15),... triển khai ngay các đợt thanh kiểm tra toàn diện các công ty sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trong nước và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài để ngăn chặn việc đầu cơ hoặc tăng giá thuốc bất hợp lý. Các biện pháp chế tài cần thiết sẽ được áp dụng triệt để để xử lý những trường hợp vi phạm, không chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Chính phủ và các quy định cụ thể của Bộ Y tế về quản lý giá thuốc.

Bộ Y tế tôn trọng và tạo mọi Điều kiện cho các công ty đạt được Mục tiêu về kinh tế (doanh số và lợi nhuận), tuy nhiên, các công ty cũng cần có thiện chí hợp tác để giúp cho Bộ Y tế thực hiện đồng thời 2 Mục tiêu y tế (chất lượng, hiệu quả và an toàn) và Mục tiêu xã hội (giá cả hợp lý, phù hợp với GDP bình quân đầu người của nhân dân Việt Nam) trong việc ổn định thị trường dược phẩm hiện nay.

Bộ Y tế yêu cầu các công ty nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định cụ thể nêu trên./.

 

Cao Minh Quang

(Đã ký)