Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7011/BTC-QLCS
V/v tăng cường công tác quản lý, hạch toán tài sản công.

Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 06/12/2022 của Quốc hội, Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, Quyết định số 798/QĐ-BTC ngày 05/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai thử nghiệm kiểm kê tài sản công tại một số Bộ, địa phương. Trên cơ sở các vấn đề phát sinh thông qua thử nghiệm kiểm kê tài sản công, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị):

1.1. Hiện nay qua nắm bắt tình hình thực tế, có một số đơn vị đã được bàn giao tài sản đưa vào sử dụng nhưng chưa có Biên bản bàn giao, chưa được bàn giao hồ sơ, giá trị tài sản nên chưa thực hiện hạch toán tài sản. Vì vậy, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác đầu tư xây dựng, mua sắm và cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản rà soát việc bàn giao, tiếp nhận và hạch toán tài sản, bảo đảm tài sản đã đưa vào sử dụng thì phải được quản lý, hạch toán theo quy định.

1.2. Rà soát các trường hợp tiếp nhận tài sản do tổ chức, cá nhân tặng cho, chuyển giao quyền sở hữu nếu thuộc trường hợp phải xác lập quyền sở hữu toàn dân mà chưa được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và xử lý tài sản thì phải thực hiện trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân và xử lý tài sản theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ.

1.3. Rà soát việc theo dõi, hạch toán tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện kiểm kê để bảo đảm theo đúng quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023, cụ thể:

(1) Rà soát để báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định danh mục, thời gian tính hao mòn và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình (trừ thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập) thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 23/2023/TT-BTC; ban hành Danh mục tài sản cố định đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.

(2) Việc tính hao mòn, khấu hao tài sản được thực hiện đối với các tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023[1]. Đối với các tài sản không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý, theo dõi như công cụ, dụng cụ.

(3) Xác định “tài sản” để thực hiện hạch toán cho phù hợp, cụ thể: (i) Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản; (ii) Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản; (iii) Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ, liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và có chức năng hoạt động độc lập, đồng thời đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản riêng lẻ đó được xác định là một tài sản. Lưu ý không thực hiện hạch toán tài sản theo lô nhiều tài sản.

(4) Trường hợp thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hạch toán thay đổi nguyên giá của tài sản cố định được nâng cấp, mở rộng theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư số 23/2023/TT-BTC (không hạch toán riêng giá trị sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng thành một tài sản cố định).

(5) Rà soát nhóm, loại tài sản cố định đang thực hiện hạch toán để áp dụng tỷ lệ hao mòn cho phù hợp.

(6) Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc được Nhà nước cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê bằng tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước nhưng chưa thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất, chưa thực hiện điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 102, Điều 103 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất, điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất để hạch toán theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và hệ số điều chỉnh giá đất do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành áp dụng cho năm 2023.

1.4. Rà soát việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tài sản bị hư hỏng, không sử dụng được hoặc không còn nhu cầu sử dụng; phát hiện kịp thời các tài sản đang sử dụng nhưng chưa được theo dõi, hạch toán để đưa vào theo dõi, hạch toán theo quy định; thực hiện hạch toán giảm đối với các tài sản đã thực hiện xử lý theo quy định.

2. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải), tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch:

2.1. Rà soát việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý để bảo đảm đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng phù hợp với quy định của pháp luật. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm quản lý, theo dõi tài sản kết cấu hạ tầng được giao theo đúng quy định của pháp luật.

2.2. Rà soát việc theo dõi, hạch toán tài sản của các đối tượng thực hiện kiểm kê để bảo đảm theo đúng quy định:

(1) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Việc theo dõi, hạch toán tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2022/TT-BTC ngày 16/6/2022 của Bộ Tài chính.

(2) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải), tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi: Việc theo dõi, hạch toán tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 75/2018/TT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ Tài chính.

(3) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch: Việc theo dõi, hạch toán tài sản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 73/2022/TT-BTC ngày 15/12/2022 của Bộ Tài chính.

(4) Trường hợp thực hiện nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, đối tượng quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có trách nhiệm hạch toán thay đổi nguyên giá của tài sản cố định được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng theo quy định (không hạch toán riêng giá trị nâng cấp, mở rộng thành một tài sản cố định).

(5) Rà soát tài sản là kết quả của dự án sử dụng vốn nhà nước để bàn giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của Quý cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Lê Minh Khái (Để b/cáo);
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (Để b/cáo);
- Sở Tài chính tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Bộ;
- Cổng TTĐT Bộ Tài chính (để đăng tải);
- Thời báo TC VN (để đăng tải);
- Lưu: VT, QLCS. (60)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Khắng

 



[1] Tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 quy định:

“2. Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này (trừ tài sản quy định tại khoản 3 Điều này) được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:

a) Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.

b) Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.

3. Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật và tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:

a) Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.

b) Đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp”.