Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 7110/BNN-TCCB
V/v báo cáo tình hình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài năm 2010.

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2010

 

Kính gửi: Bộ Nội vụ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình triển khai thực hiện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ công tác năm 2010 của Bộ như sau:

1. Đánh giá tình hình thực hiện năm 2010:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho hai trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và bồi dưỡng ngắn hạn Phát triển Nông nghiệp bền vững cho cán bộ, công chức của Bộ và cán bộ quản lý doanh nghiệp nói riêng. Trường cán bộ quản lý của Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để tổ chức khóa đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể: Thực hiện quyết định số 2123/QH-BNN-TCCB ngày 06/8/2010 về việc cử cán bộ đi công tác học tập ở nước ngoài từ ngày 5-11/9/2010 tại New Zealand, kết quả như sau:

Tên lớp: Bồi dưỡng ngắn hạn Phát triển Nông nghiệp bền vững tại New Zealand.

Thời gian: Từ ngày 04/9/2010 đến ngày 11/09/2010.

Địa điểm: Trường Đại học Linconl – New Zealand.

Đối tượng học: Cán bộ của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT

Số lượng học viên: 12 ngày trong đó có 50% là các giảng viên của các trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 50% là CBCC thuộc 05 đơn vị thuộc Bộ:

Tiến độ và kết quả thực hiện khóa học diễn ra theo đúng kế hoạch đã ký kết với Trung tâm đào tạo chuyên sâu – Trường Đại học Linconl.

1.1. Nội dung chương trình:

- Tổng quan về nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp của New Zealand

- Quản lý trang trại, phương pháp tiếp cận hệ thống chăn nuôi gia súc.

- Cơ sở hạ tầng chế biến và tiếp thị

- Khung thể chế - tài chính và đất đai

- Sự tham gia và quá trình điều hành của Chính phủ đối với nền công nghiệp New Zealand.

- Chuyển giao công nghệ

- Doanh nghiệp làm nông nghiệp

- Tham quan một số trang trại (trang trại nuôi bò sữa, cừu, hươu, trang trại trồng cỏ kinh doanh và nuôi bò qua mùa Đông, trang trại kinh doanh tổng hợp (trồng rau, cung cấp hạt giống), một số cơ sở chế biến rau củ quả …)

Nhìn chung nội dung khóa học phù hợp đối tượng là cán bộ công chức của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Các giảng viên thuộc Khoa Quản lý trang trại trường Đại học Linconl. Các giảng viên tham gia giảng dạy đến lớp đúng giờ, giảng dạy nhiệt tình, có phương pháp giảng dạy phù hợp với khóa học.

1.2. Nhận thức chung về khóa học

Một số đặc điểm chung về nông nghiệp New Zealand.

- Nền nông nghiệp:

+ Chăn nuôi – Trồng trọt

+ Trồng cây lâm nghiệp

Trong đó:

* Chăn nuôi:

- Nuôi cừu lấy lông và lấy thịt

- Nuôi bò sản xuất sữa và lấy thịt

- Nuôi hươu

* Trồng trọt: Các loại rau củ quả xuất khẩu. Sản xuất lúa mì chỉ đáp ứng 50% yêu cầu, còn 50% nhập từ Úc.

* Trồng cây lâm nghiệp: Toàn bộ vùng đi thăm quan không thấy có vùng đất trống, các hàng cây chắn gió ven đường quốc lộ được chăm sóc quản lý rất đẹp, trải dài thảm cỏ và rừng cây. Trong những năm gần đây, chỉ số GDP bình quân đầu người của New Zealand tăng trưởng so với các nước Mỹ, Nhật bản …, thì chậm lại và giảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của New Zealand trong thập kỷ 90 đạt mức 2,5%. Trong khoảng thời gian 2000-2005, tốc độ tăng trưởng đạt 4%/năm. Năm 2006 và 2007 đạt 2,9% và vẫn có thể duy trì được mức này trong những năm tới. GDP hiện tại đạt trên 100 tỷ USD. GDP bình quân đầu người liên tục tăng đạt tới 27.800 $ (năm 2007).

Xuất khẩu tăng trưởng rõ ràng và chiếm khoảng 22% GDP trong năm 2007. Các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm từ nghề làm vườn (quả) đóng góp 55% tổng giá trị xuất khẩu (thời kỳ 2005-2006). Bình quân, 90% sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu. Điều này cho thấy, Nông nghiệp đặc biệt quan trọng đối với New Zealand (54% đất của New Zealand là đồng cỏ, 2,4% sử dụng cho canh tác ngũ cốc và 0,8% sử dụng cho nghề làm vườn).

Tổ chức quản lý trang trại

- Do cơ chế quản lý nông nghiệp mở, theo cơ chế thị trường, do vậy Chính phủ hoàn toàn không can thiệp vào sản xuất nông nghiệp mà do các chủ trang trại tự quyết định.

- Các chủ trang trại đều có trình độ và kinh nghiệm. Các trang trại đều được cơ giới hóa và tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất.

Quản lý trang trại: thường có 1 chủ trại và 2-3 lao động (trung bình 1 trại có diện tích đất quản lý từ 140 – 180ha, với số đàn gia súc rất lớn: Trại bò sữa có 400-500 con; Trại nuôi cừu – bò: 400 bò thịt và 4.000-5.000 con cừu lấy lông và thịt; Trại nuôi tổng hợp: 6.000 con cừu + 2.000 con hươu; Trại trồng rau + cừu: 120ha rau + 4.000 con cừu, …).

- Tổ chức sản xuất có sự liên kết giữa các chủ trang trại, thành hiệp hội, hợp tác xã hoạt động như loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Công tác khuyến nông: các trang trại luôn luôn được các “Tư vấn” là các chuyên gia khuyến nông giỏi tư vấn về kỹ thuật, mùa vụ, thông tin thương mại, giá cả thị trường. Tùy thuộc loại thông tin mà chủ trang trại phải trả cho người tư vấn từ 150-300$NZ/giờ, hoặc ký hợp đồng % giá trị sản lượng. Đặc biệt vai trò của nhà “Tư vấn” có giá trị bảo hành về uy tín khi các chủ trại đi vay ngân hàng vốn để sản xuất. Nên nhà tư vấn “khuyến nông” có uy tín được trọng dụng qua nhiều thế hệ.

Tài chính – Ngân hàng

- Quản lý tài chính: các trang trại tự chủ hạch toán và tự giác nộp thuế cho Nhà nước, có cơ quan kiểm toán độc lập, nếu nộp thuế thiếu, sai thì cơ quan thuế yêu cầu truy thu và cảnh cáo sẽ mất uy tín, khó tiếp thị tiêu thụ sản phẩm, hiệp hội ngành hàng tẩy chay.

- Ngân hàng: hoàn toàn mở, tùy theo ngành hàng mà thỏa thuận với chủ trang trại về lãi suất, thời gian cho vay, khoanh nợ, dãn nợ, xóa nợ …. Chính vì vậy, các chủ trang trại hoàn toàn chủ động vay tiền và tính được lãi và trả nợ không có sự can thiệp của Chính phủ.

Vai trò của chính phủ trong hoạt động kinh doanh

Chính phủ New Zealand can thiệp ở mức độ nhất định vào việc thiết lập thể chế quy định hoạt động kinh doanh. Bao gồm các quy định trong các lĩnh vực chuyển giao đất đai, công trình và xây dựng, vấn đề tranh chấp đất đai của người Maori, quản lý các nguồn lực, luật cạnh tranh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các quan hệ giữa các ngành, những bồi thường do tai nạn, thuế, tài chính và ngân hàng, vấn đề nhập cư, các quan hệ thương mại và đầu tư nước ngoài.

Trước năm 1985, Chính phủ thực hiện nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp: trợ giá (đầu tra, đầu vào), hạn chế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu, thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái cố định …. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này đã đưa lại nhiều khó khăn lớn cho Chính phủ và cho Ngành nông nghiệp của New Zealand: Khoản nợ của chính phủ đối với nước ngoài lớn (tương đương 90% GDP của thời kỳ này), tỷ lệ lạm phát cao. Có thể nói đây là thời kỳ đen tối nhất của ngành Nông nghiệp New Zealand nói riêng và nền kinh tế New Zealand nói chung.

Từ năm 1986, một Chính phủ mới ra đời đã thực thi một chính sách đổi mới nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp nói riêng: Chính phủ thực thi một chính sách thị trường tự do (thị trường đầu vào, thị trường đầu ra và thị trường tài chính), bãi bỏ hỗ trợ xuất khẩu, giảm hạn chế nhập khẩu, nhà nước tập trung nhiều hơn vào việc thu thuế gián thu, công ty hóa và tư nhân hóa sản xuất công nghiệp và thương mại. Chính phủ hoàn toàn bãi bỏ các chính sách: trợ giá cho nông dân, trợ giá cho xuất khẩu (kể cả sản phẩm nông nghiệp), hỗ trợ lãi suất cho nông dân. Chính phủ thực thi chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi, linh hoạt. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho nông dân trong nghiên cứu khoa học cơ bản và kiểm dịch động, thực vật.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Tuy có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp nhưng để quản lý và phát triển nông nghiệp bền vững New Zealand có chiến lược phát triển rõ ràng. Do vậy, để đảm bảo sự bền vững nền nông nghiệp, Chính phủ New Zealand đã định hướng cho các trang trại sản xuất hạn chế không sử dụng phân hóa học, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, hạn chế sâu bệnh, không sử dụng chất bảo vệ thực vật, rau qủa của New Zealand là rau quả sạch, đặc biệt là quản lý xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

- Phương pháp canh tác: Một số mô hình nông nghiệp bền vững.

- Giải pháp lớn nhất của nông nghiệp bền vững là: Trồng cây luân canh luôn hỗ trợ cho đất chất màu, ít sử dụng chất bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh.

Nhìn chung khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về “Phát triển nông nghiệp bền vững” tại Trường Đại học Linconl – New Zealand mang lại cho chúng tôi nhiều bài học mới trong công tác quản lý Nông nghiệp và những vấn đề liên quan.

Chất lượng lao động trong nông nghiệp có trình độ cao, giỏi nhiều nghề, thạo nhiều việc cũng tạo ra nền sản xuất nông nghiệp khoa học. Đây cũng là yêu cầu lớn cần đi trước một bước xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, đặc biệt là công tác đào tạo quản lý các chủ trang trại nông nghiệp lớn.

Quy hoạch đất và sử dụng đất phải được xác định và đảm bảo ổn định, do vậy nền nông nghiệp không bị xáo trộn, sản xuất nông nghiệp không bị tác động của sản xuất công nghiệp, nền sản xuất nông nghiệp luôn luôn bền vững và thân thiện với môi trường.

Cũng từ những điểm khác biệt đó chúng tôi thấy có thể vận dụng một số điểm phù hợp với Việt Nam trong việc tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp với thị trường, cách khai thác tài nguyên môi trường một cách bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Mỗi nước có những điều kiện khác nhau, tuy nhiên đối với Việt Nam cũng nên nghiên cứu và vận dụng một số chính sách của New Zealand, đặc biệt hạn chế trợ giá, bao cấp … quá nhiều cho nông dân, để làm cho người nông dân phải tự đứng trên đôi chân của mình, không lệ thuộc quá nhiều vào Chính phủ.

2. Kiến nghị và đề xuất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tiếp tục được cấp kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Cần tiếp tục mời các giảng viên giỏi, có kinh nghiệm và nghiệp vụ chuyên môn sâu, các chuyên gia nước ngoài giảng dạy cho nên cần có cơ chế sử dụng kinh phí phù hợp với đặc thù của các lớp này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TCCB.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Phạm Hùng