Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71937/CT-TTHT
V/v lập hóa đơn dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2018

 

Kính gửi: Văn phòng Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam
(Đ/c: 18 Hoàng Quốc Việt - Quận cầu Giấy - Hà Nội)
MST: 0103127953

Trả lời công văn số 463/VP-KT ngày 27/08/2018 của Văn phòng Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Tại Điều 15 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:

"Điều 15. Lập hóa đơn

1. Khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán phải lập hóa đơn. Khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này.

.... 3. Ngày lập hóa đơn là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hóa, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. Các trường hợp pháp luật quy định chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thì ngày lập hóa đơn là ngày bàn giao hàng hóa.

Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

... 6. Bộ Tài chính quy định việc lập hóa đơn đối với các trường hợp cụ thể khác".

- Tại Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:

"Điều 16. Lập hóa đơn

1. Nguyên tắc lập hóa đơn

a) Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ các loại hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa.

...2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

a) Tiêu thức "Ngày tháng năm" lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ. không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

... Ngày lập hóa đơn đối với việc bán dầu thô, khí thiên nhiên, dầu khí chế biến và một số trường hợp đặc thù thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính".

- Tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và Quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ:

“7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) như sau:

“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

- Căn cứ Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/06/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế:

+ Tại Điều 2 quy định về đối tượng áp dụng;

“1. Người nộp thuế là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau:

...c) Đơn vị sự nghiệp; đơn vị vũ trang; tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh; tổ chức của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã (sau đây gọi là Tổ chức kinh tế).

d) Tổ chức được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (sau đây gọi là Tổ chức khác).”

+ Tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 quy định về thời hạn, hồ sơ, địa điểm, tiếp nhận và giải quyết thủ tục đăng ký thuế.

- Tại Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 quy định:

"21. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:

Điều 32. Tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT

1. Việc tạm ứng kinh phí của tổ chức bảo hiểm y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thực hiện hàng quý như sau:

a) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức bảo hiểm y tế tạm ứng một lần bằng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lần đầu ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, được tạm ứng 80% nguồn kinh phí được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thông báo đầu kỳ của tổ chức BHYT; trường hợp không có đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, căn cứ số chi khám bệnh, chữa bệnh sau một tháng thực hiện hợp đồng, tổ chức BHYT dự kiến và tạm ứng 80% kinh phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong quý;

c) Trường hợp kinh phí tạm ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh vượt quá số kinh phí được sử dụng trong quý, tổ chức BHYT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo với BHXH Việt Nam để bổ sung kinh phí

2. Việc thanh toán, quyết toán giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tổ chức BHYT được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi tháng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm gửi bản tổng hợp đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của tháng trước cho tổ chức BHYT; trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi quý, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm gửi báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của quý trước cho tổ chức BHYT;

b) Trong thời hạn 39 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức BHYT có trách nhiệm thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT bao gồm chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thông báo số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tổ chức BHYT phải hoàn thành việc thanh toán với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

d) Việc thẩm định quyết toán năm đối với quỹ BHYT và thanh toán số kinh phí chưa sử dụng hết (nếu có) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được thực hiện trước ngày 1/10 năm sau.

3. Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán của người tham gia BHYT khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 của Luật này, tổ chức BHYT phải thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp cho các đối tượng này."

- Căn cứ công văn số 19145/BTC ngày 23/12/2015 của Bộ Tài chính về việc sử dụng hóa đơn đối với hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế công lập:

“… từ ngày 01/01/2016, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế công lập khi thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong khung giá do Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính. ”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Trạm y tế - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (sau đây gọi là Trạm y tế) là đơn vị trực thuộc Văn phòng Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 401/BYT-GPHĐ ngày 31/12/2015, là cơ sở khám chữa bệnh phân hạng tương đương Trạm y tế xã, phân tuyến xã, thực hiện việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) theo hợp đồng với cơ quan BHXH quận Cầu Giấy thì

- Trạm y tế thực hiện đăng ký mã số thuế theo hướng dẫn tại Điều 6, 7, 8, 9 Thông tư số 95/2016/TT-BTC và đăng ký sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

- Khi quyết toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT hàng quý, Trạm y tế phải lập hóa đơn đối với phần kinh phí KCB BHYT đã được cơ quan BHXH thẩm định, quyết toán như các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khác.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Văn phòng Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Thuế TNCN;
- Phòng Pháp chế;
- Phòng KK&KTT
-Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn