Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7356/BKHĐT-TH
V/v hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của TTCP về tăng cường quản lý đầu tư từ NSNN và TPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2011

 

Kinh gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

 

Căn cứ Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn Ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ (dưới đây gọi tắt là các bộ, ngành và địa phương) việc triển khai thực hiện như sau:

I. VỀ MỘT SỐ NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN VỐN NSNN VÀ TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Các bộ, ngành và địa phương thực hiện theo đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết thêm như sau:

1. Về quyết định phê duyệt dự án sử dụng vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ

Trong khi chưa sửa đổi phân cấp quản lý đầu tư, các bộ, ngành, địa phương tuân thủ đúng quy định hiện hành về quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư, gồm các dự án mới và dự án điều chỉnh quyết định đầu tư từ ngày 25 tháng 10 năm 2011 (dưới đây gọi tắt là quyết định đầu tư). Cụ thể:

- Các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 3, Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội[1] và chương trình mục tiêu quốc gia.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc ủy quyền cho cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm A, B, C.

Trước khi phê duyệt quyết định đầu tư, các bộ, ngành và địa phương kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn thực hiện dự án và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là nội dung quan trọng, phải có trong hồ sơ dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ (bao gồm: các dự án mới, các dự án điều chỉnh quyết định đầu tư từ ngày 25/10/2011 và các dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 25/10/2011 nhưng chưa được bố trí vốn)

a) Đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư việc thẩm định dự án thực hiện theo các quy định hiện hành.

b) Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do các bộ, ngành Trung ương quản lý, các bộ, ngành Trung ương tự tổ chức thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối bảo đảm đủ vốn để hoàn thành: dự án nhóm B không quá 5 năm; dự án nhóm C không quá 3 năm.

c) Đối với các dự án có sử dụng vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ:

Các bộ, ngành và địa phương tổ chức thẩm định dự án theo các quy định hiện hành. Riêng về nguồn vốn và phần vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và trái phiếu Chính phủ bố trí cho các dự án, sau khi các bộ, ngành, địa phương thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định bảo đảm thực hiện theo đúng các nguyên tắc, chính sách hỗ trợ đầu tư và trong khả năng cân đối vốn Ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện dự án. Quy trình thẩm định quy định cụ thể như sau:

- Các bộ, ngành (đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ) và địa phương (đối với các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ) trước khi phê duyệt quyết định đầu tư phải gửi 2 bộ hồ sơ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 1 bộ hồ sơ về Bộ Tài chính.

Hồ sơ thẩm định về nguồn vốn và phần vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ gồm:

+ Báo cáo đề nghị thẩm định về nguồn vốn và phần vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, trái phiếu Chính phủ theo mẫu phụ lục số 1 (đối với dự án khởi công mới) và theo mẫu phụ lục số 2 (đối với các dự án phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh từ ngày 25/10/2011). Trong đó giải trình thuyết minh chi tiết về dự kiến các nguồn vốn thực hiện dự án; phần vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, trái phiếu Chính phủ và từng nguồn vốn khác. Thuyết minh khả năng thu hồi vốn đầu tư, khả năng hoàn trả vốn vay và phương án hoàn trả vốn vay (nếu có).

Dự kiến tiến độ bố trí các nguồn vốn theo từng năm để hoàn thành: dự án nhóm B không quá 5 năm; dự án nhóm C không quá 3 năm để làm căn cứ thẩm định khả năng bảo đảm phần vốn của ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ.

+ Các văn bản hoặc cơ sở pháp lý cho phép đầu tư dự án (nếu có).

+ Báo cáo kết quả thẩm định dự án của cơ quan có thẩm quyền.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ thẩm định của các bộ, ngành và địa phương, gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính có ý kiến tham gia gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 15 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm B, 7 ngày làm việc đối với dự án nhóm C kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi ý kiến thẩm định cho các bộ, ngành và địa phương về nguồn vốn và phần vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương, trái phiếu Chính phủ đầu tư cho dự án trong vòng 40 ngày làm việc đối với các dự án nhóm A, trong vòng 30 ngày làm việc đối với dự án nhóm B, trong vòng 20 ngày làm việc đối với dự án nhóm C kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ thẩm định.

Trường hợp dự án phức tạp cần có thêm thời gian thẩm định hoặc cần xin ý kiến nhiều cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo cho các bộ, ngành và địa phương dự kiến thời gian trả lời ý kiến thẩm định.

d) Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương[2] và các nguồn vốn hợp pháp khác do địa phương quản lý[3] các cấp chính quyền địa phương tự tổ chức thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để bảo đảm dự án được bố trí vốn đúng nguồn, có đủ vốn để hoàn thành: dự án nhóm B không quá 5 năm; dự án nhóm C không quá 3 năm.

Căn cứ quy định tại điểm 2 này, các bộ, ngành, địa phương bổ sung quy định về quy trình và hồ sơ thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong hồ sơ thẩm định dự án của bộ, ngành, địa phương.

3. Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc phê duyệt quyết định đầu tư và triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn NSNN của các bộ, ngành và vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và trái phiếu Chính phủ

a) Đối với các dự án phê duyệt quyết định đầu tư từ ngày 25/10/2011 trở đi

Căn cứ các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg và tổng số vốn kế hoạch hàng năm giao theo ngành, lĩnh vực và các chương trình mục tiêu, các bộ, ngành và địa phương quyết định đầu tư dự án theo thẩm quyền và theo hướng dẫn quy định tại điểm 1 và 2, mục I trên đây.

Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt quyết định đầu tư, các bộ, ngành và địa phương phải gửi quyết định đầu tư về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đầu tư của các bộ, ngành, địa phương và trong quá trình kiểm tra việc thực hiện dự án của các bộ, ngành và địa phương, nếu phát hiện quyết định đầu tư dự án hoặc việc triển khai thực hiện dự án đầu tư không đúng các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg và các quy định hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có ý kiến chính thức để các bộ, ngành, địa phương xem xét, điều chỉnh, sửa đổi. Trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có ý kiến, các bộ, ngành, địa phương không điều chỉnh, sửa đổi thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý.

b) Đối với các dự án mới đã phê duyệt hoặc dự án có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư trước ngày 25/10/2011, nhưng chưa khởi công hoặc chưa thực hiện phần điều chỉnh tổng mức đầu tư, trước ngày 15/11/2011 phải gửi các quyết định đầu tư về Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cho ý kiến về khả năng cân đối vốn Ngân sách Trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ.

4. Trách nhiệm và xử lý vi phạm trong việc xác định nguồn vốn và cân đối vốn các dự án đầu tư

Việc xác định nguồn vốn và cân đối vốn là nội dung quan trọng trong hồ sơ dự án và thẩm định dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những dự án được quyết định đầu tư mà không xác định rõ nguồn vốn, không bảo đảm cân đối vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ dẫn đến bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí, tổn thất thì người ký quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về những lãng phí, tổn thất do việc phê duyệt quyết định đầu tư gây ra và phải xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật. Đối với các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn và phần vốn ngân sách Trung ương cho dự án đủ điều kiện bố trí vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo cân đối vốn để hoàn thành dự án theo quy định.

5. Từ năm 2012, không bố trí vốn ngân sách Trung ương và Trái phiếu Chính phủ cho các dự án đầu tư mới hoặc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư được quy định tại khoản c, điểm 2, mục I, nếu trong hồ sơ phê duyệt dự án không có ý kiến thẩm định chấp thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các dự án đầu tư quy định tại điểm 3, mục I, nếu không gửi các quyết định đầu tư về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tất cả các dự án sử dụng vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ chỉ được thực hiện khối lượng theo mức vốn kế hoạch được giao, để không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Trường hợp thật sự cần thiết phải bổ sung thêm vốn ngoài kế hoạch được giao hoặc cần điều chuyển vốn trong nội bộ ngành, lĩnh vực và các chương trình mục tiêu, phải báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn quyết định. Các bộ, ngành và địa phương tự cân đối các nguồn vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền.

Việc cấp phát và ứng chi vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ từ Kho bạc Nhà nước cho các dự án đầu tư (trong kế hoạch) phải căn cứ vào khối lượng thực hiện. Đối với dự án chưa có khối lượng thực hiện, việc tạm ứng vốn tối đa là 30% kế hoạch vốn được giao hàng năm của dự án. Việc cấp phát và ứng chi tiếp theo chỉ được thực hiện sau khi thanh toán khối lượng hoàn thành.

II. VỀ TỔNG HỢP, GIAO KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ TỪ NSNN NĂM 2012

1. Nguyên tắc bố trí vốn NSNN

Việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn NSNN, bao gồm đầu tư từ vốn Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương kế hoạch năm 2012 phải bảo đảm các nguyên tắc dưới đây:

a) Thực hiện theo đúng các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ và các quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015. (Xin gửi kèm theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 các ngành, lĩnh vực và chương trình bổ sung có mục tiêu quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg liên quan đến việc bố trí vốn kế hoạch năm 2012 tại Phụ lục số 3).

b) Ưu tiên bố trí vốn đầu tư NSNN cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giao thông; giáo dục, y tế; quốc phòng, an ninh; trong đó ưu tiên bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước.

c) Việc bố trí vốn NSNN cho các dự án trong từng ngành, lĩnh vực và từng chương trình bổ sung có mục tiêu thực hiện theo trật tự ưu tiên như sau:

- Tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng đến trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn (dưới đây gọi tắt là các dự án hoàn thành), theo thứ tự ưu tiên: các dự án hoàn thành đến ngày 31/12/2010; các dự án hoàn thành từ 1/1/2011 đến ngày 31/10/2011; các dự án dự kiến hoàn thành từ ngày 1/11/2011 đến trước ngày 31/12/2011.

- Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 (theo tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng cân đối vốn và khả năng thực hiện trong năm 2012) và vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án.

- Số vốn còn lại (nếu có) bố trí cho một số dự án chuyển tiếp và một số dự án mới thật sự cần thiết. Đối với dự án mới phải có đủ các thủ tục đầu tư bao gồm: quyết định đầu tư, thiết kế cơ sở, tổng dự toán được phê duyệt trước ngày 25/10/2011. Mức vốn bố trí cho dự án mới năm 2012 phải bảo đảm nguyên tắc tổng số vốn bố trí cho từng dự án mới (gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác[4]), so với tổng mức vốn đầu tư của dự án được duyệt phải bảo đảm tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A; 20% đối với dự án nhóm B; 35% đối với dự án nhóm C.

- Việc bố trí vốn đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp phải bảo đảm dự án nhóm B hoàn thành trong 5 năm, dự án nhóm C hoàn thành trong 3 năm.

d) Trong bố trí vốn ngân sách Trung ương cho dự án thuộc các ngành, lĩnh vực và vốn của Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương phải bảo đảm:

- Các dự án đã và đang được đầu tư từ các nguồn vốn này phải là các dự án trong kế hoạch đầu tư đã được duyệt hoặc trong các chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho phép đầu tư.

- Các dự án khởi công mới phải là các dự án thật sự cần thiết, có đủ các thủ tục đầu tư theo quy định và phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép bố trí vốn kế hoạch năm 2012.

- Đối với các bộ, ngành ở Trung ương việc bố trí vốn cho từng dự án phải theo đúng ngành, lĩnh vực và chương trình được giao.

- Đối với các địa phương, các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương có thể bố trí thêm vốn đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện; các dự án sử dụng các nguồn vốn bổ sung có mục tiêu cụ thể[5] có thể lồng ghép thêm nguồn vốn của các chương trình bổ sung có mục tiêu phát triển các vùng và vốn bổ sung có mục tiêu để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị đối với một số địa phương (trong biểu mẫu báo cáo đề nghị ghi rõ số vốn bổ sung có mục tiêu cho dự án từ các chương trình bổ sung có mục tiêu khác nhau tại cột ghi chú).

2. Rà soát, lập danh mục các dự án chuyển tiếp đang được đầu tư từ NSNN

Căn cứ các nguyên tắc nêu tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg và văn bản hướng dẫn này, các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, lập danh mục các dự án chuyển tiếp đang được đầu tư từ NSNN, nằm trong kế hoạch đầu tư đã được duyệt, Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư hoặc trong các chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

a) Danh mục các dự án hoàn thành đã bàn giao và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011, nhưng chưa bố trí đủ vốn, bao gồm:

- Danh mục các dự án hoàn thành đã bàn giao và đưa vào sử dụng đến ngày 31/10/2011.

- Danh mục các dự án dự kiến hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng từ ngày 1/11/2011 đến trước 31/12/2011.

b) Danh mục các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012

Các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 căn cứ theo tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng thực hiện trong năm 2012. Các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 phải có khối lượng hoàn thành so với tổng vốn đầu tư đến ngày 31/10/2011 đạt tối thiểu 80% đối với các dự án nhóm A; 75% đối với dự án nhóm B, 60% đối với dự án nhóm C.

c) Danh mục các dự án chuyển tiếp đang thực hiện dự kiến bố trí vốn đầu tư nguồn NSNN kế hoạch năm 2012

d) Danh mục các dự án được đầu tư từ vốn NSNN nhưng không bố trí được vốn kế hoạch năm 2012, gồm:

- Danh mục các dự án có khả năng chuyển đổi hình thức đầu tư hoặc bán, chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới.

- Danh mục các dự án chuyển tiếp phải tạm dừng thực hiện năm 2012 do không thể chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư khác và không huy động được các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Quy trình tổng hợp, bố trí vốn và giao kế hoạch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo kèm theo văn bản này dự kiến mức vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương[6] và ngân sách địa phương) kế hoạch năm 2012 của các bộ, ngành và địa phương.

a) Đối với các dự án sử dụng vốn Ngân sách Trung ương

(1) Các bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các công việc sau:

- Rà soát, lập các danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí kế hoạch năm 2012 cho các dự án theo đúng các nguyên tắc quy định tại điểm 1, 2, mục II văn bản này.

- Việc bố trí vốn cho các dự án không vượt quá mức vốn Ngân sách Trung ương theo từng ngành, lĩnh vực, từng khoản bổ sung có mục tiêu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tại Phụ lục số 4 kèm theo văn bản hướng dẫn này.

- Báo cáo đầy đủ các thông tin và tình hình thực hiện đối với từng dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo biểu mẫu:

+ Các bộ, ngành và cơ quan Trung ương biểu mẫu số 1, 2, 3.

+ Các địa phương biểu mẫu số 3, 4.

- Đối với các dự án hoàn thành đến ngày 31/10/2011, gửi kèm theo biên bản nghiệm thu, biên bản bàn giao dự án, công trình hoàn thành cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Đối với các dự án khởi công mới (đã được phê duyệt trước ngày 25/10/2011), gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư: quyết định đầu tư, thiết kế cơ sở, tổng dự toán.

(2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII và dự kiến phương án phân bổ cụ thể của các bộ, ngành và địa phương, rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh mục các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới và mức vốn bố trí cho từng dự án trong kế hoạch năm 2012 của từng bộ, ngành và địa phương phù hợp với các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg và văn bản hướng dẫn này; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao cho các bộ, ngành và địa phương tổng số vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương năm 2012 và danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn Ngân sách Trung ương.

(3) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2012 cho các bộ, ngành và địa phương theo ngành, lĩnh vực, từng khoản bổ sung có mục tiêu và mức vốn ngân sách trung ương cho từng dự án cụ thể.

b) Đối với các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách của địa phương, vốn xổ số kiến thiết và các nguồn vốn có tính chất ngân sách nhà nước

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư phát triển năm 2012, căn cứ các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg và văn bản hướng dẫn này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức rà soát và dự kiến phương án bố trí vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, vốn xổ số kiến thiết (bao gồm cả danh mục các dự án khởi công mới) trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo đúng các nguyên tắc quy định tại điểm 1, 2, mục II văn bản này, bảo đảm bố trí vốn tập trung và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

4. Xử lý đối với các dự án chuyển tiếp không bố trí được kế hoạch vốn Ngân sách Trung ương năm 2012

Các dự án chuyển tiếp được bố trí vốn Ngân sách Trung ương từ kế hoạch năm 2011 trở về trước, nhưng kế hoạch năm 2012 không có vốn bố trí, các bộ, ngành và địa phương báo cáo đầy đủ các thông tin, tình hình thực hiện từng dự án theo quy định tại biểu mẫu số 5 (đối với các dự án do các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quản lý) và biểu mẫu số 6 (đối với các dự án do địa phương quản lý) và phân loại để xử lý như sau:

Nhóm 1: Các dự án có khả năng chuyển đổi hình thức đầu tư hoặc bán, chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới

Các bộ, ngành, địa phương dự kiến:

- Các dự án có khả năng chuyển đổi hình thức đầu tư, bao gồm các dự án có thể thu phí để hoàn vốn đầu tư, các dự án có thể thanh toán bằng quyền sử dụng đất, các dự án có thể bán hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Kế hoạch tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn vào từng dự án chuyển đổi hình thức đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có hướng dẫn riêng về xử lý phần vốn Ngân sách Trung ương đã đầu tư vào từng dự án chuyển đổi hình thức đầu tư.

Nhóm 2: Các dự án chuyển tiếp chuyển sang bố trí bằng các nguồn vốn hợp pháp khác

Đối với các dự án không thể chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư khác các bộ, ngành, địa phương chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

Nhóm 3: Các dự án chuyển tiếp không có vốn bố trí kế hoạch năm 2012, tạm dừng thực hiện trong năm 2012.

III. RÀ SOÁT DANH MỤC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ 4 NĂM 2012-2015 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2012

1. Nguyên tắc rà soát, lập danh mục các dự án đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ và phân bổ, giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ 4 năm 2012-2015 và kế hoạch năm 2012 như sau:

Để đảm bảo khả năng cân đối và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư; việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 được thực hiện theo các nguyên tắc và quy trình như sau:

a) Không bổ sung thêm các dự án mới đầu tư từ trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch 2012-2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo danh mục các dự án đầu tư từ trái phiếu Chính phủ trong Nghị quyết 881/NQ-UBTVQH12 ngày 4/1/2010 và các dự án được bổ sung trong năm 2011[7] tại Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 28/1/2011 về giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, ký túc xá sinh viên tại các phụ lục kèm theo văn bản hướng dẫn này làm căn cứ để các bộ, địa phương rà soát.

b) Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào danh mục các dự án được đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo và danh mục các dự án chuyển tiếp của chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, chịu trách nhiệm tổ chức rà soát và lập các danh mục dự án và nhu cầu vốn đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và năm 2012 theo thứ tự ưu tiên và danh mục các dự án không được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ quy định tại điểm 2, 3, mục III văn bản này.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Căn cứ vào kết quả rà soát, sắp xếp các danh mục theo thứ tự ưu tiên bố trí vốn của các bộ, ngành và địa phương, Nghị quyết của Quốc hội về tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ 4 năm 2012-2015 và năm 2012, xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và mức vốn bố trí cho từng dự án trong giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch năm 2012 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ và danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành và địa phương danh mục và mức vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2012 của từng dự án cụ thể.

2. Rà soát, lập danh mục các dự án và dự kiến nhu cầu vốn của các dự án được tiếp tục bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và năm 2012

Các bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, lập danh mục các dự án và dự kiến nhu cầu vốn của các dự án được tiếp tục bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và năm 2012 theo thứ tự ưu tiên dưới đây và báo cáo đầy đủ các thông tin theo biểu mẫu số 8 kèm theo văn bản này:

a) Các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng đến ngày 31/10/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn và dự kiến nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2012.

b) Danh mục các dự án dự kiến hoàn thành từ 1/11/2011 đến trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn và dự kiến nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2012.

- Các dự án dự kiến hoàn thành căn cứ theo tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng thực hiện trong năm 2011.

- Dự án đã có khối lượng hoàn thành so với tổng mức đầu tư đến ngày 31/10/2011 đạt tối thiểu 90% đối với các dự án nhóm A; 80% đối với dự án nhóm B, 70% đối với dự án nhóm C.

c) Danh mục các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 và dự kiến nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2012.

- Các dự án dự kiến hoàn thành căn cứ theo tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng thực hiện trong năm 2012.

- Dự án đã có khối lượng hoàn thành so với tổng mức đầu tư đến ngày 31/10/2011 đạt tối thiểu 80% đối với các dự án nhóm A; 75% đối với dự án nhóm B, 60% đối với dự án nhóm C.

d) Danh mục các dự án dự kiến hoàn thành năm 2013 và dự kiến nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ hoàn thành dự án và kế hoạch năm 2012.

- Các dự án dự kiến hoàn thành năm 2013 xác định căn cứ theo tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, khả năng thực hiện trong năm 2012 và năm 2013.

- Ưu tiên các dự án đã có khối lượng hoàn thành so với tổng mức đầu tư đến ngày 31/10/2011 đạt tối thiểu 70% đối với dự án nhóm A; 55% đối với dự án nhóm B và 35% tổng mức đầu tư đối với dự án nhóm C.

3. Xử lý đối với danh mục các dự án chuyển tiếp không bố trí được vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2012-2015

Các bộ, ngành và địa phương báo cáo đầy đủ các thông tin của từng dự án quy định tại biểu mẫu số 9 kèm theo văn bản này và phân loại, xử lý như sau:

a) Nhóm 1: Các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác

Các bộ và địa phương báo cáo:

- Các dự án có khả năng chuyển đổi hình thức đầu tư, bao gồm các dự án có thể thu phí để hoàn vốn đầu tư, các dự án có thể thanh toán bằng quyền sử dụng đất, các dự án có thể bán hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Kế hoạch tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn vào từng dự án chuyển đổi hình thức đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có hướng dẫn riêng về việc chuyển đổi và xử lý phần vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư cho từng dự án theo từng loại hình chuyển đổi hình thức đầu tư cụ thể.

b) Nhóm 2: Các dự án không có khả năng chuyển đổi hình thức đầu tư khác:

Đối với các dự án không thể chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư khác, các bộ, địa phương chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện (kể cả việc bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện dự án).

c) Nhóm 3: Các dự án không chuyển đổi được hình thức đầu tư phải giãn tiến độ thực hiện sau năm 2015. Đối với các dự án này, ngoài các thông tin quy định tại biểu mẫu số 9, đề nghị báo cáo thêm nhu cầu vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành đến hết ngày 31/10/2011 theo Quyết định đầu tư ban đầu, Quyết định đầu tư quy định tại Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12; Quyết định đầu tư điều chỉnh, trong đó: ghi rõ phần vốn tăng thêm do điều chỉnh chính sách, như giải phóng mặt bằng, giá vật liệu, tiền công,...; không bao gồm phần vốn điều chỉnh do tăng quy mô dự án.

IV. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện theo đúng các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ và các hướng dẫn trong văn bản này.

2. Đối với dự kiến kế hoạch vốn đầu tư từ vốn NSNN của các bộ, ngành và vốn Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương năm 2012.

Trước ngày 15/11/2011 các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn tại văn bản này và các tài liệu liên quan sau:

a) Dự kiến danh mục dự án sử dụng vốn Ngân sách Trung ương năm 2012 theo quy định tại điểm 1, 2, mục II nêu trên:

- Các bộ, ngành cơ quan Trung ương báo cáo theo các biểu mẫu số 1, 2, 3 kèm theo văn bản này.

- Các địa phương báo cáo theo biểu mẫu 3, 4 kèm theo văn bản này.

Đối với các dự án hoàn thành trước ngày 31/10/2011 gửi kèm theo biên bản nghiệm thu, bàn giao và quyết toán dự án (đối với các dự án hoàn thành từ năm 2010 trở về trước).

Đối với các dự án khởi công mới nêu rõ sự cần thiết phải khởi công mới trong năm 2012, kèm theo quyết định đầu tư, thiết kế cơ sở, tổng dự toán được duyệt trước ngày 25/10/2011; dự kiến tổng mức vốn, trong đó nêu rõ mức vốn Ngân sách Trung ương sẽ bố trí cho dự án trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt.

b) Danh mục các dự án chuyển tiếp có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác hoặc tạm dừng thực hiện năm 2012 quy định tại khoản d, điểm 2, mục II nêu trên:

- Các bộ, ngành cơ quan Trung ương báo cáo theo biểu mẫu số 5 kèm theo văn bản này.

- Các địa phương báo cáo theo biểu mẫu số 6 kèm theo văn bản này.

3. Đối với vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương, vốn xổ số kiến thiết kế hoạch năm 2012, căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giao dự toán NSNN năm 2012, gửi báo cáo về tổng hợp phương án phân bổ các nguồn vốn và báo cáo theo biểu mẫu số 7 kèm theo văn bản này về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31/12/2011.

4. Đối với việc rà soát các danh mục dự án và dự kiến nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ, trước ngày 30/11/2011 các bộ, địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về kết quả rà soát và dự kiến nhu cầu vốn kế hoạch năm 2012-2015 và kế hoạch 2012 và các tài liệu liên quan gồm:

a) Dự kiến danh mục dự án và nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 theo quy định tại điểm 1, 2, mục III nêu trên (theo biểu mẫu số 8 kèm theo văn bản này); danh mục các dự án chuyển đổi hình thức đầu tư, giãn, hoãn tiến độ thực hiện theo quy định tại điểm 3, mục III nêu trên (theo biểu mẫu số 9 kèm theo văn bản này).

b) Đối với các dự án hoàn thành đã đi vào sử dụng gửi kèm theo biên bản nghiệm thu, bàn giao và quyết toán dự án (đối với các dự án hoàn thành từ năm 2010 trở về trước).

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công nhà nước triển khai thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định tại văn bản hướng dẫn này và gửi báo cáo theo quy định tại điểm 2, 3, 4, mục IV văn bản này về Bộ Kế hoạch và Đầu tư bằng đường văn bản (2 bản) và qua thư điện tử địa chỉ thktqd@mpi.gov.vn.

Do việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian rất gấp, nhiều nội dung yêu cầu đổi mới, trong quá trình triển khai thực hiện đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để quán triệt và thực hiện đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; xử lý kịp thời các vướng mắc; xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ bảo đảm tập trung, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng CP;
- VPCP;
- Các đ/c Lãnh đạo Bộ;
- Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị trong Bộ;
- Lưu: VT, Vụ TH (5 bản).

BỘ TRƯỞNG




Bùi Quang Vinh

 

DANH MỤC

CÁC BIỂU MẪU KÈM THEO
(Kèm theo văn bản số 7356 /BKHĐT-TH ngày 28 tháng 10 năm 2011)

I. Vốn Ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2012

1. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước báo cáo

- Biểu mẫu số 1: Dự kiến danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư sử dụng vốn NSNN kế hoạch năm 2012.

- Biểu mẫu số 2: Dự kiến danh mục các dự án đầu tư từ vốn NSNN kế hoạch năm 2012.

- Biểu mẫu số 3: Dự kiến danh mục các dự án đầu tư từ vốn ODA (vay, viện trợ) kế hoạch năm 2012.

- Biểu mẫu số 5: Danh mục các dự án chuyển tiếp đầu tư từ vốn NSNN chuyển đổi hình thức đầu tư, tạm dừng thực hiện năm 2012

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo

- Biểu mẫu số 3: Dự kiến danh mục các dự án đầu tư từ vốn ODA (vay, viện trợ) kế hoạch năm 2012.

- Biểu mẫu số 4: Dự kiến danh mục các dự án đầu tư từ vốn bổ sung có mục tiêu Ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2012

- Biểu mẫu số 6: Danh mục các dự án chuyển tiếp đầu tư từ vốn Ngân sách Trung ương chuyển đổi hình thức đầu tư, tạm dừng thực hiện năm 2012.

- Biểu mẫu số 7: Tổng hợp tình hình phân bổ vốn cân đối Ngân sách địa phương, xổ số kiến thiết và các nguồn vốn khác có tính chất NSNN kế hoạch năm 2012.

II. Vốn trái phiếu Chính phủ

Các bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Xây dựng, Giáo dục và đào tạo, Y tế và các địa phương báo cáo

- Biểu mẫu số 8: Dự kiến danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch giai đoạn 2012-2015

- Biểu mẫu số 9: Danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ chuyển đổi hình thức đầu tư, giãn hoãn tiến độ thực hiện sau 2015.

Các đơn vị có thể lấy các biểu mẫu báo cáo tại:

Mục “Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư” tại Menu giữa Trang chủ Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại địa chỉ http://www.mpi.gov.vn

 

Phụ lục số 1

Tên địa phương

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số:

.........., ngày......... tháng......... năm..........

 

BÁO CÁO ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH NGUỒN VỐN VÀ PHẦN VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG CHO CÁC DỰ ÁN KHỞI CÔNG MỚI

(Áp dụng cho các dự án sử dụng vốn NSTW của các địa phương)

Kinh gửi:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Bộ Tài chính

 

- Căn cứ các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và TPCP;

- Các căn cứ pháp lý khác (Thuyết minh rõ dự án được thực hiện theo Chiến lược, quy hoạch đã được cấp nào phê duyệt, ghi rõ số quyết định phê duyệt, cấp phê duyệt; kèm theo văn bản cho phép đầu tư (nếu có).

Bộ (ngành, địa phương) ....... đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và phần vốn ngân sách Trung ương của dự án đầu tư với các nội dung chính sau:

1. Tên dự án:

2. Chủ đầu tư:

3. Tổ chức tư vấn lập dự án:

4. Chủ nhiệm lập dự án:

5. Mục tiêu đầu tư dự án:

6. Nội dung và quy mô đầu tư dự án:

7. Địa điểm thực hiện dự án:

8. Thời gian thực hiện dự án:

(Bao gồm thời gian khởi công và hoàn thành, phân kỳ thực hiện nếu có)

9. Diện tích sử dụng đất:

10. Loại, cấp công trình:

11. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có):

12. Tổng mức đầu tư của dự án:

Tổng cộng:

Trong đó:

- Chi phí xây dựng:

- Chi phí thiết bị:

- Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư:

- Chi phí quản lý dự án:

- Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng:

- Chi phí khác:

- Chi phí dự phòng:

13. Nguồn vốn đầu tư:

Tổng cộng:

Trong đó:

- Ngân sách Trung ương:

- Ngân sách địa phương:

- Các nguồn vốn khác (ghi cụ thể từng nguồn vốn):

14. Tiến độ và phân kỳ đầu tư thực hiện dự án:

Phân kỳ khả năng cân đối vốn và thời gian thực hiện dự án (tùy theo dự án thuộc nhóm A/B/C dự kiến khả năng cân đối vốn sẽ theo các thời gian khác nhau):

Năm

Nguồn vốn NSTW

Nguồn vốn NSĐP

Nguồn vốn khác (ghi cụ thể từng nguồn vốn)

.........

.......

- Năm thứ nhất

 

 

 

 

- Năm thứ 2

 

 

 

 

- Năm thứ 3

 

 

 

 

- Năm thứ ....

 

 

 

 

15. Hình thức quản lý dự án:

16. Các nội dung khác và tài liệu thuyết minh về dự án gửi kèm theo: Thuyết minh về hiệu quả đầu tư của dự án.

Đối với dự án có thu hồi vốn, cần phân tích thêm và thuyết minh về khả năng thu hồi vốn đầu tư, khả năng hoàn trả vốn vay, phương án hoàn trả vốn vay, thời hạn hoàn trả vốn (nếu có).

Phân tích làm rõ hiệu quả của dự án đối với phát triển kinh tế của ngành, vùng và địa phương; hiệu quả về mặt xã hội và đời sống của nhân dân trong vùng ảnh hưởng của dự án.

Bộ (ngành, địa phương) ........ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho ý kiến thẩm định về nguồn vốn và phần vốn ngân sách Trung ương của dự án./.

 

Nơi nhận:
- Như trên,
- Lưu:

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)

 

Phụ lục số 2

Tên Bộ, ngành địa phương

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số:

.........., ngày......... tháng......... năm..........

 

BÁO CÁO ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH NGUỒN VỐN VÀ PHẦN VỐN CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG, TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ CHỈNH

(Áp dụng cho các dự án sử dụng vốn NSTW của các địa phương và các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ)

Kinh gửi:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Bộ Tài chính

 

- Căn cứ các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và TPCP;

- Căn cứ ...............

Bộ (ngành, địa phương) ....... đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định chỉnh nguồn vốn và phần vốn ngân sách Trung ương/trái phiếu Chính phủ của dự án đầu tư với các nội dung chính sau:

1. Tên dự án:

2. Chủ đầu tư:

3. Dự án được phê duyệt tại Quyết định đầu tư số: ......., ngày ....... tháng ....... năm

Trường hợp dự án đã phê duyệt nhiều lần ghi rõ đầy đủ các quyết định đầu tư đã được phê duyệt.

4. Số vốn đầu tư đã bố trí thực hiện dự án tới thời điểm báo cáo theo từng nguồn vốn cụ thể:

Tổng cộng:

Trong đó:

- Ngân sách Trung ương/Trái phiếu Chính phủ:

- Các nguồn vốn khác (ghi rõ từng nguồn vốn):

5. Tổ chức tư vấn lập dự án điều chỉnh (nếu có):

6. Mục tiêu đầu tư dự án điều chỉnh (nếu có):

Nêu rõ so với quyết định đầu tư ban đầu có những điều chỉnh gì.

7. Nội dung và quy mô đầu tư dự án điều chỉnh so với quyết định ban đầu:

Ghi rõ điều chỉnh tăng/giảm nội dung và quy mô so với quyết định đầu tư ban đầu; lý do tăng/giảm nội dung và quy mô đầu tư; tăng/giảm do yếu tố giá cả; tăng/giảm do các yếu tố khác.

8. Địa điểm thực hiện dự án điều chỉnh (nếu có):

9. Thời gian thực hiện dự án điều chỉnh (nếu có):

Bao gồm thời gian khởi công và hoàn thành, phân kỳ thực hiện điều chỉnh so với quyết định đầu tư ban đầu.

10. Diện tích sử dụng đất điều chỉnh (nếu có):

Nêu rõ so với quyết định đầu tư ban đầu có những điều chỉnh gì.

11. Loại, cấp công trình điều chỉnh (nếu có):

Nêu rõ so với quyết định đầu tư ban đầu có những điều chỉnh gì.

12. Thiết bị công nghệ điều chỉnh (nếu có):

Nêu rõ so với quyết định đầu tư ban đầu có những điều chỉnh gì.

13. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư điều chỉnh (nếu có):

Nêu rõ so với quyết định đầu tư ban đầu có những điều chỉnh gì.

14. Tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh:

Tổng cộng:

Trong đó:

- Chi phí xây dựng:

- Chi phí thiết bị:

- Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư:

- Chi phí quản lý dự án:

- Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng:

- Chi phí khác:

- Chi phí dự phòng:

Nêu rõ phần điều chỉnh tăng/giảm nội dung và quy mô so với quyết định đầu tư ban đầu; tăng/giảm do yếu tố giá cả; tăng/giảm do các yếu tố khác đối với từng khoản chi phí.

15. Nguồn vốn đầu tư điều chỉnh:

Tổng cộng:

Trong đó:

- Ngân sách Trung ương/Trái phiếu Chính phủ điều chỉnh:

- Các nguồn vốn khác (ghi cụ thể từng nguồn vốn):

16. Tiến độ và phân kỳ đầu tư thực hiện dự án:

Phân kỳ khả năng cân đối vốn và thời gian thực hiện dự án đối với việc điều chỉnh quyết định đầu tư (tùy theo dự án thuộc nhóm A/B/C dự kiến khả năng cân đối vốn còn thiếu sẽ theo các thời gian khác nhau):

Năm

Nguồn vốn NSTW

Nguồn vốn TPCP

Nguồn vốn khác (ghi cụ thể từng nguồn vốn)

.........

.......

- Năm …….

 

 

 

 

- Năm …….

 

 

 

 

- Năm …….

 

 

 

 

- Năm …….

 

 

 

 

17. Hình thức quản lý dự án:

18. Các nội dung khác và tài liệu thuyết minh về dự án gửi kèm theo:

Bộ (ngành, địa phương) ........ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho ý kiến thẩm định về nguồn vốn và phần vốn ngân sách Trung ương/trái phiếu Chính phủ điều chỉnh của dự án./.

 

Nơi nhận:
- Như trên,
- Lưu:

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)

 

 

 



[1] Các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm các dự án: (1) Tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên; (2) Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hécta (ha) trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 hécta (ha) trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 hécta (ha) trở lên; (3) Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 hécta (ha) trở lên; (4) Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ hai mươi nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn người trở lên ở các vùng khác; (5) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia; (6) Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh; (7) Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

[2] Ngân sách địa phương là vốn đầu tư trong cân đối của ngân sách địa phương được giao trong kế hoạch hàng năm, bao gồm đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất.

[3] Nguồn xổ số kiến thiết, các nguồn vốn có tính chất ngân sách nhà nước khác do địa phương quản lý hoặc các nguồn vốn địa phương tự huy động.

[4] Các nguồn vốn hợp pháp khác:

- Đối với các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là phần vốn huy động ngoài NSNN để đầu tư thực hiện dự án (NSNN không bố trí vốn để thanh toán các khoản huy động này).

- Đối với các địa phương là vốn đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết, thu phí, lệ phí (không đưa vào NSNN), huy động trong dân; các nguồn vốn huy động khác của địa phương (Ngân sách Trung ương không bố trí vốn để thanh toán cho các khoản vốn này).

[5] như chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông; khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền; nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt và xây dựng hệ thống thủy lợi trên các đảo có đông dân cư; chương trình di dân định canh, định cư; đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới; hạ tầng vùng ATK; tỉnh, huyện chia tách; vốn đối ứng các dự án ODA; các trung tâm giáo dục, lao động xã hội; các bệnh viện tuyến tỉnh; các dự án cấp bách;...

[6] Chưa bao gồm vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia (trừ đầu tư cho các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ), đầu tư kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển; đầu tư khu công nghiệp tại các địa phương; hạ tầng cụm công nghiệp các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Vốn đầu tư các chương trình này Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định.

[7] Không bao gồm các dự án khởi công mới không được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011