BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 743/BGDĐT-GDCTHSSV | Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi tới sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tại Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022 của Ban Dân nguyện.
Nội dung kiến nghị:
“Hiện nay, tình trạng tai nạn giao thông gia tăng, trong đó có nguyên nhân do ý thức của người dân chưa cao, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa việc giảng dạy luật giao thông đường bộ làm một trong các nội dung chính trong chương trình giáo dục đối với các cấp học nhằm phát huy hiệu quả tuyên truyền, nâng cao ý thức của học sinh, sinh viên trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông nhằm góp phần hạn chế tai nạn giao thông” (Câu 24).
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, Bộ GDĐT đã tổ chức hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) và văn hóa giao thông vào trong chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ mầm non đến giáo dục phổ thông, đảm bảo tối thiểu ít nhất 5 tiết/1 học kì đối với học sinh lớp đầu cấp và 3 tiết/1 học kì đối với các lớp khác. Kết quả cụ thể như sau:
1. Kết quả triển khai đối với cấp tiểu học
Bộ GDĐT đã phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia và các cơ quan liên quan biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục ATGT dành cho học sinh tiểu học” (sau đây viết tắt là Bộ tài liệu). Bộ tài liệu đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để sử dụng tổ chức giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học và tổ chức Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” từ năm học 2020-20211. Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình ATGT cấp tiểu học và sử dụng Bộ tài liệu để triển khai tổ chức giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục tiểu học2 như sau:
a) Sử dụng Bộ tài liệu để tổ chức giờ học ATGT theo từng chủ đề, bài học được thiết kế trong Bộ tài liệu theo hình thức, phương pháp phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường được xây dựng từ đầu năm học.
b) Thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục ATGT theo các chủ đề, bài học trong Bộ tài liệu vào quá trình dạy học các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học/mạch kiến thức các môn học, hoạt động giáo dục; việc tích hợp nội dung giáo dục ATGT được thực hiện linh hoạt, mềm dẻo, chủ động phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục; thực hiện Chương trình phối hợp “Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về tuyên truyền giáo dục ATGT đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018” (Giai đoạn 2022-2024). Nội dung này đã được ký Biên bản hợp tác giữa Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GDĐT và Công ty Toyota Việt Nam vào ngày 10/12/2021.
c) Lựa chọn nội dung giáo dục ATGT theo các chủ đề, bài học trong Bộ tài liệu vào tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp/hoạt động trải nghiệm/chuyên đề ở bậc tiểu học.
Như vậy, đề xuất của cử tri tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về nội dung trên đã được Bộ GDĐT triển khai đối với bậc tiểu học từ năm học 2020-2021.
2. Kết quả triển khai đối với cấp trung học cơ, trung học phổ thông
a) Nội dung giáo dục ATGT được đưa vào giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông, môn Giáo dục công dân.
b) Giáo dục tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục: Môn Giáo dục Công dân, môn Địa lí, môn Ngữ văn và các môn học khác.
c) Các tài liệu giáo dục ATGT trong trường học: Tài liệu Giáo dục tích hợp nội dung ATGT trong trường học do Bộ GDĐT và Ủy ban ATGT quốc gia biên soạn; tài liệu giáo dục “ATGT cho nụ cười ngày mai” do Bộ GDĐT phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam biên soạn.
d) Tổ chức Cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai” dành cho giáo viên và học sinh cấp THCS và THPT nhằm mục đích tuyên truyền, phát triển kĩ năng và hình thành năng lực tham gia giao thông an toàn cho học sinh, đổi mới công tác giảng dạy nội dung giáo dục ATGT trong nhà trường.
đ) Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ, năm 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch xây dựng tài liệu giáo dục tích hợp nội dung giáo dục ATGT trong các môn học và hoạt động giáo dục với thời lượng các lớp đầu cấp 5 tiết/học kì; các lớp khác 3 tiết/học kì.
3. Kết quả triển khai đối với khối đại học
Các đại học, học viện; các trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho sinh viên được lồng ghép vào “Tuần sinh hoạt công dân HSSV” đầu năm học, đầu khóa học và cuối khóa học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 2749/BGDĐT-GDCTHSSV năm 2020 về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đầu năm học mới 2020-2021 cho học sinh sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Công văn 1593/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh sinh viên; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong dịp nghỉ lễ 30/04-01/05 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3 Công văn 4023/BGDĐT-GDCTHSSV năm 2022 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9 và "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh sinh viên đến trường" do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành