- 1 Luật Thương mại 2005
- 2 Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo
- 3 Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 12/2013/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Kho chứa thóc và Cơ sở xay, xát thóc gạo do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Luật Quản lý ngoại thương 2017
- 6 Nghị định 28/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về biện pháp phát triển ngoại thương
- 7 Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo
- 8 Thông tư 30/2018/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 9 Thông tư 77/2018/TT-BTC về phương pháp điều tra, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất thóc hàng hóa các vụ sản xuất trong năm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 10 Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA)
- 11 Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2021 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" do Chính phủ ban hành
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7487/BCT-XNK | Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2021 |
Kính gửi: | - Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; |
Để hoàn thiện hành lang pháp lý, với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu quản lý trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngày 15 tháng 8 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong quá trình thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá, phản ánh từ các Bộ, ngành, địa phương, VFA và thương nhân xuất khẩu gạo trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương đã tổng hợp, xin trao đổi với quý Cơ quan một số nội dung liên quan đến kết quả thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới như sau:
1. Kết quả đạt được trong thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP
a) Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Trong quá trình thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
- Thông tư số 30/2018/TT-BCT ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
- Thông tư số 77/2018/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phương pháp điều tra, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm thóc hàng hóa các vụ sản xuất trong năm.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp từ báo cáo kết quả điều tra giá thành lúa của các địa phương (chủ yếu từ vùng ĐBSCL) công bố giá mua thóc định hướng từ đầu vụ để làm cơ sở áp dụng các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trên thị trường theo quy định.
- Thông tư số 12/2013/TT-BNNPTNT ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc và cơ sở xay, xát thóc gạo. Tuy nhiên, căn cứ để ban hành Thông tư này vẫn thể hiện là Nghị định số 109/2010/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) nhưng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật, sửa đổi, bổ sung.
b) Công tác điều hành xuất khẩu gạo
Xét tổng thể trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến nay, dù phần lớn thời gian chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tác động của giãn cách xã hội trong thời điểm nhất định, giai đoạn, công tác điều hành xuất khẩu gạo từ khi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP có hiệu lực đã bảo đảm được các mục tiêu, nguyên tắc quy định tại Điều 10 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Đó là: tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt, qua đó bảo đảm lợi ích của người trồng lúa theo chính sách hiện hành, cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; ổn định thị trường - giá cả và quan trọng nhất, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh thị trường gạo thế giới cực kỳ căng thẳng do tác động của dịch Covid-19.
(i) Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo và kịp thời giải quyết các khó khăn, ứng phó kịp thời với các động thái chính sách bất lợi tại các thị trường lớn, truyền thống
- Với thị trường Philippines, Bộ Công Thương đã chỉ đạo VFA phối hợp với các thương nhân đầu mối tham gia đấu thầu nhập khẩu của Philippines; có các biện pháp, ứng phó kịp thời, phù hợp sau khi Philippines có các động thái chính sách bất lợi với xuất khẩu gạo của Việt Nam như tự khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với gạo nhập khẩu (để tăng thuế và hạn chế nhập khẩu gạo), tiến hành "đánh giá lại hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát nhập khẩu vào Philippines”.
- Với thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương đã phối hợp: i) các đơn vị liên quan trong và ngoài nước thực hiện hoạt động kết nối giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại gạo trong năm 2019; ii) Bộ Nông nghiệp và PTNT khôi phục được tư cách xuất khẩu gạo sang Trung Quốc của 03 thương nhân bị dừng xuất khẩu từ đầu năm 2018.
(ii) Mở rộng, phát triển xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng thông qua công tác đàm phán song phương, đa phương
Bên cạnh việc tiếp tục xuất khẩu đến hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục thực hiện các công tác đàm phán, mở cửa thị trường như giành được hạn ngạch 80.000 tấn gạo với thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu gạo vào EU theo Hiệp định EVFTA; hạn ngạch thuế quan mở cửa thị trường gạo của Hàn Quốc, v.v..
(iii) Công tác thông tin thị trường
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT, VFA cung cấp thêm thông tin về tình hình cung cầu gạo trong nước và thế giới, cảnh báo tới các doanh nghiệp để các doanh nghiệp tham dự đấu thầu bảo đảm hiệu quả xuất khẩu gạo.
Thực hiện trách nhiệm được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành để trao đổi với các địa phương, VFA và hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân trong tham gia xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp ở trong nước và ngoài nước; cung cấp cho Sở Công Thương các địa phương Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản hàng tuần trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, khuyến cáo về sự thay đổi trong thực thi chính sách của một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Bộ Công Thương cũng đã xuất bản các tài liệu: Sổ tay một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Cẩm nang thông tin thị trường như Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, Tài liệu phổ biến Tiềm năng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Đông Bắc Á, tài liệu phổ biến thông tin thị trường Hàn Quốc, Singapore...
c) Đối với công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan liên quan tổ chức điều hành xuất khẩu gạo bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Nghị định
Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo như: điều tiết giá cả, bình ổn thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu, ký kết, tổ chức thực hiện các bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước, điều hành thị trường tập trung, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu.
Thực tiễn triển khai cho thấy các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp trong triển khai thực hiện các trách nhiệm được giao, cụ thể như:
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố giá thóc định hướng. Từ đó, các thương nhân có cơ sở tham khảo để giao dịch trên thị trường; Chính phủ, các Bộ có cơ sở tham khảo để điều hành, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
- Trên cơ sở giá thóc định hướng được công bố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.
- Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã phối hợp và gửi Bộ Công Thương báo cáo định kỳ hàng tháng và đột xuất về yêu cầu xuất khẩu gạo, phối hợp với các Bộ, ngành trong công tác thống kê số liệu về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Hải quan tại nhiều kỳ báo cáo định kỳ còn chậm, số liệu còn thô, chưa được xử lý, tổng hợp nên còn gây khó khăn cho công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo số liệu, tình hình thực thi.
2. Hạn chế, bất cập trong thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP
a) Điều kiện kinh doanh
- Tính đến thời điểm báo cáo, có 205 thương nhân đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP) và Nghị định số 109/2010/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) đang hoạt động.
Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Hải quan thống kê cho thấy 39 thương nhân có trụ sở chính tại 16 tỉnh, thành phố không xuất khẩu gạo từ tháng 12 năm 2019 cho đến thời điểm báo cáo (thuộc trường hợp xem xét thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP).
Như vậy, có thể nhận thấy trong thực tế, nhiều thương nhân được cấp Giấy chứng nhận nhưng không có thị trường, không có khả năng, năng lực xuất khẩu, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã không thể xuất khẩu trong gần 2 năm.
- Nghị định số 107/2018/NĐ-CP hiện nay không quy định về sức chứa kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo. Điều này dẫn đến không có mức chuẩn tối thiểu đối với cơ sở của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; dẫn đến sự không công bằng trong đầu tư tham gia thị trường của các thương nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Trong thời gian qua, các thị trường nhập khẩu ngày càng chú ý đến tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và đang có xu hướng tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật dưới hình thức các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tiêu chuẩn hóa đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào nhằm đảm bảo sự đồng bộ hóa về năng lực chế biến của cả ngành. Đây là tiền đề để tiến đến mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo quốc gia một cách thực tiễn khi quy trình chế biến và sản phẩm đầu ra trên quy mô toàn ngành đều đáp ứng được các yêu cầu về rào cản phi thuế quan, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đồng bộ chất lượng sản phẩm của các nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.
b) Đối với việc kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Trong quá trình thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, việc hậu kiểm của nhiều Sở Công Thương đã bộc lộ nhiều hạn chế như: chậm tiến hành hậu kiểm do không xác định được Sở Công Thương tại tỉnh/thành phố nào chủ trì do thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có thể kê khai kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo tại nhiều địa phương để được cấp Giấy chứng nhận; việc duy trì điều kiện kinh doanh của các thương nhân còn chưa được quan tâm, đáp ứng, đặc biệt là về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật dây chuyền sản xuất, chế biến, thiết bị phòng hộ lao động, phòng cháy chữa cháy, v.v..nhưng chưa được Sở Công Thương các tỉnh kịp thời giám sát, báo cáo.
Ngày 22 tháng 5 năm 2020, Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) đã có công văn số 517/XNK-NS gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố liên quan trao đổi về việc thực thi quy định hậu kiểm (vấn đề này đã từng xảy ra khi bắt đầu thực thi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP). Theo đó, đề nghị Sở Công Thương có kho chứa của thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nằm trên địa bàn chủ trì, phối hợp với các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan tiến hành hậu kiểm theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Trong thực tế thi hành Nghị định, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố chưa có sự chủ động trong công tác quản lý nhà nước kiểm tra, báo cáo về việc duy trì điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, về việc thay đổi thông tin, năng lực sản xuất của thương nhân trên địa bàn, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ khi Bộ Công Thương phát hiện vấn đề và có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
c) Đối với gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng
- Đến tháng 12 năm 2019 mới phát sinh xuất khẩu loại gạo này và thương nhân xuất khẩu là Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, với số lượng nhỏ. Đối với gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng (Vitamin), hiện chỉ có Công ty CP TM Gạo Thịnh thực hiện xuất khẩu đối với chủng loại gạo này. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh và Công ty CP TM Gạo Thịnh đều là các thương nhân đã được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi từ Nghị định số 107/2018/NĐ-CP (Khoản 3 Điều 4 Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận).
- Qua gần 3 năm thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đến thời điểm hiện nay, các Bộ, ngành vẫn chưa có văn bản hướng dẫn tiêu chí, phương pháp xác định sản phẩm gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Điều này đã gây lúng túng cho cơ quan hải quan khi thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
d) Đối với việc ủy thác xuất khẩu
Theo quy định về ủy thác xuất nhập khẩu tại Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại, có thể có trường hợp thương nhân (có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo - Giấy chứng nhận) ủy thác cho thương nhân (không có Giấy chứng nhận) thực hiện kinh doanh xuất khẩu gạo, làm thủ tục xuất khẩu gạo tại cơ quan hải quan. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra trong thực tế nhưng đây là một kẽ hở của pháp luật cần được sửa đổi.
đ) Việc thống kê, khai thác thông tin, dữ liệu và chế độ báo cáo số liệu thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo
Thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm theo mẫu số 04 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định như: không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định, có báo cáo nhưng không thường xuyên ... Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Nghị định số 109/2010/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) cho phép áp dụng chế tài tạm ngừng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo nếu thương nhân không thực hiện nghĩa vụ của mình. Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định chế tài nhẹ hơn, theo đó, các thương nhân vi phạm nghĩa vụ báo cáo chỉ không được hưởng các chính sách như tham gia các chương trình xúc tiến, xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ở trong nước và ngoài nước, không được phân bổ chỉ tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung hay tham gia chương trình mua thóc, gạo tạm trữ của Nhà nước. Do các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung và chương trình tạm trữ hầu như không có, kinh phí quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại lại không đáng kể nên quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP khó có thể coi là "chế tài" để buộc các thương nhân phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo. Cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi và khuyến khích các thương nhân tự giác chấp hành. Các thông tin, số liệu liên quan (diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, lượng thóc, gạo hàng hóa tồn kho, xuất khẩu...) thường không đầy đủ, xác thực, kịp thời, không phản ánh đúng thực tế, từ đó gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, tham mưu về điều hành sản xuất, xuất khẩu gạo.
e) Công tác xúc tiến thương mại (XTTM) gạo theo cơ chế đặc thù
Giai đoạn 2016 - 2018, các chương trình XTTM đặc thù đối với mặt hàng gạo triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8023/VPCP-KTTH ngày 06 tháng 10 năm 2016. Theo đó, Bộ Công Thương chủ động lựa chọn thị trường và quyết định thành phần tham gia đoàn bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả. Đối tượng hỗ trợ gồm: cơ quan quản lý nhà nước (cán bộ, công chức) và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức được hỗ trợ công tác phí khi đi công tác ngắn hạn nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia theo quy định tại theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Kết quả mang lại từ các chương trình đã góp phần tăng trưởng sự hiện diện của mặt hàng gạo Việt Nam trên bản đồ thị trường thương mại gạo thế giới. Thông qua Chương trình XTTM đặc thù mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nhận định thị trường, tìm hiểu thực tế quá trình phân phối tại nước sở tại cũng như nhu cầu của mỗi nước từ đó giúp định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường; đồng thời, các chương trình cũng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường (đặc tính thói quen tiêu dùng, thị hiếu, khẩu vị, cách thức tiêu dùng) để từng bước chuyển đổi sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hoạt động XTTM chưa nhấn vào hoạt động quảng bá, truyền thông thương hiệu, chưa có nội dung XTTM riêng cho từng chủng loại gạo tại từng thị trường
Từ năm 2019 trở đi, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 3571/VPCP-KTTH ngày 02 tháng 5 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ, chương trình XTTM mặt hàng gạo thực hiện quy định tại Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương. Như vậy, các chương trình XTTM gạo chỉ dừng lại ở hỗ trợ doanh nghiệp theo cách thức truyền thống hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước không được hỗ trợ khi tham dự, do vậy, hoạt động tiếp xúc với cơ quan quản lý nhà nước phía Bạn không thể diễn ra gây khó khăn tiếp cận cơ chế, chính sách nhập khẩu gạo của các nước. Hoạt động XTTM chỉ dừng lại ở hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp 2 bên. Mặt khác, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động XTTM gạo chưa thể triển khai được.
Thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản nói chung đã bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất, chế biến, xuất khẩu trong trạng thái “bình thường mới”, để thúc đẩy xuất khẩu rất cần thiết triển khai các chương trình XTTM. Mặc dù vậy, với quy trình xây dựng, xem xét, phê duyệt đề án như hiện nay của chương trình XTTM quốc gia và trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tác động như hiện nay, các hoạt động XTTM gạo theo cơ chế đặc thù sẽ khó triển khai có hiệu quả khi các nước có động thái thay đổi chính sách và các thành phần liên quan trong chuỗi giá trị gạo không có cơ hội, cơ chế để tham gia các hoạt động.
g) Chế tài đối với các trường hợp vi phạm quy định, vi phạm chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước
Trong quá trình thực thi, thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp vi phạm quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, tác động đến công tác điều hành của cơ quan quản lý nhà nước như: thay đổi trụ sở chính, thay đổi cơ sở sản xuất để phục vụ công tác kinh doanh, nâng cấp cơ sở cũ, thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận nhưng không hoặc chưa kịp thời báo cáo hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận dẫn đến nhiều chỉ đạo, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước không được tiếp nhận, gây khó khăn trong quá trình triển khai các chỉ đạo điều hành; thương nhân báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Tuy nhiên, hiện chưa có đầy đủ chế tài hoặc chế tài chưa đủ sức răn đe áp dụng đối với các hành vi vi phạm về chế độ báo cáo và các trách nhiệm khác của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến sơ kết của các Bộ, ngành, địa phương, VFA và các thương nhân xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương trân trọng đề nghị quý Cơ quan cho ý kiến đối với một số vấn đề chính cần sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2018-NĐ-CP như sau:
a) Phạm vi điều chỉnh
Trong bối cảnh chịu tác động ngày càng sâu sắc của các yếu tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, v.v.., sản xuất, thương mại gạo của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đang có sự thay đổi. Bên cạnh đó, với tiến trình hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, việc xuất khẩu, nhập khẩu gạo được vận hành trong nền kinh tế thị trường, với giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra.
Với thực tế xuất hiện nhập khẩu gạo, việc theo dõi sát tình hình nhập khẩu gạo, quản lý được lượng gạo nhập khẩu sẽ giúp dự báo, đánh giá tác động đến xuất khẩu gạo, đến thị trường trong nước và các hoạt động sản xuất trong nước liên quan. Do vậy, cần bổ sung quy định về quản lý hoạt động nhập khẩu gạo.
b) Quy định liên quan đến kinh doanh xuất khẩu gạo
- Để thống nhất cách hiểu, tránh hiểu lầm và lách luật khi thực hiện ủy thác trong xuất khẩu gạo, cần bổ sung quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu theo hướng chỉ thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định mới được nhận ủy thác xuất khẩu gạo.
- Đối với điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Đối với điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát, với mục tiêu tiêu chuẩn hóa đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào nhằm đảm bảo sự đồng bộ hóa về năng lực chế biến của cả ngành; tạo tiền đề thực hiện và đảm bảo duy trì tốt thương hiệu gạo quốc gia một cách thực tiễn; tạo cơ sở cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẵn sàng đáp ứng các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu, cần sửa đổi quy định về điều kinh kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng quy định về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; có thể cân nhắc việc quy định như Nghị định số 109/2010/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) để tận dụng nguồn lực xã hội, cơ sở vật chất đã được xây dựng khi thực thi Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, tránh phát sinh thêm chi phí cho các thương nhân, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Đối với việc xác định “gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng”, cần xem xét, điều chỉnh Cơ quan chủ trì ban hành quy định về việc xác định gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng để sớm đưa vào thực hiện, tháo gỡ khó khăn trong công tác thực thi.
- Đối với việc kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Để tăng cường hiệu quả, hiệu lực, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương trong công tác thực thi Nghị định, khắc phục tình trạng quản lý còn có thời điểm chưa sát thực tế tại địa phương trong thời gian qua, cần sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có kho chứa của thương nhân được cấp Giấy chứng nhận tăng cường kiểm tra công tác duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Công Thương trong trường hợp cần xác minh, làm rõ thông tin tại hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
- Đối với thời hạn Giấy chứng nhận, cần sửa đổi quy định về thời hạn của Giấy chứng nhận để phù hợp với thời hạn của hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo của thương nhân tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
c) Đối với công tác xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo theo cơ chế đặc thù
Ngoài chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, cần sửa đổi, bổ sung các quy định để có cơ chế, kinh phí thực hiện phù hợp, đảm bảo sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị gạo trong các hoạt động xúc tiến thương mại theo cơ chế đặc thù đối với mặt hàng gạo.
d) Quy định về quản lý nhập khẩu gạo
Bổ sung các quy định về quản lý nhập khẩu gạo, cho phép áp dụng biện pháp quản lý hành chính bổ sung để góp phần điều tiết thị trường, đảm bảo điều hành xuất khẩu gạo, quản lý nhập khẩu gạo linh hoạt, đảm bảo sự ổn định của thị trường, của người sản xuất trong nước.
đ) Quy định về các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận
Sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận cho phù hợp với hoạt động thực thi trong thực tế như: không xuất khẩu liên tục trong thời gian quy định, thay đổi nội dung trên Giấy nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã được cấp quá 3 tháng nhưng không đề nghị điều chỉnh, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
e) Bổ sung chế tài đối với trường hợp thương nhân không báo cáo hoặc báo cáo không đúng, đầy đủ theo quy định
Bổ sung điều khoản quy định chế tài tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với các lô gạo xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân thuộc trường hợp thực hiện không đúng, không đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.
g) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập, khai báo, báo cáo số liệu trên nền tảng trực tuyến
Bổ sung quy định về việc xây dựng nền tảng thu thập, khai báo trực tuyến đối với số liệu xuất khẩu, nhập khẩu gạo để phục vụ công tác điều hành, quản lý; trách nhiệm trong việc thống kê, khai thác thông tin, dữ liệu và chế độ báo cáo số liệu thống kê.
Bộ Công Thương trân trọng đề nghị quý Cơ quan cho ý kiến đối với: i) Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nêu trên; ii) Đề xuất các nội dung khác cần sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP (nêu rõ lý do).
Văn bản góp ý của quý Cơ quan đề nghị gửi về Bộ Công Thương trước ngày 10 tháng 12 năm 2021, bản mềm gửi về địa chỉ e-mail: xuatkhaugao@moit.gov.vn và phuongpn@moit.gov.vn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương trân trọng cảm ơn sự phối hợp của quý Cơ quan./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Quyết định 384/QĐ-BCT năm 2012 về thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Sản xuất và Xây dựng Nam Hải do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2 Công văn 907a/VPCP-KTTH năm 2016 bổ sung quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 10257/VPCP-KTTH năm 2016 kết quả rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo do Văn phòng Chính phủ ban hành