Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 751/BTP-PBGDPL
V/v nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai xây dựng mô hình này. Đến nay, tủ sách pháp luật được xây dựng, duy trì rộng khắp ở xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học1, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương và nhu cầu thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp pháp luật thường thức còn ít, chất lượng của nhiều sách, tài liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Địa điểm đặt nhiều tủ sách pháp luật còn chật chội, chưa có nơi phục vụ đọc sách tại chỗ. Nhiều địa phương chưa chú trọng thông tin, giới thiệu về tủ sách, thực hiện luân chuyển sách, tài liệu với các tủ sách khác trên địa bàn và chưa thực hiện tốt quy định về quản lý tủ sách. Việc rà soát, bổ sung sách, tài liệu mới chưa được thực hiện theo định kỳ, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, cập nhật văn bản, tài liệu cho tủ sách và đổi mới, nâng cao hiệu quả khai thác sách, tài liệu chưa được chú trọng. Kinh phí dành cho hoạt động của tủ sách pháp luật còn hạn hẹp. Hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật tại nhiều địa phương còn hạn chế, có biểu hiện hình thức; số lượng cán bộ, công chức và người dân đến đọc, mượn sách rất ít.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, ứng dụng rộng rãi và yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, tìm hiểu, tiếp cận pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân thì việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tủ sách pháp luật là đòi hỏi thực tiễn và cần thiết. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ và giải pháp đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định trong Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở. Để nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao tại Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện một số nội dung sau:

1. Tăng cường thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của tủ sách pháp luật trong công tác thông tin, PBGDPL và thực hiện dân chủ ở cơ sở; có hình thức, biện pháp phù hợp để thông tin, giới thiệu các sách, tài liệu của tủ sách pháp luật, chú trọng các sách, tài liệu mới, có nội dung thiết thực, liên quan trực tiếp đến thực thi công vụ của cán bộ, công chức và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, nhân dân.

2. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc bổ sung, mua sách, tài liệu mới định kỳ để cung cấp cho tủ sách pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; bảo đảm bổ sung các sách có chất lượng, thiết thực, nội dung phù hợp với nhu cầu của bạn đọc; hạn chế mua sách văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng sách hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp pháp luật thường thức. Tăng cường khai thác văn bản quy phạm pháp luật thông qua cơ sở dữ liệu pháp luật; hướng dẫn việc xử lý đối với sách, tài liệu bị hư hỏng không thể sử dụng được theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; đưa vào lưu giữ trong tủ sách pháp luật các sách, tài liệu được các cơ quan, đơn vị cấp, phát cho cán bộ, công chức tham dự hội thảo, tọa đàm để quản lý theo quy định về tài sản công, đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý, bảo quản, khai thác tủ sách pháp luật trong Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg .

3. Phát huy vai trò đầu mối của tổ chức pháp chế, cơ quan Tư pháp, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong phối hợp với ngành Tư pháp xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, gắn hoạt động khai thác của tủ sách pháp luật với hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4, các phong trào, cuộc vận động nâng cao dân trí, văn hóa đọc trong cán bộ, nhân dân; đầu tư, bố trí máy tính kết nối mạng internet để khai thác tài liệu, văn bản pháp luật và triển khai tủ sách pháp luật điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

4. Bố trí địa điểm đặt tủ sách pháp luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg bảo đảm thuận tiện cho việc khai thác, quản lý. Đối với tủ sách pháp luật cấp xã, chú ý đặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã.

5. Quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg, đồng thời sử dụng có hiệu quả kinh phí được cấp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

6. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo:

a) Định kỳ thực hiện luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu pháp luật giữa tủ sách pháp luật cấp xã với các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở (thư viện, điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng...), các loại hình tủ sách tự quản tại cộng đồng mà người dân dễ tiếp cận2, đồng thời khuyến khích các cá nhân tham gia quản lý loại hình tủ sách tự quản này để phục vụ tốt hơn công tác thông tin, PBGDPL ở cơ sở.

b) Quan tâm bố trí cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg có điều kiện về thời gian và kỹ năng, nghiệp vụ để quản lý, phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn.

7. Đánh giá thực trạng thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg tại Bộ, ngành, địa phương và các đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể gửi Bộ Tư pháp trước ngày 02/12/2017 (được tổng hợp trong Báo cáo công tác pháp chế hoặc Báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 của Bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 2694/QĐ-BTP ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

Mọi thông tin chi tiết đề nghị liên hệ Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; địa chỉ 58-60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội; số điện thoại 04.62739469) để được giải đáp, hướng dẫn./.

 

 

Nơi nhận
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, đoàn thể;
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

 



1 Theo Báo cáo số 356/BC-BTP ngày 24/12/2015 của Bộ Tư pháp, cả nước đã xây dựng 11.637 Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn và 60.308 Tủ sách pháp luật cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp

2 Tủ sách/ngăn sách/giỏ sách/túi sách tại thôn, làng, bản, tổ dân phố, quán cà phê, chùa/cơ sở tôn giáo, dòng họ, khu nhà trọ công nhân...