Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7534/BYT-BH
V/v thanh toán chi phí xét nghiệm HIV

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2011

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được ý kiến của Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc Bảo hiểm xã hội một số tỉnh, thành phố đã dừng thanh toán chi phí xét nghiệm HIV đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo hướng dẫn tại công văn số 3276/BHXH-CSYT ngày 08/8/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong công văn 3276/BHXH-CSYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu lý do Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về việc xét nghiệm HIV bắt buộc và sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh, theo quy định của Luật Phòng chống AIDS (Khoản 2 Điều 28)Luật BHYT (Điều 21), nên chưa có cơ sở để cơ quan BHXH thanh toán chi phí xét nghiệm HIV.

Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh, Bộ Y tế có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 28 Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc xét nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Nội dung quy định này được hiểu như sau:

- Xét nghiệm HIV bắt buộc để chẩn đoán và điều trị bệnh có nghĩa là người được chỉ định xét nghiệm HIV không được từ chối làm xét nghiệm. Việc xét nghiệm HIV trong những trường hợp này là điều kiện cần thiết để cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tiếp các chỉ định chuyên môn liên quan đến chính người đó hoặc liên quan đến người khác.

Đối tượng phải thực hiện xét nghiệm HIV bắt buộc đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 33/2011/TT-BYT ngày 26/8/2011 của Bộ Y tế. Theo đó, xét nghiệm HIV bắt buộc chỉ áp dụng đối với các trường hợp: (1) người hiến mô, bộ phận cơ thể người; (2) người nhận mô, bộ phận cơ thể người; (3) người cho tinh trùng, noãn; (4) người nhận tinh trùng, noãn, phôi; (5) người đã được khám lâm sàng, xét nghiệm nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng lâm sàng nghi nhiễm HIV theo các quy định tại Quyết định số 3003/QĐ-BYT ngày 19/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS.

- Đối với các trường hợp khác, người bệnh được chỉ định xét nghiệm HIV và được tư vấn xét nghiệm vì các lý do liên quan đến chẩn đoán, điều trị, thực hành kỹ thuật chuyên môn trong khám, chữa bệnh, người bệnh có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận làm xét nghiệm. Những trường hợp này không phải là xét nghiệm HIV bắt buộc.

2. Về xét nghiệm sàng lọc HIV:

- Xét nghiệm sàng lọc HIV (có ghi tên người được xét nghiệm hoặc giấu tên) hiện nay được thực hiện với mục đích giám sát trọng điểm để đánh giá chiều hướng nhiễm HIV trong cộng đồng, phát hiện mẫu máu có HIV dương tính sau khi đã thu thập từ người cho máu và trong một số trường hợp nghiên cứu khoa học. Chi phí xét nghiệm HIV trong thực hiện giám sát trọng điểm do ngân sách nhà nước đảm bảo (Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS); Chi phí xét nghiệm HIV đối với các mẫu máu của người cho máu được tính vào giá thành đơn vị máu; Chi phí xét nghiệm HIV trong nghiên cứu khoa học thuộc về kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Vì vậy, việc cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định xét nghiệm HIV đối với người bệnh và thực hiện đúng quy trình đã quy định nhằm mục đích chẩn đoán, điều trị, thực hành kỹ thuật can thiệp an toàn cho người bệnh, phòng lây nhiễm chéo, hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV không coi là xét nghiệm sàng lọc.

3. Về nội dung “khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh” theo quy định tại Khoản 2, Điều 21 Luật BHYT:

3.1. Khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm bao gồm:

- Sàng lọc: Là áp dụng có hệ thống các biện pháp lâm sàng, xét nghiệm... đối với những người có nguy cơ của rối loạn chức năng hay một bệnh cụ thể nhưng không có triệu chứng. Sàng lọc cũng có mục đích phát hiện sớm tình trạng bệnh tật. Tuy nhiên, do sàng lọc thường sử dụng các phương pháp đơn giản nên trong nhiều trường hợp không phải các phương pháp đó đều có giá trị chẩn đoán xác định mà phải tiến hành các kỹ thuật, biện pháp bổ sung khác.

- Chẩn đoán sớm: Là việc thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng đặc hiệu để chẩn đoán xác định những trường hợp triệu chứng chưa rõ ràng, hoặc khi mới có dấu hiệu hay triệu chứng ở giai đoạn sớm của bệnh, hoặc từ kết quả ban đầu của sàng lọc.

3.2. Trong quá trình khám, chữa bệnh, việc chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm (trong đó có xét nghiệm HIV), thăm dò chức năng hay chẩn đoán hình ảnh trước khi thực hiện can thiệp điều trị (như thủ thuật, phẫu thuật) , để phát hiện những rối loạn chức năng hay tình trạng bệnh kèm theo bệnh chính đã được chẩn đoán, phục vụ cho việc áp dụng cách thức xử trí hay điều trị bệnh chính không phải là “khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm”.

Từ những lý do trên, việc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố vận dụng Khoản 2, Điều 28 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS Khoản 2, Điều 21 của Luật Bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để dừng thanh toán xét nghiệm HIV cho các bệnh nhân có thẻ BHYT là không đúng với quy định hiện hành, không phù hợp với yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh nói chung và phòng chống HIV/AIDS nói riêng, không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. Đồng thời, việc cơ quan Bảo hiểm xã hội dừng thanh toán chi phí xét nghiệm HIV đối với người bệnh có thẻ BHYT khi chưa có ý kiến của Bộ Y tế và Bộ Tài chính là chưa phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện việc thanh toán chi phí xét nghiệm HIV đối với người có thẻ BHYT trong các trường hợp được quy định tại Thông tư 33/2011/TT-BYT, trường hợp có chỉ định hợp lý của cơ sở khám chữa bệnh theo các quy định hiện hành, trừ các chi phí xét nghiệm đã được nguồn ngân sách khác chi trả, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để tăng cường công tác giám định, nâng cao hiệu quả của việc xét nghiệm HIV theo đúng quy định, hạn chế chỉ định xét nghiệm HIV không cần thiết gây lãng phí và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để b/c);
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ;
- Y tế các Bộ, Ngành;
- Cục PC HIV/AIDS, Vụ PC, Vụ KH-TC, Cục QL KCB, Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên