Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7534/BYT-DP
V/v triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ.

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Do ảnh hưởng bất thường của thời tiết, thời gian gần đây đã xảy ra mưa lớn và kéo dài ở nhiều địa phương, trong đó tập trung tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nhiều nơi đã xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất làm ảnh hưởng lớn đến tài sản, đời sống sinh hoạt của người dân và thiệt hại về người. Thực hiện Công điện số 973/CĐ-TTg ngày 17/10/2023, Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hậu quả về sức khỏe cho người dân; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một số hoạt động sau:

1. Thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ trên địa bàn tỉnh, thành phố; rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng có thể bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt. Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường ứng phó với các tình huống mưa lũ.

2. Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....

3. Đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng; Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; cung cấp đủ hóa chất có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt; thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

4. Bảo đảm công tác thường trực cấp cứu khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, liên tục trong và ngoài cơ sở y tế, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho người bệnh và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng bị mưa lũ và ngập lụt.

5. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ và ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt; các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng chống dịch bệnh khi mưa lũ và ngập lụt xảy ra (tham khảo tài liệu phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt gửi kèm).

6. Có kế hoạch bảo đảm nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cho hoạt động của các cơ sở y tế trong các tình huống mưa lũ và ngập lụt; Chỉ đạo các cơ sở y tế luôn luôn đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong vùng mưa lũ và ngập lụt.

7. Chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Đ/c Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Văn phòng Bộ;
- Các Vụ, cục: DP, KCB, MTYT, KHTC,QLD, ATTP;
- Các viện: VSDT, Pasteur, SR-KST-CT, SKNN&MT,
YTCC TPHCM;
- Các Bệnh viện trực thuộc Bộ;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Trung tâm KSBT các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Liên Hương

 

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH THƯỜNG GẶP TRONG MƯA LŨ VÀ NGẬP LỤT

Trong và sau mưa lũ và ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa lũ và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết...

Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động, tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, dịch trong mưa lũ và ngập lụt, như sau:

1. Nguyên tắc

a) Thực hiện các biện pháp dự phòng chủ động để đảm bảo an toàn trước mùa mưa và khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.

b) Tìm hiểu thông tin và chủ động thực hiện khuyến cáo về các biện pháp giữ an toàn trong mưa lũ và ngập lụt, các biện pháp phòng chống tai nạn, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa bão lũ của các cơ quan y tế và chính quyền.

2. Khuyến cáo về biện pháp phòng, chống dịch chung

a) Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

b) Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

c) Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

d) Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

đ) Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

e) Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

g) Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

h) Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

3. Phòng, chống các dịch bệnh thường gặp

3.1. Phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa

Các bệnh thường gặp: Tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm

Phòng bệnh:

- Đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc "Ăn chín, uống chín", đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết.

- Uống hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vắc xin.

3.2. Phòng, chống bệnh đường hô hấp

Các bệnh thường gặp: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp

Phòng bệnh:

- Giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già

- Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp.

- Đảm bảo đủ dinh dưỡng

- Chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong

3.3. Phòng, chống bệnh về mắt

Các bệnh thường gặp: Đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ.

Phòng bệnh:

- Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn.

- Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn.

- Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.

- Không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ.

- Sử dụng các thuốc nhỏ mắt thông thường cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.

3.4. Phòng, chống bệnh ngoài da

Các bệnh thường gặp: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt.

Phòng bệnh:

- Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải lọc nước theo hướng dẫn của địa phương.

- Không mặc áo quần ẩm ướt.

- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn.

- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

3.5. Phòng, chống bệnh do muỗi truyền

Bệnh thường gặp: Sốt xuất huyết

Phòng bệnh:

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày.

- Diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng.

- Phun hóa chất diệt muỗi ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.