Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77325/CT-TTHT
V/v thuế TNDN khi giải thể Quỹ đầu tư chứng khoán

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2018

 

Kính gửi: Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Vietnam Partners
(Đ/c: Tầng 18, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội)
MST: 0101897033

Trả lời công văn số 46/BVIM/2018 ngày 29/8/2018, công văn bổ sung thông tin, tài liệu số 50/BVIM/2018 ngày 28/09/2018 và số 55/BVIM ngày 11/10/2018 của Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Vietnam Partners hỏi về chính sách thuế TNDN của Quỹ đầu tư chứng khoán khi giải thể, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội.

- Căn cứ Luật chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội

+ Tại Khoản 27 Điều 6 quy định:

“27. Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ.”

+ Tại Khoản 4 Điều 87 quy định về giải thể quỹ đầu tư chứng khoán:

“Điều 87. Giải thể quỹ đầu tư chứng khoán

...4. Tiền thu được từ thanh lý tài sản quỹ đầu tư chứng khoán và các tài sản còn lại khi giải thể được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Nghĩa vụ tài chính với Nhà nước;

b) Các khoản phải trả cho công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát, các khoản phải trả khác và chi phí giải thể quỹ đầu tư chứng khoán;

c) Phần còn lại được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư tương ứng với tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư trong quỹ.

- Căn cứ Điều 11 Thông tư số 224/2012/TT-BTC ngày 26/12/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ thành viên, quy định về phân chia lợi tức của quỹ:

“Điều 11. Phân chia lợi tức của quỹ

1. Nhà đầu tư được nhận lợi tức từ quỹ theo chính sách phân phối lợi nhuận quy định tại điều lệ quỹ và theo phương án phân chia đã được đại hội nhà đầu tư gần nhất thông qua. Lợi tức chi trả cho nhà đầu tư được trích từ lợi nhuận trong kỳ, hoặc lợi nhuận lũy kế sau khi trích lập đầy đủ các quỹ (nếu có) theo quy định tại điều lệ quỹ và hoàn tất mọi nghĩa vụ thuế, tài chính (nếu có) theo quy định của pháp luật.

...3. Việc chi trả lợi tức quỹ bảo đảm nguyên tắc:

a) Phù hợp với chính sách phân chia lợi nhuận quy định tại điều lệ quỹ và đã công bố tại bản cáo bạch, bản cáo bạch tóm tắt;

b) Thực hiện sau khi quỹ đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định tại điều lệ quỹ (nếu có);

…”

- Căn cứ Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính:

“3. Thay thế Khoản 22 Điều 7 bằng Khoản 22 mới như sau:

“22. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới theo quy định của pháp luật mà số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra cao hơn giá trị phần vốn góp của thành viên đó trong tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp thì xử lý như sau:

Nếu khoản chênh lệch cao hơn này được xác định là thuộc sở hữu của doanh nghiệp, bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Nếu khoản chênh lệch cao hơn này được chia cho các thành viên góp vốn cũ thì khoản chênh lệch này là thu nhập của các thành viên góp vốn cũ”.”

- Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định:

“Điều 11. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Kể từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và các trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi.

...Kể từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.”

- Căn cứ Mục 29 Chuẩn mực số 01 Chuẩn mực chung kế toán ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định:

“Vốn chủ sở hữu

29. Vốn chủ sở hữu được phản ảnh trong Bảng cân đối kế toán, gồm: vốn của các nhà đầu tư, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận giữ lại, các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối, chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản.

a/ Vốn của các nhà đầu tư có thể là vốn của chủ doanh nghiệp, vốn góp, vốn cổ phần, vốn Nhà nước;

b/ Thặng dư vốn cổ phần là chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành;

c/ Lợi nhuận giữ lại là lợi nhuận sau thuế giữ lại để tích lũy bổ sung vốn;

d/ Các quỹ như quỹ dự trữ, quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển;

đ/ Lợi nhuận chưa phân phối là lợi nhuận sau thuế chưa chia cho chủ sở hữu hoặc chưa trích lập các quỹ;

e/ Chênh lệch tỷ giá, gồm:

+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng;

+ Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi doanh nghiệp ở trong nước hợp nhất báo cáo tài chính của các hoạt động ở nước ngoài sử dụng đơn vị tiền tệ kế toán khác với đơn vị tiền tệ kế toán của doanh nghiệp báo cáo.

g/ Chênh lệch đánh giá lại tài sản là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản với giá trị đánh giá lại tài sản khi có quyết định của Nhà nước, hoặc khi đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, cổ phần.”

- Căn cứ Công văn số 10945/BTC-TCT ngày 19/8/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN đối với việc chia lợi tức.

- Căn cứ Quyết định số 01/GP-QLĐT ngày 06/01/2006 của Bộ Tài chính về việc thí điểm thành lập Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Vietnam Partners:

+ Tại Điều 3 quy định về nội dung hoạt động:

“Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Vietnam Partners được phép thực hiện các hoạt động sau:

- Thu xếp thành lập và quản lý các Quỹ Đầu tư thành lập trong nước và ở nước ngoài để thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

- Nhận ủy thác đầu tư và quản lý danh mục đầu tư;

- Thực hiện tư vấn tài chính doanh nghiệp gồm: tái cơ cấu tài chính, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.”

+ Tại Điều 5 quy định về nghĩa vụ nộp thuế

“Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Vietnam Partners thực hiện nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước như sau:

- Đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ thành lập và quản lý Quỹ đầu tư; nhận ủy thác đầu tư và quản lý danh mục đầu tư; thực hiện tư vấn tài chính doanh nghiệp: Áp dụng như quy định đối với Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

- Các hoạt động khác thực hiện theo quy định thuế hiện hành.”

- Căn cứ Quyết định số 03/UBCK-TLQTV ngày 13/3/2006 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đầu tư chứng khoán: Tên quỹ “Quỹ đầu tư Việt Nam” do Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Vietnam Partners là công ty quản lý quỹ. Quy mô vốn tối đa là 1600 (một nghìn sáu trăm) tỷ đồng Việt Nam.

- Căn cứ Điều lệ Quỹ đầu tư Việt Nam ngày 08/03/2006:

“9. VỐN ĐIỀU LỆ

9.1. Vốn Điều Lệ của Quỹ mà các Nhà Đầu tư cam kết góp vốn tối thiểu sẽ lên tới 954 tỉ Đồng được chia làm 954 Đơn vị Quỹ bằng nhau và mỗi Đơn vị Quỹ có mệnh giá là 1 tỉ Đồng...

11. CÁC KHOẢN GÓP VỐN

…11.9. Bất kỳ Khoản Góp vốn nào vào Quỹ và bất kỳ khoản tiền nộp khác nào đều được thực hiện bằng tiền Đồng Việt Nam và chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng do Ngân Hàng Giám Sát giữ cho Quỹ như sau:... ”

Căn cứ quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn nguyên tắc như sau:

Trường hợp Quỹ đầu tư chứng khoán giải thể có thanh toán khoản vốn góp, lợi tức của Quỹ đầu tư cho các nhà đầu tư là tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài thì:

- Đối với khoản thanh toán trả lại tiền vốn góp tương ứng với tỷ lệ số lượng chứng chỉ đơn vị quỹ mà nhà đầu tư nắm giữ tại thời điểm Quỹ giải thể, vốn góp bằng tiền (đồng Việt Nam): nếu quá trình thanh toán không phát sinh thu nhập tăng thêm hoặc khoản chênh lệch so với vốn góp ban đầu thì khoản trả lại vốn góp trong trường hợp này không phải chịu thuế TNDN.

- Đối với khoản chênh lệch vốn góp phát sinh do Quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện tiếp nhận thêm thành viên góp vốn mới theo quy định của pháp luật mà số tiền thành viên góp vốn mới bỏ ra cao hơn giá trị phần vốn góp của thành viên đó trong tổng số vốn điều lệ của Quỹ đầu tư thì được xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

+ Nếu khoản chênh lệch cao hơn này được xác định là thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư, bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh thì không tính vào thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của Quỹ đầu tư.

+ Nếu khoản chênh lệch cao hơn này được chia cho các thành viên góp vốn cũ thì khoản chênh lệch này là thu nhập của các thành viên góp vốn cũ và các thành viên góp vốn cũ có trách nhiệm phải kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định.

- Đối với khoản lợi tức:

Khi Quỹ đầu tư chứng khoán chia lợi tức cho các tổ chức đầu tư thì phần lợi tức được chia của tổ chức đầu tư (không phân biệt tổ chức đầu tư trong nước hay tổ chức đầu tư nước ngoài) thuộc đối tượng chịu thuế TNDN theo quy định.

Nhà đầu tư trong nước thực hiện kê khai, nộp thuế TNDN đối với khoản lợi tức nhận được theo quy định của pháp luật.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Công ty quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ khoản thuế TNDN phải nộp của tổ chức đầu tư theo mức thuế suất 20% và kê khai, nộp thuế thay cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với Phòng kiểm tra thuế số 1 để được hướng dẫn cụ thể.

Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Vietnam Partners biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục Thuế (để báo cáo);
- Phòng Kiểm tra thuế số 1;
- Phòng pháp chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn