Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7735/TCHQ-GSQL
V/v chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Tiếp theo công văn số 6464/TCHQ-GSQL ngày 05/10/2020 hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Hàng hóa nhập khẩu từ kho ngoại quan vào nội địa kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực:

- Điều 6, Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 quy định:

"3. Đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các quy định để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam tại Nghị định này và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế."

- Điều 39, Thông tư số 11/2020/TT-BCT hướng dẫn quy tắc xuất xứ Hiệp định EVFTA quy định về hàng hóa trong quá trình vận chuyển hoặc lưu kho:

"Ưu đãi thuế quan EVFTA được áp dụng đối với hàng hóa đáp ứng quy định tại Thông tư này và, vào ngày EVFTA có hiệu lực, hàng hóa ở tại một Nước thành viên hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc trong khu phi thuế quan với điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ phát hành sau được nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu. Trong trường hợp được yêu cầu, nhà nhập khẩu nộp chứng từ chứng minh hàng hóa không thay đổi xuất xứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư này cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu."

Theo đó, đối với hàng hóa có xuất xứ EU nhập khẩu từ kho ngoại quan vào nội địa kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực (ngày 01/8/2020) thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đáp ứng quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT và Thông tư số 38/2018/TT-BTC .

- Về hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA: thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 24, Thông tư số 11/2020/TT-BCT, cụ thể:

"Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định pháp luật của Liên minh châu Âu..."

Chứng từ thương mại có thể là phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói. Chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận đơn hàng không không được coi là chứng từ thương mại khác.

Theo đó, trường hợp khai báo tự chứng nhận xuất xứ trên phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói là phù hợp quy định và chứng từ này do nhà xuất khẩu phát hành kể từ ngày 1/8/2020 bổ sung lời văn tự chứng nhận phù hợp với quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT thì được chấp nhận để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp người bán hàng có trụ sở tại lãnh thổ của nước không phải là thành viên EVFTA: yêu cầu thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT và đã được hướng dẫn chi tiết tại công văn số 6464/TCHQ-GSQL ngày 5/10/2020.

2. Về chữ ký trên khai báo tự chứng nhận xuất xứ của người xuất khẩu:

- Khoản 5, Điều 24, Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định:

“5. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phải có chữ ký viết tay của nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định Liên minh châu Âu được phép không ký tên với điều kiện nhà xuất khẩu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên xuất khẩu văn bản cam kết rằng nhà xuất khẩu chịu trách nhiệm toàn bộ về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.”

Theo đó, khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện được phép không ký tên với điều kiện nhà xuất khẩu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu văn bản cam kết của nhà xuất khẩu và văn bản cam kết này được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Công chức hải quan không được yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ này khi làm thủ tục hải quan.

- Đối với hàng hóa xuất xứ EU nhập khẩu vào Việt Nam áp dụng hình thức chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký mã số REX theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Thông tư số 11/2020/TT-BCT: Quy định tại Hiệp định EVFTA và Thông tư số 11/2020/TT-BCT không quy định về việc phải có chữ ký trên khai báo xuất xứ của người xuất khẩu được đăng ký.

Theo đó, cơ quan hải quan chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà không có chữ ký của người xuất khẩu có mã số REX cho các lô hàng có trị giá trên 6000 Euro. Đối với khai báo xuất xứ của doanh nghiệp chưa đăng ký mã số REX của các lô hàng có trị giá không vượt quá 6000 Euro thì cần phải có chữ ký tay của người xuất khẩu trên chứng từ chứng nhận xuất hàng hóa.

3. Thông tin tra cứu khi kiểm tra mã số REX: yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện theo đúng hướng dẫn tại công văn số 6464/TCHQ-GSQL .

Trường hợp người xuất khẩu không đồng ý phổ biến thông tin, chỉ có thông tin về mã số REX của người xuất khẩu, thời điểm mã số REX có hiệu lực được công bố. Cơ quan hải quan không được từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do không tra cứu được thông tin về hàng hóa, về doanh nghiệp hay ngày hết hạn của mã số REX.

4. Khai báo nước xuất xứ trên lời văn tự chứng nhận xuất xứ: yêu cầu thực hiện theo đúng hướng dẫn tại công văn số 6464/TCHQ-GSQL .

Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ khai báo khai báo xuất xứ EU/European Union và khai báo thêm tên một nước châu Âu cụ thể thì không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp chứng từ chứng nhận xuất xứ chỉ khai báo xuất xứ theo tên một nước châu Âu cụ thể thì từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ theo đúng quy định và gửi báo cáo về Tổng cục Hải quan để thông báo với cơ quan có thẩm quyền của châu Âu.

5. Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo nghiên cứu kỹ các quy định về xuất xứ tại Hiệp định EVFTA, Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan của Tổng cục Hải quan để tiếp tục tập huấn thực hiện thống nhất, không gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham);
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành