TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 80417/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2020 |
Kính gửi: Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn Tín Việt - AICA - CN Hà Nội
(Địa chỉ: Tầng 10, tòa nhà Charmvit Tower, 117 Trần Duy Hưng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)
MST: 0309440694-004
Trả lời công văn số 05/CV-AICAHN đề ngày 05/08/2020 của Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn Tín Việt - AICA - CN Hà Nội (sau đây gọi tắt là công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính Phủ sửa đổi bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính Phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
+ Tại Điều 1 quy định:
“3. Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
a) Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
b) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
c) Quy định tại điểm a khoản này không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên và dự án phúc lợi công cộng khác).
d) Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”
+ Tại Điều 2 quy định:
“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019.
2. Đối với kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, 2018, các trường hợp thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 thì được áp dụng điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định này...”
- Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi cỏ đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt...
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:...
…
2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
2.18. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.
Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trọng điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
- Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ:
- Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:
+ Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.
+ Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.
(Lãi vay thực hiện theo quy định tại điểm 2.17 Điều này)
…
2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế...”
- Căn cứ Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 24/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
Căn cứ quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Xác định chi phí lãi vay được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thì doanh nghiệp xác định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo hướng dẫn tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/06/2020 của Chính Phủ và Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC. Cụ thể:
+ Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
+ Chi phí lãi vay không được trừ trong kỳ chuyển kỳ tính thuế tiếp theo quy định tại tiết b khoản 3 Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính Phủ.
2. Nội dung vướng mắc về lĩnh vực kế toán không thuộc thẩm quyền trả lời của Cục Thuế TP Hà Nội, đề nghị Công ty nghiên cứu và thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 24/12/2014 của Bộ Tài chính nêu trên.
Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, đơn vị có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm Tra số 8 để được hỗ trợ giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn Tín Việt - AICA - CN Hà Nội được biết và thực hiện./.
| KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1 Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
- 2 Công văn 10267/CT-TTHT năm 2020 về chi phí lãi vay được trừ theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Công văn 9208/CT-TTHT năm 2020 về xác định chi phí lãi vay theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 4 Công văn 1964/CT-TTHT năm 2020 về xác định chi phí lãi vay theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
- 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 8 Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định quy định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 9 Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 10 Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 11 Luật các tổ chức tín dụng 2010
- 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000
- 1 Công văn 10267/CT-TTHT năm 2020 về chi phí lãi vay được trừ theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Công văn 9208/CT-TTHT năm 2020 về xác định chi phí lãi vay theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Công văn 1964/CT-TTHT năm 2020 về xác định chi phí lãi vay theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành