TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 80504/CT-TTHT | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty TNHH Copenhagen Delights
(Đ/c: Số 55 Đường Xuân Diệu, P Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội)
MST: 0104491289
Ngày 05/09/2019, Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 07-08/CP-CV/2019 đề ngày 07/08/2019 của Công ty TNHH Copenhagen Delights (sau đây gọi là Công ty) đề nghị hướng dẫn kê khai, nộp thuế, xử lý số thuế đã nộp cho Chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/20 của Chính phủ:
+ Tại khoản 5 Điều 10 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế:
“5. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế
a) Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế
Đối với loại thuế có kỳ quyết toán thuế năm: Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế tạm nộp của tháng, quý có sai sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp hồ sơ khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế năm làm giảm số thuế phải nộp nếu cần xác định, lại số thuế phải nộp của tháng, quý thì khai bổ sung hồ sơ khai tháng, quý và tính lại tiền chậm nộp (nếu có).
Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho Cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; nếu cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh:
- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót nhưng không liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.
- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ đã kiểm tra, thanh tra nhưng không thuộc phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định. ”
+ Tại khoản 1 Điều 11 quy định về trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế GTGT:
“1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế:
...d) Trường hợp người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất trực thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu đóng trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì:
Nếu cơ sở sản xuất trực thuộc có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương nơi sản xuất, khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi sản xuất
Nếu cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán thì người nộp thuế thực hiện khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra. Việc xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản phẩm hoặc doanh thu của sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
Trường hợp tổng số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc do người nộp thuế xác định theo nguyên tắc nêu trên lớn hơn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính thì người nộp thuế tự phân bố số thuế phải nộp cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc như sau: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc được xác định bằng (=) số thuế giá trị gia tăng phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính nhân (x) với tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm do cơ sở trực thuộc sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp. Nếu người nộp thuế không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì người nộp thuê không phải nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
Người nộp thuế phải lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT kèm theo Thông tư này cùng với hồ sơ khai thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp đồng thời gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT nêu trên tới các cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ sở sản xuất trực thuộc.
Căn cứ số thuế giá trị gia tăng được phân bổ giữa địa phương nơi đóng trụ sở chính của người nộp thuế và các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc trên Bảng phân bố theo mẫu số 01-6/GTGT nêu trên, người nộp thuế lập chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng cho địa phương nơi có trụ sở chính và từng địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính đăng ký kê khai thuế và địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc.
Ví dụ 13: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% và do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 8/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính của công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 25 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là:
500 triệu x 2% = 10 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là:
600 triệu x 2% = 12 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là:
25 triệu -10 triệu -12 triệu = 3 triệu đồng.
Ví dụ 14: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 3 nhà máy sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hà Nội, Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 9/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hà Nội là 200 triệu.
Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của Công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 20 triệu đồng.
Theo nguyên tắc tạm nộp tại các địa phương theo tỷ lệ 2% doanh thu đối với hàng hóa chịu thuế 10%, Công ty A xác định số thuế GTGT phải nộp cho Hải Phòng và Hưng Yên là: 500 triệu x 2% + 600 triệu x 2% = 22 triệu. Như vậy khi xác định theo nguyên tắc này thì số thuế phải nộp cho các địa phương sẽ lớn hơn
Số thuế GTGT phải nộp của Công ty A tại trụ sở chính. Vì vậy; Công ty A tự phân bố số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương như sau:
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là:
20 triệu x 500 triệu / (500 triệu + 600 triệu +200 triệu) = 7.69 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là:
20 triệu x 600 triệu/ (500 triệu + 600 triệu + 200 triệu) = 9.23 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là:
20 triệu - 7.69 triệu - 9.23 triệu = 3.08 triệu đồng.
Ví dụ 15: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 10/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 400 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 500 triệu. Tháng 10/2014, Công ty A không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính. Công ty A cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng cho Hải Phòng và Hưng Yên. ”
+ Tại Điều 33 quy định về xử lý đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
“1. Tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt được coi là nộp thừa khi:
a) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 (mười) năm tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đối với loại thuế phải quyết toán thuế thì người nộp thuế chỉ được xác định số thuế nộp thừa khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế....
2. Người nộp thuế có quyền giải quyết số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo thứ tự quy định sau:
a) Bù trừ tự động với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc còn phải nộp của cùng loại thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 29 Thông tư này (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này).
b) Bù trừ tự động với số tiền phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo của từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước (trừ trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này). Trường hợp quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát sinh số tiền thuế nộp thừa mà không phát sinh khoản phải nộp tiếp theo thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản này.
c) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại điếm b khoản 1 Điều này và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm a khoản này sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này...
d) Hồ sơ hoàn thuế, thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế, thủ tục hoàn trả tiền thuế bù trừ với khoản thu NSNN được thực hiện theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này. ”
+ Tại Điều 57, Chương VII quy định về thủ tục hồ sơ hoàn thuế:
“Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu Ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư này và các tài liệu kèm theo (nếu có). ”
- Căn cứ Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư số 156/2013/TT-BTC như sau:
“1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế:
...d) Trường hợp người nộp thuế có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính thì khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi có trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.
…
3. Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
a) Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm và khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực kiện chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động.
b) Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
b.1) Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.
b.2) Báo cáo tài chính năm hoặc báo cáo tài chính đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động.
b.3) Một hoặc một số phụ lục kèm theo tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC và Thông tư này (tuỳ theo thực tế phát sinh của người nộp thuế):
- Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN, mẫu số 03-1B/TNDN, mẫu số 03-1C/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
- Phụ lục chuyển lỗ theo mẫu số 03-2/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
- Các Phụ lục về ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Mẫu số 03-3A/TNDN: Thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi đối với cơ sở kinh doanh thành lập mới từ dự án đầu tư; cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm, dự án đầu tư mới ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
- Mẫu số 03-3B/TNDN: Thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi đối với cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất (đầu tư mở rộng) ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
+ Mẫu số 03-3C/TNDN: Thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số hoặc doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng nhiều lao động nữ ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
- Phụ lục số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ở nước ngoài được trừ trong kỳ tính thuế theo mẫu số 03-4/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC
- Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo mẫu số 03-5/TNDN ban hành kèm theo Thông tư này.
- Phụ lục báo cáo trích, sử dụng quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) theo mẫu số 03-6/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
- Phụ lục thông tin về giao dịch liên kết (nếu có) theo mẫu 03-7/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
- Phụ lục tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp có các đơn vị sản xuất hạch toán phụ thuộc ở tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khác với địa phương nơi đóng trụ sở chính (nếu có) theo mẫu số 03-8/TNĐN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
- Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư ở nước ngoài, ngoài các hồ sơ nêu trên, doanh nghiệp phải bổ sung các hồ sơ, tài liệu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp.
…
6. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính thì khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm nộp cả phần phát sinh tại nơi đóng trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.
a) Thủ tục luân chuyển chứng từ giữa Kho bạc và cơ quan Thuế
Doanh nghiệp tư xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được tính nộp tại nơi có trụ sở chính và các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp để lập chứng từ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho địa phương nơi có trụ sở chính và từng địa phương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính đăng ký kê khai thuế và địa phương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở chính chuyển tiền và chứng từ thu ngân sách nhà nước cho Kho bạc Nhà nước liên quan để hạch toán thu ngân sách nhà nước phần thuế của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.
b) Quyết toán thuế
Doanh nghiệp khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính, số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán trừ đi số đã tạm nộp tại nơi đóng trụ sở chính và tạm nộp tại nơi có các cơ sở sản xuất phụ thuộc, số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp hoặc hoàn khi quyết toán cũng được phân bổ theo đúng tỷ lệ tại nơi đóng trụ sở chính và tại nơi có các cơ sở sản xuất phụ thuộc. ”
- Căn cứ Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Tại Điều 12, Chương III quy định về nguyên tắc xác định nơi nộp thuế:
“Doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thì số thuế được tính nộp ở nơi có trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất.
Việc phân bổ số thuế phải nộp quy định tại khoản này không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các công trình, hạng mục công trình hay cơ sở xây dựng hạch toán phụ thuộc. ”
+ Tại Điều 13 Chương III quy định về cách xác định số thuế TNDN phải nộp:
“Số thuế thu nhập doanh nghiệp tính nộp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp.
Tỷ lệ chi phí được xác định bằng tỷ lệ chi phí giữa tổng chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp. Tỷ lệ chi phí được xác định như sau:
Tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc = | Tổng chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc |
Tổng chi phí của doanh nghiệp |
Số liệu để xác định tỷ lệ chi phí được căn cứ vào số liệu quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp năm trước liền kề năm tính thuế do doanh nghiệp tự xác định để làm căn cứ xác định số thuế phải nộp và được sử dụng để kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho các năm sau.
Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động có các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc ở các địa phương, số liệu để xác định tỷ lệ chi phí của trụ sở chính và các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc do doanh nghiệp tự xác định căn cứ theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và tỷ lệ này được sử dụng ổn định từ năm 2009 trở đi.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đang hoạt động có thành lập thêm hoặc thu hẹp các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc ở các địa phương thì doanh nghiệp phải tự xác định tỷ lệ chi phí cho kỳ tính thuế đầu tiên đối với các trường hợp có sự thay đổi này. Từ kỳ tính thuế tiếp theo tỷ lệ chi phí được sử dụng ổn định theo nguyên tắc nêu trên.
Đơn vị hạch toán phụ thuộc các doanh nghiệp hạch toán toàn ngành có thu nhập ngoài hoạt động kinh doanh chính thì nộp thuế tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh đó. ”
+ Tại Điều 23 quy định về hiệu lực thi hành:
“1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 02 tháng 08 năm 2014 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2014 trở đi. ”
- Căn cứ Điều 73 Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và nghiệp vụ Kho bạc quy định về thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách:
“1. Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách các cấp quy định thống nhất hết ngày 31 tháng 01 năm sau.
2. Trong thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách, các KBNN tiến hành xử lý hết những tồn tại của năm cũ, những khoản điều chỉnh, thanh toán tạm ứng, cho vay thuộc các cấp Ngân sách theo quy định. Đồng thời tiến hành hạch toán tiếp những khoản thu, chi NSNN đã phát sinh từ ngày 31/12 trở về trước theo chế độ quy định tại Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008, những chứng từ còn đi trên đường, các khoản thu, chi theo lệnh của cơ quan Tài chính. ”
- Căn cứ Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân hướng dẫn:
+ Tại Điều 25 quy định về khấu trừ thuế TNCN:
“b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biếu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi. ”
+ Tại Điều 26 quy định về khai thuế TNCN:
“Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân thực hiện khai thuế và quyết toán thuế theo hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ tại văn bản hướng dẫn về quản lý thuế ”
- Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn:
“Tổ chức, cá nhân trả thu nhập là cơ sở sản xuất, kinh doanh nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty TNHH Copenhagen Delights có Chi nhánh tại Hưng Yên thành lập từ 09/09/2016, là cơ sở sản xuất phụ thuộc, không thực hiện hạch toán kế toán mà hạch toán tập trung ở trụ sở chính. Hoạt động của Chi nhánh là gia công sản phẩm may mặc, tạo thành bán thành phẩm sau đó chuyển về trụ sở chính ở Hà Nội để tiếp tục gia công thành phẩm sản phẩm hoàn thiện. Chi nhánh không trực tiếp bán hàng mà Công ty tại Hà Nội trực tiếp bán hàng qua các cửa hàng, kênh phân phối thì Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn Công ty như sau:
- Về thuế GTGT: Công ty thực hiện khai thuế GTGT tại trụ sở chính và nộp thuế GTGT cho Cục Thuế tỉnh Hưng Yên. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho Cục Thuế Tỉnh Hưng Yên được xác định theo tỷ lệ 2% đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10% trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra. Công ty phải lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT của Thông tư 156/2013/TT-BTC cùng với hồ sơ khai thuế tới Cục Thuế TP Hà Nội, đồng thời gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT nêu trên tới Cục Thuế Tỉnh Hưng Yên. Trường hợp Công ty đã nộp mẫu 01-6/GTGT nhưng phát hiện có sai sót thì được nộp bổ sung hồ sơ khai thuế theo khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC nêu trên. Căn cứ vào Bảng phân bổ theo Mẫu số 01-6/GTGT, Công ty lập chứng từ nộp thuế GTGT cho Cục Thuế TP Hà Nội và từng địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với Cục Thuế TP Hà Nội và địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc.
- Thuế TNDN: Công ty kê khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi đóng trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc. Việc xác định tỷ lệ, số thuế phải nộp cho Kho bạc Nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế tại trụ sở chính và tại địa phương nơi đặt địa điểm sản xuất thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 12, Điều 13 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
- Số thuế GTGT, TNDN của Công ty đã nộp tại Kho bạc Hà Nội cho các năm 2016, 2017, 2018 không thể điều chuyển cho kho bạc các tỉnh khác do đã hết thời hạn chỉnh lý quyết toán ngân sách. Trường hợp nếu Công ty chưa nộp tiền thuế GTGT, TNDN cho Cục Thuế tỉnh Hưng Yên theo đúng tỷ lệ thì phải thực hiện nộp tiền cho Cục Thuế Tỉnh Hưng Yên để hoàn thành nghĩa vụ thuế của Chi nhánh trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Đề nghị Công ty liên hệ với Cục Thuế tỉnh Hưng Yên để được hướng dẫn việc nộp thuế GTGT, TNDN phân bổ cho Chi nhánh Công ty tại Hưng Yên. Trường hợp Công ty phát sinh số thuế nộp thừa thì thủ tục hoàn thuế thực hiện theo Điều 57 Thông tư số 156/2013/TT-BTC nêu trên.
- Về Thuế TNCN: Trường hợp toàn bộ lao động làm việc ở Chi nhánh Hưng Yên ký hợp đồng lao động với Công ty và được cử đến Chi nhánh làm việc, đăng ký giảm trừ cho bản thân ở Công ty, Công ty thực hiện việc chi trả thu nhập thì kê khai nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý của Công ty là Cục Thuế TP Hà Nội.
Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc thì đề nghị Công ty cung cấp hồ sơ và liên hệ với Phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 2 để được hướng dẫn giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Copenhagen Delights được biết và thực hiện
| KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 6583/CT-TTHT năm 2017 về chính sách thuế đối với Chi nhánh doanh nghiệp do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Công văn 70137/CT-TTHT năm 2016 về chính sách thuế đối với chi nhánh doanh nghiệp đã giải thể do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Công văn 8386/CT-TTHT năm 2016 về chính sách thuế đối với chi nhánh trực thuộc do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định quy định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6 Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 8 Thông tư 08/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 9 Thông tư 108/2008/TT-BTC hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm do Bộ Tài chính ban hành
- 1 Công văn 8386/CT-TTHT năm 2016 về chính sách thuế đối với chi nhánh trực thuộc do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Công văn 70137/CT-TTHT năm 2016 về chính sách thuế đối với chi nhánh doanh nghiệp đã giải thể do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Công văn 6583/CT-TTHT năm 2017 về chính sách thuế đối với Chi nhánh doanh nghiệp do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Công văn 81086/CT-TTHT năm 2020 về chính sách thuế giá trị gia tăng đối với chi nhánh do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành