Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8093/CT-TTHT
V/v: Chính sách thuế

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 08 năm 2016

 

Kính gửi: Chi cục Thuế Quận Bình Thạnh
Địa chỉ: 368 Bạch Đằng, Phường 14, Quận Bình Thạnh

Trả lời văn thư số 16043/CCT-NVDTTTHT ngày 29/7/2016 của Chi cục Thuế về chính sách thuế, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

Căn cứ Thông tư số 131/2010/TT-BTC ngày 06/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam:

+ Tại Khoản 2 Điều 5 quy định điều kiện tham gia góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam (áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài không tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam):

“2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân:

2.1- Có tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. Việc mở, đóng, sử dụng và quản lý tài khoản vốn đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

2.2- Có các tài liệu sau:

- Lý lịch tư pháp (đã được chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự) và bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị.

- Trường hợp ủy quyền cho đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của cá nhân nước ngoài cho đại diện tại Việt Nam, bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam (trường hợp đại diện là tổ chức) và tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch”.

+ Tại Khoản 2 Điều 14 quy định về thực hiện góp vốn, mua cổ phần:

“2. Mua lại phần vốn góp của thành viên có vốn góp, mua lại cổ phần của cổ đông.

a) Nhà đầu tư nước ngoài mua lại phần vốn góp, quyền góp thêm vốn, mua lại cổ phần, mua lại quyền mua thêm cổ phần trên cơ sở thỏa thuận với thành viên có vốn góp, cổ đông sở hữu cổ phần. Giá bán cho nhà đầu tư nước ngoài không được thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư trong nước tại cùng thời điểm.

b) Nhà đầu tư nước ngoài cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam có thành viên chuyển nhượng vốn góp, cổ đông chuyển nhượng cổ phần các tài liệu cần thiết theo quy định tại Điều 5 Chương II Thông tư này và hồ sơ tài liệu khác do doanh nghiệp quy định khi làm thủ tục mua lại phần vốn góp, quyền góp thêm vốn, mua lại cổ phần, mua lại quyền mua thêm cổ phần của thành viên góp vốn, cổ đông sở hữu cổ phần đó.

c) Phương thức thanh toán, hình thức thanh toán, chi phí chuyển nhượng, xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài khi mua lại phần vốn góp, quyền góp thêm vốn, mua lại cổ phần, quyền mua thêm cổ phần thực hiện theo quy định của doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

d) Thành viên có vốn góp, cổ đông sở hữu cổ phần khi chuyển nhượng vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo quy định của doanh nghiệp và pháp luật có liên quan”.

Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài (không mang quốc tịch Việt Nam) nhận chuyển nhượng vốn góp của cá nhân khác trong doanh nghiệp Việt Nam thì cá nhân nước ngoài phải thanh toán qua tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Việc cá nhân nước ngoài thanh toán bằng tiền mặt khi nhận chuyển nhượng vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam là không đúng quy định.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- P.PC;
- Lưu: VT, TTHT.
1767-2016/ VNNT

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG

 

Cục Thuế TP thông báo Chi cục Thuế biết để thực hiện theo đúng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.