BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/TCQLTT-TTKT | Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2019 |
Kính gửi: Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong thời gian gần đây, chất lượng và ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức quản lý thị trường (QLTT) ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao cho. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, lề lối, tác phong làm việc và kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ chưa nghiêm; công tác quản lý cán bộ còn một số hạn chế chưa phản ánh đúng thực chất; một số cán bộ, công chức QLTT còn có cử chỉ, thái độ, phát ngôn, ứng xử không đúng, nhũng nhiễu, gây phiền hà hoặc tùy tiện kiểm tra hàng hóa vận chuyển trên đường giao thông, gây cản trở cho lưu thông hàng hóa hợp pháp.
Những tồn tại nói trên trong hoạt động công vụ là do một số cấp ủy và người đứng đầu cơ quan QLTT các cấp chưa thực sự quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chưa thực sự gương mẫu và làm tốt công tác giám sát, kiểm tra nội bộ; chưa ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của công chức do mình quản lý; chưa chú trọng thường xuyên việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật chính sách, pháp luật cho đội ngũ công chức thực thi công vụ.
Để khắc phục những tồn tại, từng bước chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng QLTT, Tổng cục QLTT chỉ đạo như sau:
1. Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh
- Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ công chức và người lao động; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong kỷ luật, kỷ cương hành chính.
- Chỉ đạo Phòng Thanh tra - Pháp chế hoặc phòng tham mưu, chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, giám sát công chức trong thực hiện kỷ luật lao động, thực thi công vụ, nhất là trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm hoặc tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tiến hành rà soát, phát hiện các vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm (nếu có) trong hoạt động công vụ để chủ động xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý (trong vòng 01 ngày kể từ khi phát hiện); có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời xem xét, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra vi phạm tại đơn vị mình quản lý.
- Tổng hợp, báo cáo ngay đối với các trường hợp sau:
i) Phát hiện vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm (nếu có) trong hoạt động công vụ của công chức QLTT (trong vòng 02 ngày kể từ khi phát hiện).
ii) Nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo về vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm trong hoạt động công vụ của công chức QLTT (kể cả có đủ hoặc không đủ điều kiện xem xét xử lý).
iii) Các vụ việc bị khởi kiện ra Tòa Hành chính.
Các báo cáo này được gửi về Tổng cục để biết và theo dõi, xử lý. Báo cáo gửi về Tổng cục theo đường văn thư và gửi bản mềm báo cáo (bản word) qua email theo địa chỉ: lend@moit.gov.vn để tổng hợp nhanh.
2. Vụ Thanh tra Kiểm tra
- Chủ trì, phối hợp với các Cục QLTT trong công tác kiểm tra, giám sát công chức trong thực thi công vụ, nhất là trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất đối với cơ quan QLTT các cấp nhằm rà soát, phát hiện các vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm (nếu có) trong kỷ luật, kỷ cương lao động hoặc trong hoạt động công vụ và việc chấp hành các quy định của pháp luật của công chức QLTT để chủ động xử lý hoặc báo cáo Tổng cục trưởng xử lý theo thẩm quyền.
- Phối hợp với các Cục QLTT nơi có xảy ra vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm của công chức QLTT để tham mưu cho Tổng cục trưởng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan QLTT các cấp nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này. Các trường hợp không xử lý kịp thời hoặc cố tình bao che đối với các vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm (nếu có) của công chức QLTT thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra vi phạm tại đơn vị mình quản lý. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Tổng cục QLTT để xem xét, chỉ đạo./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Thông tư 20/2019/TT-BCT quy định về kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2 Thông tư 18/2019/TT-BCT quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3 Công văn 2811/BTP-TTR năm 2019 về tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ do Bộ Tư pháp ban hành
- 1 Thông tư 20/2019/TT-BCT quy định về kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2 Thông tư 18/2019/TT-BCT quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3 Công văn 2811/BTP-TTR năm 2019 về tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ do Bộ Tư pháp ban hành