Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8202/CTHN-TTHT
V/v chính sách thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023

 

Kính gửi: Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản Vissan Hà Nội
(Địa chỉ: Lô A2CN7, cụm Công nghiệp Từ Liêm, P. Phương Canh, Q. Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội;
MST: 0300105356-095)

Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 30/2022/CV-CNHN ghi ngày 06/02/2023 của Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản Vissan Hà Nội đề nghị giải đáp vướng mắc về chính sách thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP. Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn giảm thuế quy định giảm thuế giá trị gia tăng.

Tại Điều 1 quy định giảm thuế giá trị gia tăng:

“Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng

1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng

a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đi với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

…”

Tại Điều 3 quy định như sau:

“Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Điều 1 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

…”

- Căn cứ Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:

Tại Điều 4 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ:

“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

…”

Tại Điều 9 quy định thời điểm lập hóa đơn:

“Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn

1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

…”

Tại Khoản 2 Điều 19 quy định xử lý hóa đơn có sai sót:

“Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót

2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mu s... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”

…”

- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

Tại Điều 5 quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền h trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.

Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.

…”

Tại Điều 7 quy định giá tính thuế:

“Điều 7. Giá tính thuế

22…

Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng. Trường hợp việc chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh s hàng hóa, dịch vụ thì s tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh...

Tại Điều 8 quy định thời điểm xác định thuế GTGT:

“Điều 8. Thời điểm xác định thuế GTGT

1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

…”

Căn cứ các quy định trên, thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Trường hợp Đơn vị có hoạt động chiết khấu thương mại, căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hóa đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Trường hợp Đơn vị là tổ chức nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ phát sinh việc hoàn trả hàng hóa theo quy định của pháp luật thi khi hoàn trả hàng hóa, Đơn vị thực hiện lập hóa đơn GTGT theo quy định tại Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, thuế suất GTGT của hàng hóa hoàn trả tương ứng với thuế suất của hàng hóa đó ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng.

Trường hợp Đơn vị nhận khoản hỗ trợ để thực hiện dịch vụ cho tổ chức như hỗ trợ trưng bày sản phẩm thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Thời điểm xác định thuế GTGT đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Thời điểm lập hóa đơn sau ngày 31/12/2022 thì không được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ.

Đề nghị Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản Vissan Hà Nội căn cứ các quy định của pháp luật được trích dẫn nêu trên và đối chiếu với thực tế kinh doanh để thực hiện đúng theo quy định.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Đơn vị có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 6 để được hỗ trợ giải quyết.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Chi nhánh Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản Vissan Hà Nội được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TTKT6;
- Phòng NVDTPC;
- Website Cục Thuế;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Tiến Trường