Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 828/LĐTBXH-VL
V/v tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2010

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn số 1504/LĐTBXH-VL ngày 11/5/2009 và công văn số 3353/LĐTBXH-VL ngày 09/9/2009 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp quản lý lao động nước ngoài. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20/01/2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị quý Ủy ban đôn đốc, nhắc nhở các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện những nội dung tại các công văn nêu trên và tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động nước ngoài thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan trực tiếp đến nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, nhà thầu, chủ đầu tư và của từng cơ quan, tổ chức.

2. Chủ động nắm nhu cầu và tình hình sử dụng, lao động nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Tiến hành kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn, trong đó tập trung vào việc kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về việc tuyển dụng, cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động. Khi thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam) thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, đối với các trường hợp không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam thì buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật.

3. Khẩn trương ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các ban, ngành có liên quan tại địa phương trong việc quản lý lao động nước ngoài, trong đó tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị liên quan trong quản lý xuất, nhập cảnh, cấp và gia hạn visa, đăng ký tạm trú và cấp giấy phép lao động; phối hợp tổ chức các hoạt động trong việc quản lý lao động nước ngoài giải quyết và xử lý đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định của pháp luật.

4. Định kỳ trước ngày 25 tháng cuối quý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tổng hợp về tình hình quản lý lao động nước ngoài tại địa phương và gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo nêu rõ số lượng doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động nước ngoài chia theo ngành nghề, khu vực; số lao động nước ngoài đang làm việc tại địa phương (số lượng, trình độ, vị trí công việc), số lao động đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam, số lao động được cấp giấy phép lao động và số lao động phổ thông; các biện pháp để quản lý lao động nước ngoài của địa phương và đề xuất.

Rất mong sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện của các địa phương.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban các vấn đề xã hội của QH;
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ (để phối hợp và chỉ đạo thực hiện);
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu VP, Cục VL.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Ngân