Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 830/BTC-KBNN
V/v hướng dẫn bổ sung một số nội dung của Mục lục NSNN

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2018

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương;
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Tiếp theo Công văn số 7078/BTC-KBNN ngày 30/5/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của mục lục ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về thực hiện Mục lục NSNN như sau:

1. Bổ sung hướng dẫn đối với số thu từ bán tài sản nhà nước kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý (trang 3 của Công văn số 7078/BTC-KBNN)

Bổ sung hướng dẫn đối với số thu từ bán tài sản nhà nước kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý sau nội dung hướng dẫn hạch toán chương đối với trường hợp các khoản thu phạt, tịch thu thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan trung ương đóng trên địa bàn địa phương nhưng vượt thẩm quyền quyết định của cơ quan trung ương như sau:

“- Đối với số thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các bộ, cơ quan, đơn vị thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương trực tiếp quản lý: Hạch toán theo mã chương của bộ, cơ quan trung ương.

- Đối với số thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất giao các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc các bộ, cơ quan trung ương quản lý:

+ Trường hợp đơn vị chưa thực hiện cổ phần hóa thì hạch toán theo mã chương của các bộ, cơ quan trung ương quản lý, tập đoàn, tổng công ty;

+ Trường hợp đơn vị đã thực hiện cổ phần hóa và vẫn còn có vốn của nhà nước tại doanh nghiệp thì hạch toán mã Chương 158 “Các đơn vị kinh tế hỗn hợp có vốn nhà nước trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ”, nếu vốn của nhà nước chiếm tỷ trọng trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ; hoặc Chương 159 “Các đơn vị có vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống”, nếu vốn của nhà nước chiếm tỷ trọng từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

+ Trường hợp đơn vị đã thực hiện cổ phần hóa, không còn vốn của nhà nước nhưng có vốn của trung ương tham gia trước khi thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại, căn cứ nguồn gốc tài sản do đơn vị trung ương quản lý thì hạch toán Chương 399 “Các đơn vị khác”.”.

2. Hướng dẫn hạch toán đối với trường hợp đơn vị cấp dưới được sở hữu bởi nhiều thành phần kinh tế trong đó có vốn góp của Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng trên 50% (trang 5 của Công văn số 7078/BTC-KBNN)

Bổ sung nội dung vào cuối đoạn hướng dẫn các đơn vị kinh tế có tên chương riêng như sau

“trừ trường hợp các đơn vị cấp dưới được sở hữu bởi nhiều thành phần kinh tế trong đó có vốn góp của Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng trên 50% thì đơn vị cấp dưới đó hạch toán vào chương riêng của Tập đoàn, Tổng công ty, ngân hàng”.

3. Hướng dẫn nguyên tắc sắp xếp đối với Trường hợp đơn vị kinh tế có thể sắp xếp vào nhiều chương (trang 5 của Công văn số 7078/BTC-KBNN)

a) Bổ sung vào nội dung “Sắp xếp vào Chương tương ứng của thành phần kinh tế chiếm tỷ lệ vốn điều lệ cao nhất” như sau:

“Đối với doanh nghiệp mà thành phần kinh tế chiếm từ 51% trở lên, được xếp vào chương tương ứng của thành phần kinh tế đó hoặc chương hỗn hợp tương ứng. Riêng trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nhưng thành phần kinh tế có vốn cao nhất là vốn tư nhân hoặc hợp tác xã thì được xếp vào Chương “Các đơn vị có vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống” tương ứng.

Ví dụ 1: Một doanh nghiệp có 30% vốn nhà nước, 70% vốn đầu tư nước ngoài do cơ quan trung ương cấp phép thì sắp xếp vào Chương “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 51% đến dưới 100% vốn điều lệ” (Chương 152).

Ví dụ 2: Một doanh nghiệp có 35% vốn đầu tư nước ngoài, 65% vốn doanh nghiệp tư nhân do cấp tỉnh quản lý thì sắp xếp vào Chương “Kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh” (Chương 554).

Ví dụ 3: Một doanh nghiệp do cấp tỉnh quản lý có 25% vốn nhà nước, 20% vốn đầu tư nước ngoài, 55% vốn doanh nghiệp tư nhân do thì sắp xếp vào chương “Các đơn vị có vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống” (Chương 559).

Trong từng thành phần kinh tế, căn cứ số vốn cao nhất tương ứng của cấp quản lý để xếp Chương theo cấp quản lý.

Ví dụ: Một doanh nghiệp có 70% vốn nhà nước (trong đó, 40% vốn của trung ương và 30% vốn của địa phương) và 30% vốn đầu tư nước ngoài thì được xếp vào Chương 158 “Các đơn vị kinh tế hỗn hợp có vốn nhà nước trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ”.

b) Bỏ nội dung “Trường hợp có nhiều thành phần có tỷ lệ vốn cao nhất (bằng nhau), căn cứ theo thứ tự: vốn nhà nước, vốn các thành phần kinh tế”.

c) Bổ sung vào sau nội dung “Sắp xếp vào Chương tương ứng của thành phần kinh tế chiếm tỷ lệ vốn điều lệ cao nhất” như sau:

“Đối với doanh nghiệp có các thành phần kinh tế đều chiếm từ dưới 51%: Nếu doanh nghiệp có vốn nhà nước được xếp vào Chương 159, 559, 759 “Các đơn vị có vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống”. Nếu doanh nghiệp không có vốn nhà nước được xếp vào Chương 154, 554, 754, 854 “Kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh”.

Ví dụ: Một doanh nghiệp có 30% vốn nhà nước cấp tỉnh quản lý, 40% vốn đầu tư nước ngoài, 30% vốn hợp tác xã thì sắp xếp vào Chương 559 “Các đơn vị có vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống”.

d) Đồng thời bỏ nội dung: “Trường hợp đơn vị có nhiều thành phần kinh tế, trong đó vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% thì không xét theo chương doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ căn cứ vào vốn các thành phần trong nước cao nhất để xác định chương”.

e) Bổ sung nội dung sau vào trước nội dung cần lưu ý khi sử dụng mục lục NSNN theo Chương:

“Cách thức tính cơ cấu vốn của một doanh nghiệp, có nhiều thành phần kinh tế, trong đó mỗi bên góp vốn cũng có nhiều thành phần kinh tế thì cơ cấu vốn của từng thành phần kinh tế để xác định mã chương như sau:

Ví dụ: Công ty TNHH A không thuộc bộ/ngành chủ quản, có 3 thành viên góp vốn: (1) Công ty X chiếm 85%, (2) Công ty Y chiếm 10%, (3) Công ty Z chiếm 5%.

Công ty X có cơ cấu vốn: 80% vốn nhà nước, 20% vốn nước ngoài;

Công ty Y có cơ cấu vốn: 60% vốn nhà nước, 40% vốn tư nhân;

Công ty Z có cơ cấu vốn: 70% vốn nhà nước, 20% vốn nước ngoài, 10% vốn tư nhân.

Như vậy, cơ cấu vốn của Công ty A được xác định như sau:

- Vốn nhà nước = 80% x 85% + 60% x 10% + 70% x 5% = 77,5%.

- Vốn đầu tư nước ngoài = 20% x 85% + 20% x 5% = 18%.

- Vốn tư nhân = 40% x 10% + 10% x 5% = 4,5%”.

đ) Thay thế nội dung xác định chương của các đơn vị có nhiều thành phần kinh tế như sau: “Hàng năm, từng địa phương có thể quyết định cập nhật hoặc không cập nhật thay đổi mã chương của người nộp thuế theo cơ cấu vốn vào thời điểm xây dựng dự toán thu của năm sau hoặc thời điểm cuối năm trước của năm xây dựng dự toán nhưng không làm ảnh hưởng đến số thu phân chia của các cấp ngân sách theo Luật NSNN”.

4. Hướng dẫn trường hợp không đủ thông tin để sắp xếp chương của doanh nghiệp

Bổ sung sau nội dung “Cách thức tính cơ cấu vốn của một doanh nghiệp có nhiều thành phần kinh tế, trong đó mỗi bên góp vốn cũng có nhiều thành phần kinh tế” (trang 5) như sau:

“Đối với doanh nghiệp không có thông tin của đơn vị góp vốn hoặc có thông tin nhưng không đầy đủ thì xếp Chương của doanh nghiệp theo cơ cấu vốn và cấp cơ quan quản lý thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp”.

5. Về Chương 151, 551, “Các đơn vị có 100% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (Điểm 1 mục II, trang 5 của Công văn số 7078/BTC-KBNN)

Bổ sung nội dung sau vào cuối điểm 1:

“Trường hợp cơ quan trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng trong quá trình hoạt động, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thực hiện điều chỉnh so với Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp thì vẫn sử dụng Chương 151”.

6. Về Chương 154, 554, 754, 854 “Kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh” (Điểm 3 mục II, trang 6 của Công văn số 7078/BTC-KBNN)

Sửa lại nội dung: “Chương 854 “Kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh”: Để phản ánh số thu, chi ngân sách của các đơn vị được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khu vực gồm doanh nghiệp gồm quốc doanh có quy mô nhỏ giao cấp xã quản lý thu NSNN theo phân cấp ngân sách”.

thành:

“Chương 854 “Kinh tế hỗn hợp ngoài quốc doanh”: Để phản ánh số thu, chi ngân sách của các đơn vị được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khu vực ngoài quốc doanh có quy mô nhỏ giao cấp xã quản lý thu NSNN theo phân cấp ngân sách.

Ví dụ: Doanh nghiệp X được thành lập bởi công ty A (có vốn nước ngoài dưới 50%) do trung ương cấp giấy phép thành lập góp 45% vốn điều lệ, công ty B (100% vốn tư nhân) góp 25% vốn điều lệ, hợp tác xã C góp 30% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp X được xếp vào Chương 154 (theo cấp của công ty A có vốn góp nhiều nhất)”.

7. Về Chương 161, 561 “Nhà thầu chính ngoài nước” và Chương 162, 562 “Nhà thầu phụ ngoài nước” (Điểm 6 mục II, trang 7 của Công văn số 7078/BTC-KBNN)

Sửa nội dung “...Căn cứ vào Chương của bên Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu chính, nhà thầu phụ ngoài nước thuộc cấp trung ương thì hạch toán vào Chương 161, 162; thuộc địa phương thì hạch toán Chương 561, 552”.

thành:

“...Căn cứ vào Chương của bên Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu chính, nhà thầu phụ ngoài nước thuộc cấp trung ương thì hạch toán vào Chương 161, 162; thuộc cấp tỉnh, huyện thì hạch toán Chương 561, 562”.

8. Về hướng dẫn xác định mã chương 555, 755 “Doanh nghiệp tư nhân” (Điểm 13 mục II, trang 9 của Công văn số 7078/BTC-KBNN)

Bỏ cụm từ “chiếm từ trên 50% tổng số vốn của doanh nghiệp” ở cuối đoạn “Hạch toán vào Chương “Doanh nghiệp tư nhân” bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh mà số vốn của (các) thành viên là tổ chức tư nhân hoặc cá nhân của Việt Nam chiếm từ trên 50% tổng số vốn của doanh nghiệp”.

thành:

“Hạch toán vào Chương “Doanh nghiệp tư nhân” bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh mà số vốn của (các) thành viên là tổ chức tư nhân hoặc cá nhân của Việt Nam”.

9. Về Chương 757, 857 “Hộ gia đình và cá nhân” (trang 10 của Công văn số 7078/BTC-KBNN)

Sửa ví dụ về “Hộ gia đình có quy mô kinh doanh lớn giao cấp huyện quản lý thu thì phản ánh vào Chương 757. Hộ gia đình có quy mô kinh doanh nhỏ, được giao chính quyền cấp xã tham gia quản lý thu và làm trưởng hội đồng tư vấn thuế cấp xã thì phản ánh vào Chương 857”.

thành:

“Các khoản thu của hộ gia đình giao cấp huyện quản lý thu thì phản ánh vào Chương 757. Các khoản thu của hộ gia đình giao cấp xã quản lý thu thì phản ánh thì phản ánh vào Chương 857”.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) để nghiên cứu và hướng dẫn kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, KBNN (  bản).

TL. BỘ TRƯỞNG
TỔNG GIÁM ĐỐC KHO BẠC NHÀ NƯỚC




Nguyễn Hồng Hà