Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 831/VPCP-XDPL
V/v thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ liên quan đến việc trình các dự án luật, pháp lệnh

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2008

 

Kính gửi: Các bộ, cơ quan ngang Bộ

Ngày 03 tháng 12 năm 2007 Chính phủ đã ra Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ (thay thế Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ khoá XI). Quy chế làm việc của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2007 (sau đây gọi tắt là Quy chế).

Liên quan đến trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được phân công chủ trì, tham gia các dự án luật, pháp lệnh (sau đây gọi chung là các dự án), Quy chế quy định lại cụ thể việc phân công các cơ quan chủ trì, phối hợp, thẩm định, thẩm tra đối với quá trình chuẩn bị các dự án trình Chính phủ.

Ngoài việc viện dẫn các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Nghị định số 161/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này, Quy chế đã quy định một số nội dung mới và cụ thể trách nhiệm toàn diện của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo về yêu cầu, quy trình, thủ tục soạn thảo và nội dung hồ sơ các dự án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ trong việc theo dõi, phối hợp thường xuyên với cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như kiệm tra, đôn đốc việc chuẩn bị các dự án; thời hạn Văn phòng Chính phủ thực hiện thủ tục tiếp nhận, xử lý, thẩm tra và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án... Những nội dung cơ bản này được quy định cụ thể tại các điều 15, 16, 17 và Điều 18 của Quy chế.

Để thực hiện có hiệu quả các quy định của Quy chế về trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trong việc soạn thảo và các yêu cầu về nội dung, hồ sơ các dự án trình Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ với tư cách là các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án lưu ý quán triệt một số điểm quan trọng sau:

1. Tổ chức quán triệt tới các đơn vị trong Bộ, ngành mình về việc thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ tinh thần, nội dung các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định tại các điều 15, 16, 17 và Điều 18 của Quy chế có liên quan đến yêu cầu về nội dung trình tự, thủ tục thời gian soạn thảo, trình các dự án.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì kịp thời trao đổi, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tìm cách tháo gỡ, hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

2. Về một số nội dung cụ thể:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm toàn diện, đầy đủ về trình tự, thủ tục soạn thảo, hồ sơ dự án trình. Cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo chủ động tổ chức việc giới thiệu nội dung các dự án để lấy ý kiến các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng hình thức thích hợp và thực hiện đúng quy định việc tiếp thu ý kiến tham gia để hoàn chỉnh dự án trước khi trình Chính phủ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 của Quy chế;

b) Để báo đám thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ trong việc theo dõi, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đúng đắn tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong quá trình soạn thảo các dự án và để phục vụ có hiệu quả cho công tác thẩm tra, đề nghị các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, tạo điều kiện cho công chức có trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ tham gia ngay từ đầu vào quá trình soạn thảo tham dự đầy đủ các hoạt động của Ban soạn thảo và Tổ biên tập các dự án;

c) Theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Quy chế, tổng số thời gian để Văn phòng Chính phủ thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo trách nhiệm được phân công đối với một dự án luật, pháp lệnh trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kể từ khi tiếp nhận đến khi trình Phiên họp Chính phủ thảo luận, thông qua là 27 ngày làm việc, nếu tính cả các ngày nghỉ cuối tuần là 38 ngày. Vì vậy, để bảo đảm thời gian cần thiết cho Văn phòng Chính phủ thực hiện trách nhiệm được phân công, trước phiên họp Chính phủ ít nhất là 27 ngày làm việc Bộ, cơ quan chủ trì dự án phải gửi đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đến Văn phòng Chính phủ (trừ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng không cần thiết phải trình Phiên họp Chính phủ). Hồ sơ dự án phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại Điều 16 của Quy chế; thực hiện đầy đủ các yêu cầu khi trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh phải kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có).

Do có sự thay đổi về trình tự giải quyết công việc, theo đó thời gian cần thiết để trình dự án có khác so với quy định trước đây. Tuy nhiên, để bảo đảm Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, riêng đối với các dự án trình Chính phủ vào các tháng 1, 2 và 3 năm 2008, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể vận dụng thời gian trình theo quy định của Nghị định số 161/2005/NĐ-CP (chậm nhất là 20 ngày làm việc trước Phiên họp Chính phủ), nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, tiến độ và các yêu cầu về quy trình, thủ tục do pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định;

d) Trong quá trình thực hiện Quy chế, đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án chủ động, kịp thời báo cáo Thủ tướng để xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo; chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về quan điểm, tư tưởng, nội dung cơ bản của các dự án luật, pháp lệnh khi cần thiết.

Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ quán triệt và thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục trên đây theo đúng tinh thần của Quy chế làm việc mới của Chính phủ./.

 

 

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc