TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8585/TC/TCT | Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2005 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Vừa qua nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc về việc xác định hành vi trốn thuế, thủ tục xử phạt nộp chậm tiền thuế, tiền phạt theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2004/TT-BTC ngày 18/5/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Về các vướng mắc nêu trên, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Về xác định hành vi trốn thuế:
Tại điểm 1, Mục IV, Phần B Thông tư số 41/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính đã hướng dẫn cách xác định hành vi trốn thuế đối với một số trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, nay hướng dẫn cụ thể thêm như sau:
1.1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình kê khai, quyết toán thuế có hành vi kê khai, xác định không đúng căn cứ tính thuế theo quy định của từng sắc thuế (điểm 1g) và các hành vi vi phạm khác ( điểm 1i) làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm, nhưng các số liệu về các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đã được phản ánh đầy đủ trên sổ sách kế toán và trên Báo cáo tài chính đơn vị gửi cơ quan thuế theo đúng quy định thì chưa đủ căn cứ để kết luận là hành vi trốn thuế. Trường hợp này, cơ quan thuế truy thủ đủ số thuế còn thiếu theo quy định và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt trong lĩnh vực kế toán theo quy định tại Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá đơn, chứng từ theo quy định tại Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ.
Đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên, nếu trong thời gian chưa chấp hành xong việc truy thu thuế và quyết định xử phạt trong lĩnh vực kế toán, hoá đơn, chứng từ hoặc chưa qua thời hạn một năm, kể từ ngày chấp hành xong việc truy thu thuế, quyết định xử phạt trong lĩnh vực kế toán, hoá đơn, chứng từ mà tái phạm các hành vi vi phạm tương tự đã xảy ra thì phải áp dụng hình thức, mức xử phạt về hành vi trốn thuế theo hướng dẫn tại điểm 1g và điểm 1i, Mục IV Phần B Thông tư số 41/2004/TT-BTC nêu trên.
Một số trường hợp sau đây nếu vi phạm lần đầu chưa xác định là hành vi trốn thuế:
- Hạch toán, kê khai thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua vào đã quá thời hạn quy định được khấu trừ thuế; phân bổ thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua vào không sử dụng sản xuất hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT để khấu trừ thuế.
- Hạch toán, kê khai không đúng doanh thu tiêu thụ hàng hoá, cung ứng dịch vụ thực tế phát sinh làm sai lệch doanh thu tính thuế nên phải điều chỉnh lại khi kiểm tra quyết toán thuế.
- Hạch toán một số khoản chi phí sản xuất kinh doanh theo đúng chế độ kế toán nhưng tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế không đúng quy định đối với một số khoản chi phí như sau: Trích trước chi phí sửa chữa tài sản cố định; trích các khoản dự phòng; trích khấu hao tài sản cố định; tiền lương, tiền công không đúng theo chế độ hợp đồng lao động; chi phí xây dựng cơ bản thuộc diện phải hình thành tài sản cố định để trích khấu hao theo chế độ quy định; các khoản chi không liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế như: chi ủng hộ đoàn thể, chi từ thiện.
- Hạch toán các khoản chi phí có hoá đơn, chứng từ hợp lệ nhưng vượt mức khống chế theo quy định được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ vượt mức quy định; tiền ăn giữa ca, tiền ăn định lượng vượt mức quy định; chi bảo hộ lao động hoặc chi trang phục vượt mức quy định; phân bổ các khoản chi phí vượt mức quy định; chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tiếp tân ... vượt mức khống chế.
1.2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi ghi sổ kế toán không đúng quy định của chế độ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc làm tăng số thuế được miễn, giảm (điểm 1a), nhưng sau khi cơ quan thuế nhắc nhở, tổ chức, cá nhân tự điều chỉnh, xác định lại số thuế phải nộp, số thuế được khấu trừ, số thuế được miễn, giảm theo đúng quy định của pháp luật về thuế thì không xác định là hành vi trốn thuế. Trường hợp này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt trong lĩnh vực kế toán theo quy định tại Nghị định số 185/2004/NĐ-CP nêu trên.
1.3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ lập hoá đơn ghi giá trị thấp hơn từ 20% trở lên so với giá bán trung bình của hàng hoá, dịch vụ cùng loại trên thị trường địa phương nơi bán hàng (điểm 1đ) nhưng việc thanh toán tiền phù hợp với giá bán ghi trên hoá đơn thì chưa xác định là hành vi trốn thuế. Trường hợp này, cơ quan thuế căn cứ giá thị trường trong nước, nước ngoài tại thời điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ để xác định lại giá bán để tính truy thu đủ các loại thuế theo đúng quy định.
Trường hợp cơ quan thuế không xác định được giá bán làm căn cứ truy thu thuế thì có thể trưng cầu tổ chức định giá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để xác định lại giá mua, giá bán làm căn cứ truy thu thuế.
2. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nộp chậm tiền thuế, tiền phạt:
Tổ chức, cá nhân có hành vi nộp chậm tiền thuế, tiền phạt ghi trên thông báo nộp thuế, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế sẽ bị xử phạt theo quy định; Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục xử phạt đối với hành vi nộp chậm tiền thuế, tiền phạt nêu tại điểm 1, Mục II, Phần B Thông tư số 41/2004/TT-BTC như sau:
- Không phải lập biên bản hành chính theo hướng dẫn tại điểm 3, Mục I, Phần D Thông tư số 41/2004/TT-BTC.
- Cơ quan thuế xác định số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp và tỷ lệ phạt nộp chậm để tính số tiền phạt chậm nộp và thông báo cho đối tượng nộp thuế để thực hiện.
Đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kịp thời các nội dung hướng dẫn tại Công văn này để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế tại địa phương./.
- 1 Công văn 1633/TCHQ-PC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Công văn số 4631/TCT-PCCS của Tổng Cục Thuế về một số vướng mắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
- 3 Công văn số 3388/TCT-PCCS của Tổng cục Thuế về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và kế toán
- 4 Nghị định 185/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán
- 5 Thông tư 41/2004/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 100/2004/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 6 Công văn 1180/NHNN-CLPT của Ngân hàng Nhà nước về việc thay đổi mẫu báo cáo xử lý nợ tồn đọng kèm theo Chỉ thị số 01/2002/CT-NHNN của Ngân hàng nhà nước