BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 877/BXD-KHCN | Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2010 |
Kính gửi: Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Bộ Công Thương
Bộ Xây dựng nhận được công văn số 2854/BCĐ-TKNL ngày 23/3/2010 của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - Bộ Công Thương đề nghị gửi báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2010 và xây dựng kế hoạch năm 2011. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG NHIỆM VỤ TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ
Ngày 03 tháng 9 năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2003/NĐ-CP về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, quy định trách nhiệm của các đối tượng có liên quan và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong nội dung của Nghị định này có chương đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng.
Triển khai thực hiện Nghị định 102/2003/NĐ-CP của Chính phủ và việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, tháng 11 năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả”. Quy chuẩn này là văn bản pháp quy kỹ thuật, quy định yêu cầu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ để sử dụng năng lượng có hiệu quả khi thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình thương mại, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, nhà ở cao tầng, văn phòng, khách sạn lớn có sử dụng điều hoà không khí, các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng.
Để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015. Chương trình được giao cho Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) chủ trì thực hiện có sự tham gia phối hợp của một số Bộ ngành có liên quan. Toàn bộ Chương trình có 6 nhóm nội dung chính, trong đó Bộ Xây dựng được giao chủ trì thực hiện nhóm nội dung 5 về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các toà nhà”.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2007 đến nay, Bộ Xây dựng đã được cấp kinh phí thực hiện chương trình với số kinh phí như sau:
- Năm 2007: 1.500 triệu đồng (vốn sự nghiệp)
- Năm 2008: 2.000 triệu đồng (vốn sự nghiệp)
- Năm 2009: 3.000 triệu đồng (vốn sự nghiệp) và 1.000 triệu đồng (vốn đầu tư).
- Năm 2010: 3.500 triệu đồng (vốn sự nghiệp) và 500 triệu đồng (vốn đầu tư)
Các nhiệm vụ, dự án đã triển khai thực hiện bao gồm các nội dung:
1.1. Về xây dựng, biên soạn các văn bản, Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật:
- Điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm các nước về chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Đề xuất các chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng phù hợp cho Việt Nam.
- Xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng: Tổ chức xây dựng, biên soạn mới, chuyển dịch các tiêu chuẩn Châu Âu, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật trong các lĩnh vực cấp thiết kế lắp đặt điện, chiếu sáng, điều hoà không khí, đun nước nóng… trong các công trình xây dựng.
- Tổ chức soát xét, bổ sung, chỉnh sửa Quy chuẩn XDVN “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý năng lượng trong các công trình xây dựng.
- Với sự hỗ trợ của Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao, Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng dự thảo 03 Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng trong chiếu sáng nhân tạo trường học, bệnh viện và đường phố. Các Tiêu chuẩn đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu và đang chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ để ban hành, đưa vào áp dụng.
- Phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan xây dựng dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Dự thảo Luật đã được trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp tháng 11 năm 2009 và dự kiến được thông qua vào kỳ họp vào giữa năm 2010.
1.2. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng:
- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp thiết kế kiến trúc, quy hoạch; hướng dẫn sử dụng các loại vật liệu mới; các giải pháp kỹ thuật, thiết bị, công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời để đun nước nóng trong công trình xây dựng.
- Xây dựng các mô hình tiết kiệm năng lượng trong các loại hình công trình xây dựng như chung cư, khách sạn, siêu thị, văn phòng…
- Nghiên cứu xây dựng mô hình kiến trúc xanh và công trình xanh và các giải pháp để triển khai thực hiện.
- Triển khai dự án ưng dụng thí điểm giải pháp tiết kiệm năng lượng vào nhà ở cao tầng tại lô đất CT-9 khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội do Tổng Công ty Xây dựng Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) thực hiện.
1.3. Xây dựng và tăng cường năng lực cho các đơn vị tư vấn tiết kiệm năng lượng:
Trong năm 2008 và năm 2009, bước đầu triển khai xây dựng và tăng cường năng lực 02 Trung tâm Tư vấn tiết kiệm năng lượng của ngành tại ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh nhằm phục vụ cho việc tư vấn, thiết kế, kiểm toán năng lượng và ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng.
1.4. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng:
- Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, giới thiệu các văn bản, các Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng cho các đối tượng trong ngành trên phạm vi cả nước.
- Phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan tổ chức cuộc thi toà nhà tiết kiệm năng lượng.
1.5. Hợp tác quốc tề về tiết kiệm năng lượng:
- Từ năm 2009 đến nay, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với Jica (Nhật Bản) và Bộ Công Thương thực hiện các nội dung trong đề án Tổng sơ đồ tiết kiệm năng lượng của Việt Nam.
- Thông qua các Chương trình nghiên cứu và hợp tác theo Nghị định thư với một số nước để triển khai các nội dung tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng như hợp tác với Bungari, Liên bang Nga về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà, hợp tác với Cộng hòa LB Đức trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
II. CÁC NỘI DUNG VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ KHÁC
Tháng 12 năm 2008, Bộ Xây dựng đã tổ chức đoàn kiểm tra, làm việc với một số đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam về tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc. Trong năm 2007 và năm 2008, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã phối hợp với các Công ty sản xuất xi măng trực thuộc và các đơn vị tư vấn xây dựng các dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) thông qua việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, cải tiến công nghệ sản xuất, tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện, giảm tiêu thụ năng lượng. Các giải pháp này khi được thực hiện sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đem lại một nguồn ngoại tệ đáng kể từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải. Đến nay, dự án tận dụng nhiệt khí thải tại 06 Công ty xi măng của Tổng Công ty đã được xây dựng, đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Các đơn vị trong Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cũng đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như dùng biến tần cho hệ thống quạt hút công suất lớn, sử dụng than cám chất lượng thấp hơn, hạn chế chạy các thiết bị sử dụng nhiều điện năng trong giờ cao điểm...
Một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong ngành cũng đã và đang áp dụng các giải pháp công nghệ để tận dụng nguồn nhiệt khí thải lò nung để nung sấy sản phẩm mộc, góp phần làm giảm lượng khí thải nhà kính như các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm Xây dựng, Công ty Sứ Thiên Thanh...
Bên cạnh việc thực hiện các nội dung được giao trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng và ban hành Chương trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả của ngành Xây dựng giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2015 (Quyết định số 377/QĐ-BXD ngày 14/3/2008). Đây là một chương trình lớn, bao gồm 04 nhóm nội dung và nhiều đề án, nhiệm vụ, dự án kèm theo. Các nhóm nội dung cụ thể là:
- Nhóm nội dung I: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các toà nhà cao tầng và thương mại
- Nhóm nội dung II: Nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn quy hoạch, thiết kế kiến trúc nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
- Nhóm nội dung III: Tái chế, tái sử dụng khí thải, phế thải
- Nội dung nhóm IV: Chương trình tiết kiệm nước
Việc triển khai thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ của chương trình sẽ được thực hiện theo kế hoạch hàng năm trên cơ sở nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kinh phí sự nghiệp môi trường, nghiên cứu khoa học công nghệ, các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ mới, kinh phí hỗ trợ từ các dự án quốc tế và kinh phí của các doanh nghiệp, địa phương.
Tháng 5 năm 2009, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Vụ Vật liệu Xây dựng tổ chức đoàn kiểm tra, làm việc với 05 đơn vị sản xuất gạch ngói, gốm sứ trực thuộc Tổng Công ty Thuỷ tinh và Gốm Xây dựng (Viglacera) và Công ty CP Gạch ngói Tân Xuyên (Bắc Giang) về tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Tổng Công ty và các đơn vị trực thuộc. Qua đợt kiểm tra, làm việc cho thấy các đơn vị sản xuất gạch ngói, gốm sứ là những đơn vị có mức sử dụng năng lượng (chủ yếu là điện, than, dầu, gas) tương đối lớn, với mức tiêu thụ điện trung bình từ 2 – 3 triệu KWh/năm. Các đơn vị đã có quan tâm và đã áp dụng một số giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như tận dụng nhiệt thải để sấy nguyên liệu thô, sử dụng biến tần cho động cơ công suất lớn, sử dụng than cám thay cho than cục hoặc khí hoá than thay cho nhiên liệu gas... Tuy nhiên, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các đơn vị này vẫn còn khá lớn. Một số đơn vị chưa có cán bộ quản lý năng lượng riêng, cán bộ quản lý năng lượng chưa được đào tạo chuyên sâu... Do đó, trong thời gian tới, cần thiết phải có các khoá đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý năng lượng tại các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng của ngành và áp dụng thêm các giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các đơn vị thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi nhiên liệu đốt dầu sang đốt than. Riêng tại Công ty Xi măng Hà Tiên, việc chuyển đổi nhiên liệu đốt từ dầu FO sang than mịn đã làm lợi cho doanh nghiệp 184 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng cuối năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009 làm lợi 131 tỷ đồng. Nếu như dự án này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành thì việc giảm chi phí nhiên liệu sẽ lớn hơn rất nhiều.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT
Để việc triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đạt được mục tiêu đề ra theo như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cần giải quyết một số vấn đề sau:
- Kinh phí đầu tư cho Chương trình từ năm 2006 đến nay còn hạn chế nên chưa thực hiện được toàn bộ các nội dung nhiệm vụ trong Quyết định phê duyệt Chương trình. Do vậy, đề nghị trong những năm tiếp theo cần bổ sung nguồn kinh phí thực hiện các nhóm nội dung của Chương trình để có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
- Một số nội dung chi, mức chi theo Thông tư liên tịch số 142/2007/TTLT-BTC-BCT ngày 30/11/2007 giữa Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh khí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa phù hợp, đặc biệt là mức chi xây dựng các mô hình tiết kiệm năng lượng.
- Ngoài nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước, Ban chỉ đạo Chương trình cần nghiên cứu huy động tài trợ của các cơ quan, tổ chức quốc tế để hỗ trợ Bộ Xây dựng và các Bộ ngành, địa phương có liên quan thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Chương trình.
- Về khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2006-2010, đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá, hình thức khen thưởng để các Bộ ngành có cơ sở đánh giá, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân cho phù hợp.
IV. ĐỊNH HƯỚNG KẾ HOẠCH CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN VIỆC SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRONG CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT TRONG NĂM 2011 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO
Chuẩn bị cho việc xây dựng các nội dung, nhiệm vụ khoa học công nghệ, môi trường và tiết kiệm năng lượng năm 2011, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc Bộ đăng ký các nội dung kế hoạch thực hiện năm 2011. Bộ Xây dựng sẽ gửi Kế hoạch các nội dung, nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch năm 2011 vào giữa tháng 6 năm 2010 theo đúng tiến độ xây dựng và thẩm định kế hoạch khoa học công nghệ, môi trường và tiết kiệm năng lượng hàng năm.
Về định hướng các nội dung thực hiện trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung trên, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành triển khai thực hiện một số nội dung sau:
4.1. Xây dựng văn bản pháp quy về tiết kiệm năng lượng:
- Xây dựng Thông tư về đánh giá, cấp chứng chỉ cho toà nhà tiết kiệm năng lượng.
- Phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành, cơ quan có liên quan xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để triển khai thực hiện sau khi Luật được ban hành.
4.2. Xây dựng các Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật:
- Tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn về công trình xanh.
- Xây dựng tiêu chuẩn, huớng dẫn kỹ thuật về kiểm toán và cấp chứng chỉ toà nhà tiết kiệm năng lượng.
- Xây dựng hướng dẫn thiết kế, xây dựng công trình xanh ở Việt Nam.
4.3. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý, tư vấn tại các Sở Xây dựng và sinh viên các Trường Đại học về tiết kiệm năng lượng:
- Tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực về quản lý và sử dụng tiết kiệm năng lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng tại các Sở Xây dựng địa phương.
- Xây dựng các tài liệu giảng dạy về tiết kiệm năng lượng để đưa vào giảng dạy trong các Trường ĐH Kiến trúc, ĐH Xây dựng.
4.4. Triển khai xây dựng dự án thí điểm về tiết kiệm năng lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu về tiết kiệm năng lượng:
- Tiếp tục triển khai dự án thí điểm ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà chung cư cao tầng tại Khu đô thị mới Việt Hưng, Quận Long Biên, Hà Nội.
- Tổ chức điều tra, khảo sát, kiểm toán năng lượng, xây dựng chế độ báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng trọng điểm.
- Triển khai xây dựng mô hình kiến trúc xanh, công trình xanh và các giải pháp để triển khai thực hiện.
4.5. Tổ chức cuộc thi tiết kiệm năng lượng, cấp chứng chỉ năng lượng:
- Tổ chức các cuộc thi toà nhà tiết kiệm năng lượng, cuộc thi đồ án kiến trúc công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng cho sinh viên kiến trúc, xây dựng.
- Phối hợp với Bộ Công Thương để đào tạo, tăng cường năng lực, cấp chứng chỉ quản lý năng lượng cho cán bộ quản lý năng lượng trong các công trình xây dựng.
- Nghiên cứu tổ chức việc xây dựng tiêu chí, quy định cấp chứng chỉ toà nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
4.6. Hợp tác quốc tề về tiết kiệm năng lượng:
- Tiếp tục phối hợp với Jica (Nhật Bản) và Bộ Công Thương thực hiện các nội dung trong đề án Tổng sơ đồ tiết kiệm năng lượng của Việt Nam.
- Thông qua các Chương trình nghiên cứu và hợp tác theo Nghị định thư với một số nước và Chương trình hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) để triển khai các nội dung tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng.
4.7. Triển khai ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất của ngành:
- Phối hợp với Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên triển khai các dự án đầu tư tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.
- Phối hợp với Tổng Công ty Thuỷ tinh và Gốm Xây dựng (Viglacera) tổ chức tổng kết và nhân rộng các mô hình, giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở sản xuất gạch ngói, gốm sứ, kính...
Trên đây là báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Xây dựng giai đoạn 2006-2010, định hướng kế hoạch năm 2011. Đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình tổng hợp./.
Nơi nhận: | KT.BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 2514/BXD-KHTC năm 2013 báo cáo thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và xây dựng kế hoạch năm 2014 do Bộ Xây dựng ban hành
- 2 Quyết định 1427/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008
- 4 Quyết định 377/QĐ-BXD năm 2008 phê duyệt chương trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5 Thông tư liên tịch 142/2007/TTLT/BTC-BCT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Tài chính và Bộ Công thương ban hành
- 6 Quyết định 79/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị định 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả