BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 886/QLCL-CL1 | Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)
Trên cơ sở các nội dung đã thảo luận tại buổi làm việc ngày 31/5/2013 giữa đại diện của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về nội dung “Tạm ngừng xuất khẩu” quy định tại Điều 31, Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT, với mong muốn Quý Cục có đầy đủ, chính xác và toàn diện các căn cứ pháp lý và yêu cầu thực tiễn có liên quan đến nội dung quy định nêu trên, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản có ý kiến như sau:
1. Về việc quy định ”tạm ngừng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu tương ứng” tại Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT:
a. Căn cứ pháp lý:
- Khoản 17 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm về giải thích từ ngữ đã quy định “Sự cố về an toàn thực phẩm là tình huống xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người”
- Khoản 1, Điều 53 Luật An toàn thực phẩm quy định “Tổ chức, cá nhân phát hiện sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trong nước hoặc nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới Việt Nam phải khai báo với cơ sở y tế, Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương để có biện pháp khắc phục kịp thời”. Đồng thời, khoản 2 Điều 53 đã quy định các biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, trong đó có điểm c về “đình chỉ sản xuất kinh doanh”.
Việc lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm (có tồn dư hóa chất, vi sinh vật gây bệnh) là “tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người” và do vậy biện pháp “tạm ngừng xuất khẩu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Điều 31 Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT là hoàn toàn phù hợp với Luật An toàn thực phẩm.
b. Yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn:
- Việc doanh nghiệp có đến 4 lô hàng bị thị trường cảnh báo trong vòng 6 tháng cho thấy hệ thống tự kiểm soát an toàn thực phẩm của doanh nghiệp đang có vấn đề, đang mất kiểm soát hoặc kiểm soát chưa hiệu quả tại công đoạn/quá trình sản xuất nào đó. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp không tạm dừng xuất khẩu vào thị trường đó để điều tra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục chấn chỉnh lại hoạt động tự kiểm soát thì xác suất các lô hàng xuất khẩu tiếp theo bị cảnh báo là rất cao. Điều này có thể dẫn đến việc thị trường cấm nhập khẩu không những của doanh nghiệp đó mà của cả Việt Nam. Thực tế cho thấy Băng-la-đét, Ấn Độ đã từng bị Ủy ban Châu Âu (EC) cấm xuất khẩu thủy sản vào EU; Malaysia đã từng chủ động dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản, Thái Lan tạm dừng xuất khẩu rau vào EU để tránh bị EU tiếp tục cảnh báo và cấm nhập khẩu thủy sản, rau từ các nước này.
Như vậy, biện pháp “tạm ngừng xuất khẩu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Điều 31 Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT là để tránh rủi ro bị nước nhập khẩu cấm nhập khẩu thủy sản đối với toàn bộ quốc gia (ví dụ: Liên bang Nga đình chỉ nhập khẩu thủy sản Việt Nam 2008), ảnh hưởng không chỉ đến một doanh nghiệp cụ thể mà ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản của quốc gia.
2. Về việc nghiên cứu, tiếp thu phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản
- Sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản về một số khó khăn, vướng mắc quy định trong Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã chủ động nghiên cứu, rà soát và đề xuất xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT trên nguyên tắc phù hợp/hài hòa với thông lệ quốc tế bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Thông tư này đã nằm trong kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
- Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT đã được gửi lấy ý kiến các cơ quan đơn vị có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố, từng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và Hiệp hội VASEP. Hiện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đang tích cực tổng hợp các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
(dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT được đăng tải tại website của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, địa chỉ: htttp://www.nafiqad.gov.vn/a-tin-tuc-su-kien/gop-y-du-thao-van-ban/).
Trân trọng./.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 7303/VPCP-KGVX năm 2014 tổ chức Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Báo cáo 785/BC-QLCL-KH kết quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm tháng 4 kế hoạch tháng 5 năm 2014 do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành
- 3 Công văn 679/QLCL-CL2 năm 2014 xin ý kiến vấn đề liên quan đến công tác thanh, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
- 4 Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Luật an toàn thực phẩm 2010
- 1 Công văn 679/QLCL-CL2 năm 2014 xin ý kiến vấn đề liên quan đến công tác thanh, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
- 2 Báo cáo 785/BC-QLCL-KH kết quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm tháng 4 kế hoạch tháng 5 năm 2014 do Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành
- 3 Công văn 7303/VPCP-KGVX năm 2014 tổ chức Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành