Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 887 TC/TCT
V/v quyết toán thuế TNDN bổ sung

Hà nội, ngày 6 tháng 2 năm 2001

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Vừa qua Bộ Tài chính nhận được ý kiến phản ánh của một số địa phương và doanh nghiệp về vướng mắc khi xác định vốn chủ sở hữu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung. Để thống nhất thực hiện, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Đối với các doanh nghiệp:

Điểm 1.b. mục V, phần B Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp, qui định: các cơ sở kinh doanh có thu nhập cao do lợi thế khách quan mang lại, ngoài việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 32%, phần thu nhập còn lại nếu cao hơn 12% giá trị vốn chủ sở hữu hiện có tại thời điểm quyết toán thì phần thu nhập cao hơn phải nộp thuế thu nhập bổ sung với thuế suất 25%.

Giá trị vốn chủ sở hữu làm căn cứ tính thuế thu nhập bổ sung được xác định như sau:

- Đối với doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Quyết định số 1141 TC/CĐKT ngày 1/11/1995 và chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định số 167/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nguồn vốn chủ sở hữu để làm căn cứ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung bao gồm:

1. Nguồn vốn kinh doanh;

2. Chênh lệch đánh giá lại tài sản;

3. Chênh lệch tỷ giá;

4. Lợi nhuận chưa phân phối;

5. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản;

6. Các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ khen thưởng, phúc lợi).

- Đối với các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Quyết định số 1177 TC/CĐKT ngày 23/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giá trị vốn chủ sở hữu được xác định như sau:

1. Nguồn vốn kinh doanh;

2. Chênh lệch tỷ giá và đánh giá lại tài sản;

3. Các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ khen thưởng và phúc lợi)

4. Lãi chưa phân phối.

Cách xác định từng chỉ tiêu: Số dư đầu kỳ + Số dư cuối kỳ/ 2

Trường hợp có số âm (-) thì phải giảm trừ trong tổng nguồn vốn chủ sở hữu.

Đối với các hộ kinh doanh chưa thực hiện chế độ kế toán theo Quyết định số 1141 TC/CĐKT và Quyết định số 1177 TC/QĐ/CĐKT chưa xác định được vốn chủ sở hữu nên tạm thời chưa nộp thuế thu nhập bổ sung.

Trường hợp doanh nghiệp vừa có hoạt động chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, vừa có hoạt động tạm thời chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung hoặc được miễn thuế TNDN bổ sung thì doanh nghiệp phải xác định số thuế TNDN bổ sung phải nộp theo chế độ quy định sau đó căn cứ tỷ trọng giữa thu nhập chịu thuế của hoạt động tạm thời chưa thu thuế TNDN bổ sung hoặc được miễn thuế TNDN bổ sung và tổng thu nhập chịu thuế TNDN để xác định số thuế TNDN bổ sung chưa thu hoặc được miễn.

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu:

Các đơn vị sự nghiệp có thu hưởng kinh phí ngân sách cấp, không được cấp vốn kinh doanh thì không phải nộp thuế thu nhập bổ sung. Trường hợp phần có thu đã thực hiện chế độ kế toán theo Pháp lệnh kế toán thống kê hiện hành, xác định được vốn chủ sở hữu thì phải nộp thuế TNDN bổ sung (nếu có).

Bộ Tài chính thông báo để các đơn vị biết và thực hiện khi quyết toán thuế TNDN năm 2000. Các trường hợp vướng mắc trong quyết toán năm 1999 các đơn vị có công văn gửi Tổng cục thuế để trình Bộ Tài chính xử lý từng trường hợp cụ thể. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để xem xét giải quyết./.

 

 

KT/ BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Ninh