Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 896/BNN-TCTS
V/v thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2018

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong những năm qua, công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản đã đạt được kết quả nhất định, góp Phần phục hồi và tái tạo quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm. Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản định kỳ hàng năm; hình thành phong trào thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên cả nước, đặc biệt vào Ngày truyền thống ngành Thủy sản; tập trung thả giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế, các loài bản địa quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; thực hiện ký kết và phối hợp triển khai các hoạt động trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Trung ương và 30/63 tỉnh, thành; từng bước huy động được nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. Để tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả công tác này gắn với việc triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung sau:

1. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổ chức hoạt động thả bổ sung giống các loài thủy sản bản địa nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế vào vùng nước tự nhiên gắn với các ngày lễ, sự kiện của ngành Thủy sản, đồng thời xây dựng kế hoạch hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/04/1959-01/4/2019);

2. Ưu tiên lựa chọn thả tái tạo các loài thủy sản bản địa, có giá trị kinh tế, các loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng vào vùng nước tự nhiên; chỉ thả tái tạo các giống loài thủy sản đã được sinh sản nhân tạo thành công;

3. Bố trí nguồn kinh phí và huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước xã hội hóa công tác này;

4. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản với Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tới mọi tầng lớp nhân dân; không phóng sinh các đối tượng thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại ra môi trường. Vận động người dân không khai thác, đánh bắt các loài thủy sản ngay sau thời điểm thả giống tái tạo theo quy định;

6. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ, ngư cụ cấm, nghề cấm và khai thác các loài trong danh Mục cấm; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (b/c);
- Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (p/h);
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, TCTS (138 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám