Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9062/TCHQ-GSQL
V/v vướng mắc về TTHQ

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2015

 

Kính gửi: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản.

Ngày 08-10/9/2015, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá thực hiện Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành về thủ tục hải quan và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản đã trực tiếp trình bày một số vướng mắc khi thực hiện thủ tục hải quan. Một số nội dung vướng mắc đại diện của Tổng cục Hải quan đã trả lời trực tiếp tại Hội nghị; một số nội dung phản ánh vướng mắc của Hiệp hội vượt thẩm quyền xử lý của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan ghi nhận và báo cáo Bộ Tài chính để có hướng dẫn thực hiện thống nhất; các nội dung còn lại, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về vướng mắc trong việc áp mã HS đối với sản phẩm thủy sản phối trộn đông lạnh và nguyên liệu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nhập khẩu:

Nội dung này, Bộ Tài chính đã có công văn số 2533/BTC-TCHQ ngày 14/02/2015 trả lời Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản.

2. Về hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan thực tế đã sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc đã xuất khẩu ra nước ngoài, đã nộp thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 119 Thông tư số 38/2015/TT-BTC:

Tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC hồ sơ hoàn thuế đã được quy định đơn giản hóa tối đa, về cơ bản chỉ còn công văn đề nghị hoàn thuế trong đó khai báo các thông tin liên quan đến kết quả tính toán số tiền thuế đề nghị hoàn như: số tờ khai nhập khẩu, số tờ khai xuất khẩu, số tiền thuế đã nộp, số tiền thuế đề nghị hoàn, số chứng từ thanh toán; các thông tin làm cơ sở tính toán số tiền thuế đề nghị hoàn là thực tế phát sinh tại doanh nghiệp thì được lưu tại doanh nghiệp; khi thực hiện kiểm tra hoàn thuế, cơ quan hải quan có thể kiểm tra các thông tin làm cơ sở tính toán số tiền thuế đề nghị hoàn theo quy định. Thông tư số 38/2015/TT-BTC không quy định phải nộp các mẫu biểu kèm theo hồ sơ hoàn thuế như trước đây. Trường hợp trên thực tế nếu phát sinh nhiều tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu, nhiều chứng từ thanh toán trong 01 hồ sơ hoàn thuế thì doanh nghiệp có thể tự trình bày trong bảng phụ lục đính kèm công văn đề nghị hoàn thuế.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay Tổng cục Hải quan đang triển khai xây dựng hệ thống hoàn thuế điện tử hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi và đảm bảo hiệu quả quản lý trong công tác hoàn thuế.

3. Về thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng nghêu và thịt ghẹ chế biến:

Nội dung này liên quan đến thẩm quyền xử lý của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính. Đề nghị Hiệp hội liên hệ với Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính để được hướng dẫn.

4. Về kiến nghị xem xét đưa hàng hóa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu ra khỏi danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành:

Theo quy định thì hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành chỉ được thông quan khi có thông báo kết quả kiểm tra đạt yêu cầu nhập khẩu.

Nội dung này không thuộc thẩm quyền xử lý của Tổng cục Hải quan. Tổng cục Hải quan ghi nhận và kiến nghị với các Bộ, ngành theo hướng đơn giản hóa danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, đồng thời quy định cụ thể các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu không chịu điều chỉnh của hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

5. Về phản ánh một số Chi cục Hải quan khi tiến hành kiểm tra hồ sơ thanh khoản thì cơ quan hải quan kiểm tra luôn cả hồ sơ kế toán (thuế GTGT, sổ chi tiết tài khoản 112, 131, 511 và 331) và kiểm tra tại doanh nghiệp:

Hiện nay, thủ tục hải quan đối với hàng SXXK quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC đã được đơn giản hóa đến mức tối đa, doanh nghiệp không phải thông báo mã nguyên vật liệu, mã sản phẩm xuất khẩu, không phải thông báo định mức, không sử dụng phần mềm hỗ trợ việc quyết toán. Do vậy, hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để cơ quan hải quan xác định việc sử dụng nguyên vật liệu đúng mục đích. Do vậy, trường hợp phải kiểm tra thực tế tại trụ sở doanh nghiệp thì cơ quan hải quan phải kiểm tra việc hạch toán kế toán đối với nguyên vật liệu nhập khẩu, thành phẩm xuất khẩu và một số các tài khoản liên quan để xác định doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến để giảm bớt các trường hợp kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, việc kiểm tra được áp dụng trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro.

6. Về khó khăn trong việc thực hiện khoản 2 Điều 59 Thông tư số 38/2015/TT-BTC - Kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu và khoản 6 Điều 129 Thông tư số 38/2015/TT-BTC - Thủ tục nộp, tiếp nhận và xử lý hồ sơ xét hoàn thuế, không thu thuế:

Việc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau theo hướng dẫn tại Khoản 6 Điều 129 Thông tư số 38/2015/TT-BTC trên cơ sở quy định tại Khoản 3 Điều 49 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế. Vì vậy, kiến nghị xem xét, bãi bỏ quy định cơ quan hải quan đến trụ sở doanh nghiệp kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế vượt quá thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan ghi nhận để báo cáo Bộ Tài chính có hướng dẫn nhằm minh bạch việc thực hiện kiểm tra hoàn thuế tại doanh nghiệp để tránh thủ tục phức tạp, yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình nhiều chứng từ, sổ sách kế toán không cần thiết gây phiền hà cho doanh nghiệp.

7. Về nội dung dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi):

a. Về đề nghị bổ sung và cụ thể Khoản 7 Điều 16 của dự thảo như sau: “Nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, hóa chất, bao bì, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế tại thời điểm được thông quan hàng hóa”.

- Về đề nghị bổ sung miễn thuế đối với phụ liệu, bao bì, hóa chất vào khoản 7 Điều 16: Tổng cục Hải quan ghi nhận, báo cáo kiến nghị của Hiệp hội với Ban soạn thảo Dự thảo Luật.

- Về việc xác định rõ thời điểm hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế tại thời điểm thông quan hàng hóa nêu tại khoản 7 Điều 16: Nội dung tại Điều 16 quy định về đối tượng được miễn thuế nhập khẩu. Việc xác định rõ thời điểm miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

b. Về đề nghị bổ sung một mục nội dung đối với hàng xuất khẩu bị trả về thuộc đối tượng được miễn thuế:

Đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại, bản chất không phải là hàng nhập khẩu từ nước ngoài nên không phải nộp thuế (quy định hiện hành đã không thu thuế đối với trường hợp này). Nếu tại thời điểm làm thủ tục hải quan tái nhập, người khai hải quan nộp đủ hồ sơ không thu thuế theo quy định thì cơ quan hải quan xem xét, giải quyết không thu thuế cho người khai hải quan trong thời hạn làm thủ tục hải quan. Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản chấn chỉnh các đơn vị hải quan thực hiện theo đúng quy định.

Trên đây là một số ý kiến của Tổng cục Hải quan để Hiệp hội được biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Dự án GIG (để ph/h);
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, GSQL.Cường(3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh