BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9289/TCHQ-PC | Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2014 |
Kính gửi: | - Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; |
1. Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. So với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước đây, Luật đã bổ sung những quy định làm rõ hơn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính (Điều 18); trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Điều 17); những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính (Điều 12).
Đồng thời, để tăng cường hiệu quả quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính, ngày 15/5/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 717/QĐ-TTg thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Qua theo dõi tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan tại các đơn vị nêu trên trong 06 tháng đầu năm 2014, Tổng cục Hải quan nhận thấy:
2.1. Kết quả đạt được:
- Thông qua các Hội nghị tập huấn, triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013, Thông tư 190/2013/TT-BTC ngày 12/12/2013; hội nghị chuyên đề về công tác xử phạt vi phạm hành chính được tổ chức tại 02 miền Bắc, Nam, thì công tác xử lý vi phạm hành chính đã được các cấp Lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo thực hiện và từng bước được củng cố và đi vào hoàn thiện. Ngay từ đầu năm 2014, các đơn vị trong toàn Ngành đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra; nhiều đơn vị đang tiến hành thực hiện việc kiểm tra công tác này trong phạm vi, thuộc quyền quản lý của đơn vị mình.
- Nhiều đơn vị đã chủ động nghiên cứu sâu về quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 127/2013/NĐ-CP, Thông tư 190/2013/TT-BTC và Quyết định 113/QĐ-TCHQ; thông qua việc nghiên cứu đã chỉ ra các vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các văn bản này và kiến nghị hình thức xử lý như: vướng mắc về thẩm quyền xử phạt, về thời hạn ra quyết định xử phạt, về việc xác định trị giá tang vật vi phạm, về việc xác định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt...
2.2. Những hạn chế, tồn tại:
Ngoài những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan còn có một số hạn chế như sau:
- Việc lập biên bản vi phạm hành chính: còn có trường hợp biên bản vi phạm không có chữ ký của người vi phạm nhưng không ghi rõ lý do của việc không ký biên bản; phát hiện hành vi vi phạm nhưng không kịp thời lập biên bản vi phạm...
- Về việc gửi văn bản (hồ sơ) xin gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt: còn có đơn vị chưa thực hiện đúng quy định tại Quyết định 113/QĐ-TCHQ (thường sát đến ngày hết hạn ra quyết định xử phạt mới có văn bản gửi xin gia hạn).
- Về thẩm quyền xử phạt: có đơn vị còn ra quyết định xử phạt không đúng thẩm quyền xử phạt.
- Về thời hạn ra quyết định xử phạt: một số đơn vị lập biên bản nhưng để quá thời hạn không ra quyết định xử phạt...
3. Căn cứ quy định tại Điều 12, Điều 14, Điều 17, Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tổng cục Hải quan yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nêu trên thực hiện một số nội dung sau:
3.1. Tổ chức cho cán bộ, công chức của đơn vị mình tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Quán triệt đến toàn bộ cán bộ, công chức không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3.2. Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra công tác xử phạt vi phạm hành chính tại đơn vị mình; tự kiểm tra việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời (sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền) các sai sót, vi phạm nêu trên và các vi phạm khác xảy ra tại đơn vị mình (nếu có).
3.3. Cần có kế hoạch thường xuyên tự tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý các tình huống khi phát hiện vi phạm pháp luật hải quan (lập biên bản vi phạm, lấy lời khai, xác minh làm rõ hành vi vi phạm...); kỹ năng đề xuất, tham mưu giải quyết vụ vi phạm cho cán bộ hải quan thi hành công vụ, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu xử lý vi phạm.
3.4. Các đơn vị kịp thời phát hiện, kiến nghị, đề xuất và báo cáo Tổng cục các khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 4469/TCHQ-KTSTQ năm 2015 về việc xem xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan khi kiểm tra sau thông quan do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Quyết định 717/QĐ-TTg năm 2014 thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 113/QĐ-TCHQ năm 2014 về Bản hướng dẫn trình tự xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại quyết định hành chính liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan và Bản hướng dẫn sử dụng mẫu biên bản, quyết định, thông báo trong xử phạt vi phạm chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong ngành Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
- 4 Công văn 195/TCHQ-PC năm 2014 vướng mắc thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 127/2013/NĐ-CP do Tổng cục Hải quan ban hành
- 5 Thông tư 190/2013/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6 Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
- 7 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002