BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9290/BNN-TCTS | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2019 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương, công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển, vùng nước nội địa, tình trạng ngư dân sử dụng xung điện, ngư cụ cấm vẫn diễn ra; việc khai thác, buôn bán, tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm với mức độ ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý; việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một số địa phương chưa nghiêm đã làm cho nguồn lợi thủy sản có xu hướng suy giảm; hệ sinh thái thủy sinh đang có nguy cơ suy thoái nghiêm trọng; một số loài thủy sản nguy cấp quý, hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Để tiến tới ngăn chặn và chấm dứt tình trạng trên, nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 hướng đến nghề cá có trách nhiệm và bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Đối với lĩnh vực bảo tồn biển
- Tiến hành rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng trong khu bảo tồn biển phù hợp với quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017 và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
- Điều tra bổ sung các khu vực biển tiềm năng để thành lập mới các khu bảo tồn biển nhằm đạt mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương.
- Xây dựng đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển; Kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển; Quy chế quản lý khu bảo tồn biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
- Rà soát, xử lý các vi phạm đã xảy ra trước đây, không giao mặt nước biển thuộc phạm vi quản lý khu bảo tồn biển cho các tổ chức, cá nhân để xây dựng công trình trái với quy định pháp luật.
- Có phương án tổ chức, quản lý, bảo vệ các hệ sinh thái thủy sinh (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn) đang nằm ngoài phạm vi khu bảo tồn biển.
2. Đối với lĩnh vực đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Hướng dẫn các tổ chức cộng đồng đang hoạt động theo phương thức đồng quản lý thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định công nhận và giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019; đồng thời hỗ trợ Ủy ban nhân dân các cấp, người dân tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chủ trì, phối hợp với tổ chức cộng đồng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền tại khu vực thực hiện đồng quản lý.
- Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Định kỳ trước ngày 20 tháng 11 hằng năm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) về tình hình thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương.
3. Đối với lĩnh vực tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản
- Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; duy trì hoạt động thả giống thủy sản tại các vùng nước ở địa phương nhằm khôi phục, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản với Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch tái tạo, thả bổ sung các giống loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài bản địa, đặc hữu của từng địa phương vào vùng nước tự nhiên, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quản lý loài và khu vực được thả tái tạo.
- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và các tăng ni, phật tử tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên.
4. Đối với lĩnh vực quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quán ăn, nhà hàng, chợ, điểm kinh doanh, khu dân cư, hộ gia đình mua bán, nuôi, nhốt, tàng trữ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt tuyên truyền lên án mạnh mẽ các hành vi khai thác, buôn bán, tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
- Tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hiện có tại các cơ sở nuôi trồng, kinh doanh thủy sản.
- Tổ chức cứu hộ kịp thời, đúng quy định đối với trường hợp loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc mắc cạn; bàn giao mẫu vật đúng cơ sở có chức năng cứu hộ; tổng hợp báo cáo theo quy định.
5. Đối với lĩnh vực điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản
- Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm và thiết lập, kiện toàn hệ thống cộng tác viên thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm tại địa phương theo quy định.
- Trên cơ sở kết quả điều tra tổng thể nguồn lợi thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thực hiện điều tra bổ sung tại vùng biển ven bờ, vùng lộng làm căn cứ xác định: hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; sản lượng cho phép khai thác tại vùng bờ, vùng lộng.
- Điều tra khu vực tập trung thủy sản, hải sản còn non; khu vực bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản; khu vực tập trung sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc loài bản địa làm cơ sở thiết lập, tổ chức quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định.
6. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả và phù hợp với văn hóa, tập quán của từng địa phương.
7. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đồng bộ các hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản
- 3 Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5 Luật Thủy sản 2017
- 6 Quyết định 188/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 188/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 3710/VPCP-NN năm 2021 về kết quả hội nghị tổng kết Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Công văn 2133/BTTTT-TTCS năm 2021 về tuyên truyền công tác quản lý, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành