Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9403/SLĐTBXH-LĐ
V/v hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 2020

 

Kính gửi: Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19;

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đến các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) các nội dung như sau:

Trong thời gian qua, do tác động bởi dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, một số người lao động phải ngừng việc xuất phát do tác động trực tiếp của dịch như: (i) lao động là người nước ngoài chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc trong thời gian có dịch theo quy định; (ii) người lao động phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (iii) người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp không vận hành được vì những người lao động khác trong trong thời gian chưa quay trở lại làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; hoặc (iv) doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới phải thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm cho người lao động.

Từ thực tế trên, để thực hiện chế độ trả lương trong thời gian ngưng việc và giải quyết chế độ đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động. Sở lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện như sau:

1. Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.

2. Việc trả lương ngừng việc trong thời gian ngừng việc được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như tại điểm (i), (ii) và (iii) nêu trên thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).

Theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau:

- Vùng I: mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

- Vùng II: mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ thuộc thành phố Hồ Chí Minh

b) Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động; nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh thắc mắc, đề nghị doanh nghiệp phản ánh về một trong các cơ quan sau để được hướng dẫn kịp thời:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội), địa chỉ: số 31 đường 13, Quốc lộ 13, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, điện thoại số: (028) 38.295.900; thư điện tử …. hoặc trao đổi qua điện thoại: 0918.906.209 (gặp ông Nguyễn Bảo Cường - Phó Trưởng phòng LĐTLBHXH) hoặc 0909.262.887 (gặp ông Phạm Hoàng Khôi - Chuyên viên).

- Ủy ban nhân dân quận - huyện (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận - huyện) nơi doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (đối với các doanh nghiệp hoạt động khác trong Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao).

(Lưu ý: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Quý doanh nghiệp có thắc mắc thì ưu tiên sử dụng các hình thức trao đổi qua điện thoại, thư điện tử, thư tín…. hạn chế liên hệ trực tiếp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện. Trong trường hợp cần thiết phải liên hệ trực tiếp, đề nghị Quý doanh nghiệp cần áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa an toàn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ LĐTBXH (Cục QHLĐTL) (để báo cáo).
- TT UBNDTP (để báo cáo).
- Ban Dân vận Thành ủy (để báo cáo).
- VP UBNDTP;
- UBND quận - huyện;
- Ban Quản lý: các KCX-KCN; Khu CNC;
- LĐLĐ thành phố, BHXH thành phố;
- Phòng TM&CN Việt Nam (Chi nhánh TP.HCM).
- Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM.
- Giám đốc, các Phó Giám đốc Sở.
- Thanh tra Sở.
- Lưu: VT, P.LĐTLBHXH (x)

GIÁM ĐỐC




Lê Minh Tấn