Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 945/TCT-CS
V/v chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2013

 

Kính gửi:

- Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa;
- Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phúc.

 

Tổng cục Thuế nhận được công văn không số ngày 25/01/2013 và Đơn kiến nghị của Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phúc ngày 23/8/2012 (Địa chỉ: 17-19 Nguyễn Chánh, Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Tại khoản 2 Điều 56 Luật các tổ chức tín dụng số 07/1997/QHX quy định nghĩa vụ của khách hàng vay:

“… (a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu này.

b) Sử dụng tiền vay đúng mục đích và thực hiện đúng các nội dung khác đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

c) Trả nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng hợp đồng tín dụng.

- Tại điểm 7 Mục III, Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN về các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế.

“7. Chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế theo lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay. Chi trả lãi tiền vay của các đối tượng khác theo lãi suất thực tế khi ký hợp đồng vay, nhưng tối đa không quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay cùng thời điểm của ngân hàng thương mại có quan hệ giao dịch với cơ sở kinh doanh.

Các khoản chi phí trả lãi tiền vay để góp vốn pháp định, vốn điều lệ, cơ sở kinh doanh không được tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế”.

- Tại điểm 6, Mục IV, Phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN về các khoản chi phí không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế;

“6. Các khoản chi không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế như: chi về đầu tư xây dựng cơ bản; chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội và ủng hộ địa phương; chi từ thiện và các khoản chi khác không liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế”.

- Tại điểm 2.16; 2.28, Mục III, Phần B Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN về các khoản chi phí không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế;

“2.16. Phần chi phí lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính vượt mức lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay. Phần chi phí lãi tiền vay của các đối tượng khác vượt mức lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay hoặc phần chi phí lãi tiền vay vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay cao nhất cùng thời điểm của tổ chức tín dụng mà cơ sở kinh doanh có quan hệ giao dịch.

Các khoản chi trả lãi tiền vay để góp vốn điều lệ hoặc chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu kể cả trường hợp cơ sở kinh doanh đã đi vào sản xuất kinh doanh”.

“2.28. Chi phí không hợp lý khác theo quy định của pháp luật”.

- Điều 4 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 về ban hành chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ quy định:

“Điều 4: Xác định nguyên giá của tài sản cố định:

1. Xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình:

A. Tài sản cố định hữu hình mua sắm:

Nguyên giá tài sản cố định hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ) là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay đầu tư cho tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ…”.

- Chuẩn mực số 16 (Chi phí đi vay) - Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành theo quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định:

“06. Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hóa theo quy định tại đoạn 07.

07. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hóa) khi có đủ các điều kiện quy định trong chuẩn mực này.

08. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay được vốn hóa khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong lương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy”.

Do nội dung kiến nghị của Doanh nghiệp về chi phí trả lãi tiền vay đã được Chi cục Thuế TP Nha Trang kiểm tra và đã có Quyết định xử lý vi phạm hành chính và truy thu thuế, Cục thuế tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra sổ sách, chứng từ và có ý kiến trả lời Doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Chi cục thuế TP Nha Trang căn cứ quy định nêu trên, các quy định có liên quan và tình hình thực tế của Doanh nghiệp để thống nhất giải thích cụ thể vướng mắc của Doanh nghiệp đảm bảo Doanh nghiệp nắm rõ chính sách thuế và thực hiện theo quy định.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa và Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phúc biết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC-BTC
- Vụ PC-TCT;
- Lưu VT, CS (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn