BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 948/TC-NSNN | Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2000 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 948/TC-NSNN NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 2000 VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN LUẬT NSNN
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương các đoàn thể. |
Sau gần bốn năm thực hiện, Luật Ngân sách Nhà nước đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, đồng thời cũng bộc lộ một số tồn tại do chưa phù hợp với thực tiễn hoặc có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, yêu cầu cải cách kinh tế và cải cách hành chính cũng đặt ra các yêu cầu mới cần phải quy định trong Luật.
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Luật Ngân sách nhà nước cũng như các tồn tại vướng mắc, làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện Luật một cách có hiệu quả và nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (theo nội dung đính kèm).
Báo cáo đánh giá xin gửi về Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 15 tháng 4 năm 2000.
ĐỀ CƯƠNG
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ SƠ KẾT 4 NĂM THỰC HIỆN LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (1997-2000)
A. Mục tiêu: Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước cũng như các khó khăn, tồn tại, làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện Luật một cách có hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung sửa đổi để hoàn thiện Luật.
B. Đối tượng tham gia thực hiện đánh giá tình hình thực hiện Luật NSNN:
- Các bộ, cơ quan Trung ương:
+ Các cơ quan thuộc Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.
+ Các Bộ quản lý kinh tế tổng hợp (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê,...).
+ Các Bộ sử dụng NSNN (đơn vi dự toán cấp I), một số đơn vị trực tiếp sử dụng NSNN (đơn vị dự toán cấp III) đại diện các loại hình: quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp văn xã, sự nghiệp có thu, sự nghiệp kinh tế, chủ đầu tư XDCB, đơn vị dự toán ngân sách ở nước ngoài,...
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Các đoàn thể ở Trung ương.
+ Một số huyện (quận, thị xã) và xã (phường, thị trấn).
+ Một số đơn vị dự toán cấp I (Sở) và đơn vị dự toán cấp III thuộc ngân sách địa phương (cả 3 cấp).
C. Nội dung: Đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó cần chú ý các nội dung sau đây:
I. ĐÁNH GIÁ VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG CỦA LUẬT:
1. Đánh giá thực hiện Điều 1: "Ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước".
Trong đó chú ý việc quy định các khoản vay bù đắp bội chi vào thu NSNN có hợp lý không?
2. Đánh giá việc thực hiện Điều 4 khoản 4: "Ngoài việc bổ sung nguồn thu và ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chi... không được dùng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ".
Thực tế ngân sách địa phương có chi thay các nhiệm vụ của ngân sách trung ương không (cho các ngành dọc), trường hợp nào là hợp lý? cần thay đổi gì trong Luật hoặc trong hướng dẫn thực hiện.
3. Đánh giá thực hiện Điều 8:
- Khoản 1: "Ngân sách Nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí và lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy vào chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển".
- Khoản 2: "Vay bù đắp bội chi NSNN phải đảm bảo nguyên tắc: không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho mục đích phát triển; phải có kế hoạch thu hồi vốn vay và bảo đảm cân đối ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn".
a. Đánh giá phân tích việc thực hiện những quy định trên đã góp phần thay đổi cơ cấu NSNN theo hướng nào, góp phần gì vào ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích tiết kiệm tăng tích lũy đầu tư phát triển, tập trung kinh phí thực hiện những nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu NSNN, mức tích lũy từ NSNN thời gian qua 1991-2000: cơ cấu NSNN trước khi thực hiện Luật NSNN (1991-1996), cơ cấu NSNN trong thời gian thực hiện Luật NSNN (1997-2000).
b. Đánh giá những quy định về mức bội chi NSNN, điều kiện bội chi và kết quả sử dụng nguồn vay để bù đắp bội chi:
- Vay trong nước
- Vay ưu đãi nước ngoài.
c. Đánh giá phương thức vay bội chi về hình thức, thời hạn, lãi suất, hiệu quả (đặc biệt là vay nước ngoài cho đầu tư), các kiến nghị.
- Khoản 3: "Ngân sách địa phương được cân đối theo nguyên tắc tổng số chi không vượt quá tổng số thu; trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm mà vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh, thì được phép huy động vốn đầu tư trong nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh để chủ động trả hết nợ khi đến hạn".
a. Báo cáo đánh giá thực tế tình hình huy động vay vốn cho đầu tư hoặc mục tiêu khác ở địa phương thời gian qua (1991-1999 và dự kiến 2000):
- Ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã: mức huy động từng năm và mục tiêu sử dụng.
- Số dư nợ đến 31/12/1999 ở từng cấp ngân sách.
b. Đánh giá hiệu quả sử dụng, những tồn tại trong việc huy động, sử dụng các nguồn vốn vay cho đầu tư, những biện pháp khắc phục tồn tại.
c. Những kiến nghị sửa đổi bổ sung trong thời gian tới.
4. Đánh giá kết quả thực hiện Điều 6:
"Tất cả các khoản thu, chi NSNN phải được hạch toán đầy đủ vào NSNN".
- Đối với các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đánh giá báo cáo kết quả thu và quản lý, hạch toán, sử dụng, thu nộp NSNN các khoản thu phí, lệ phí thời gian qua.
Các khoản phí do cơ quan thực hiện: kết quả thu, kết quả sử dụng, thu nộp, phương thức hạch toán, báo cáo kế toán, quyết toán...
- Các địa phương đánh giá việc quản lý hạch toán ngân sách xã ở địa phương mình trong thời gian qua:
+ Tổng số xã.
+ Tổng số xã đã quản lý hạch toán theo Luật NSNN, kế toán trong hệ thống NSNN qua hệ thống kho bạc.
+ Tổng số xã chưa thực hiện đầy đủ theo Luật NSNN; cụ thể ở những nội dung nào, vì sao.
+ Tình hình kế toán, đội ngũ cán bộ, vướng mắc trong việc sử dụng chứng từ, sổ sách kế toán (phân tích do trình độ đội ngũ, hay là do chế độ quy định không rõ...).
- Các cơ quan đơn vị đại diện Việt Nam ở nước ngoài đánh giá việc thực hiện Luật NSNN đối với những khoản thu, chi phát sinh ở ngoài nước (bao gồm cả việc sử dụng phần lệ phí được giữ lại).
- Phương thức quản lý ngân sách đối với các khoản vay về cho vay lại, viện trợ về cho vay lại, phương thức hạch toán quản lý, quan hệ giữa NSNN và quỹ tích luỹ trả nợ.
- Quan hệ giữa NSNN và các quỹ: bảo hiểm xã hội, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ xuất khẩu, sắp xếp lại DNNN,...
5. Đánh giá kết quả thực hiện Điều 9:
- Đối với quy định: "các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 3-5% tổng số chi để đáp ứng các nhu cầu chi phát sinh đột xuất trong năm ngân sách".
- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ đánh giá việc thực hiện dự phòng của ngân sách trung ương (mức dự phòng, thẩm quyền, kết quả sử dụng dự phòng).
- Các địa phương đánh giá:
+ Kết quả thực hiện bố trí dự phòng ngân sách các cấp thời gian qua.
+ Những tác dụng của việc bố trí dự phòng.
+ Kiến nghị về việc bố trí dự phòng trong ngân sách các cấp trong thời gian tới.
6. Đánh giá việc thực hiện Điều 10: "Việc ban hành và thực hiện các văn bản pháp luật mới làm tăng chi hoặc giảm thu ngân sách trong năm phải có nguồn tài chính bảo đảm".
Đánh giá tình hình thực hiện quy định này 4 năm qua, kiến nghị bổ sung những vấn đề mới để đảm bảo tính chủ động của NSTW, ngân sách các cấp chính quyền địa phương.
7. Đánh giá việc thực hiện Điều 13:
"Thu, chi ngân sách nhà nước được hạch toán bằng đồng Việt Nam".
Trong thực tế có một số khoản chi bằng ngoại tệ: chi trả nợ, chi cơ quan Việt Nam ở ngoài nước, chi nhập thiết bị máy móc một số ngành, chi đoàn ra, chi đóng niên liễm,... đề nghị đánh giá tình hình thực hiện những khoản chi này thời gian qua, những vướng mắc về quản lý, hạch toán, tỷ giá,... kiến nghị bổ sung sửa đổi.
II. ĐÁNH GIÁ VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA LUẬT VỀ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN THUỘC QUỐC HỘI, CHÍNH PHỦ, BỘ TÀI CHÍNH, HĐND CÁC CẤP, UBND CÁC CẤP, CÁC BỘ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH, CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH TRONG VIỆC LẬP, CHẤP HÀNH, QUYẾT TOÁN NSNN:
1. Đối với Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:
Đánh giá tình hình thực hiện Điều 15 khoản 3: "Quốc hội quyết định dự toán NSNN với tổng số thu, tổng số chi, mức bội chi và các nguồn bù đắp" và khoản 4: "Quyết định phân bổ NSNN theo từng loại thu, từng lĩnh vực chi và theo cơ cấu giữa chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ... giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, ngành và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...". Qua thực tế đề nghị phân tích đánh giá:
- Quốc hội quyết định NSNN trong đó bao gồm ngân sách địa phương, nhưng ngân sách các cấp chính quyền địa phương do HĐND quyết định; vậy cần thực hiện theo phương thức nào để tránh chồng chéo và đề cao được trách nhiệm của HĐND các cấp.
- Quốc hội Quyết định ngân sách theo lĩnh vực, giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách trung ương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách trung ương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Quy định này đã phù hợp chưa, có cần phải nâng lên một bước là Quốc hội trực tiếp phân bổ ngân sách trung ương; hoặc để đảm bảo thực quyền, Quốc hội không quyết định NSNN nữa mà chỉ quyết định NSTW, đối với NSĐP do HĐND quyết định.
2. Đối với quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ:
Khoản 4 Điều 20 quy định: "Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng Bộ, ngành; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Đánh giá việc thực hiện những quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách cho các tỉnh, thành phố trong khi đó HĐND các tỉnh, thành phố bàn và quyết định dự toán mà Thủ tướng Chính phủ đã giao; đánh giá thực tế các năm qua trên cơ sở báo cáo, phân tích dự toán thu chi ngân sách hàng năm Thủ tướng Chính phủ giao và dự toán thu chi ngân sách do HĐND quyết định, mức độ tăng giảm, nguyên nhân, và thời gian quyết định dự toán ngân sách ở địa phương; các vấn đề vướng mắc khi thực hiện Luật; kiến nghị phương thức sửa đổi, bổ sung.
3. Đối với Bộ Tài chính:
- Đánh giá việc thực hiện quy định:
Bộ Tài chính chủ trì phân bổ ngân sách chi thường xuyên, chi trả nợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì phân bổ ngân sách đầu tư XDCB trình Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
- Đánh giá về việc vai trò của Bộ Tài chính và các Bộ, Uỷ ban Nhân dân trong việc ban hành hoặc hướng dẫn các định mức chế độ chi tiêu ngân sách; phân cấp cho địa phương hướng dẫn các chế độ có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - có nên không? vì sao? nên phân cấp đến đâu, nội dung gì?
- Vai trò của Bộ Tài chính và các Bộ có liên quan về việc xác định biên chế đối với các Bộ, Chính phủ một trong những căn cứ phân bổ ngân sách.
4. Đánh giá việc thực hiện điểm đ khoản 1 Điều 25: "Đối với HĐND cấp tỉnh, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c và d, khoản 1 Điều này, còn có quyền quyết định thu phí, lệ phí, phụ thu và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; quyết định phân cấp chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương do Uỷ ban Nhân dân cùng cấp trình".
Đánh giá việc thực hiện những quy định trên thời gian qua ở địa phương:
- Báo cáo danh mục loại phí, lệ phí và các khoản đóng góp, kết quả thu, tình hình sử dụng.
- Cần bổ sung những quy định gì để các khoản đóng góp phù hợp với điều kiện của dân và tương đối thống nhất trong cả nước, tránh nơi quá cao, nơi quá thấp trong địa phương, giữa các địa phương.
5. Quyền hạn của các Bộ, Sở (đơn vị dự toán cấp I) trong việc phân bổ dự toán ngân sách hàng năm, duyệt quyết toán ngân sách hàng năm cho các đơn vị trực thuộc? cơ quan Quốc hội, HĐND quyết định phân bổ ngân sách, quyết định ngân sách hàng năm, duyệt quyết toán ngân sách hàng năm.
III. VỀ QUAN HỆ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG VÀ NGÂN SÁCH CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG; NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI CỦA NGÂN SÁCH CÁC CẤP:
1. Đánh giá thực tế thực hiện nguyên tắc mỗi cấp chính quyền là 1 cấp ngân sách: trung ương, tỉnh, huyện, xã:
Đánh giá vai trò của ngân sách huyện hiện nay.
Đánh giá tình hình thực hiện quy định ngân sách xã là một phần của NSNN? tình hình thực hiện quản lý, hạch toán ngân sách xã ở địa phương trong NSNN. Kiến nghị về quản lý ngân sách cấp xã.
Đánh giá về thực hiện quy định tài khoản, chứng từ ngân sách xã.
2. Về quy định nguồn thu nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách:
Về phân định nguồn thu: Đánh giá về việc quy định 3 loại nguồn thu của mỗi cấp ngân sách theo Luật và các văn bản hướng dẫn đã phù hợp chưa, đặc biệt là các khoản thu điều tiết giữa các cấp và thu cố định của ngân sách địa phương.
Qua thực tế thực hiện có vướng mắc gì? nhất là thuế GTGT việc thu và khấu trừ thuế đầu vào, thu và thực hiện thời gian qua có ổn định và ảnh hưởng đến cân đối, điều hành ngân sách ở các tỉnh, thành phố không? kiến nghị gì để thực hiện tốt hơn.
3. Ngân sách tỉnh theo quy định hiện hành được vay để đầu tư? khống chế dự nợ nhỏ hơn 30% mức chi đầu tư XDCB quy định như vậy thực tế có phù hợp không? kiến nghị sao?
Trong trường hợp nào thì nên cho ngân sách tỉnh vay ngân sách trung ương hoặc vay tồn ngân kho bạc, có thể cho tỉnh được vay nước ngoài không?
Ngân sách huyện, xã không vay để đầu tư? thực tế thực hiện quy định này ra sao? thời gian tới cần sửa đổi quy định này không? bổ sung quy định gì để ngăn chặn tình trạng ngân sách xã nợ sinh hoạt phí, nợ vốn XDCB.
4. Đánh giá việc thực hiện các nguồn thu phân chia theo tỷ lệ (%) giữa các cấp thuộc địa phương theo khoản 2, 3, 4 Điều 30:
- Các nguồn thu trên đã phù hợp chưa.
- Cần bổ sung hoặc bỏ bớt một số nguồn.
5. Đánh giá việc quy định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo Điều 39 của Luật:
- Về thẩm quyền quyết định tỷ lệ: theo hiện hành do Chính phủ quyết định và UBND tỉnh quyết định? có kiến nghị gì? hoặc quy định cụ thể tỷ lệ cụ thể trong Luật hoặc do Quốc hội, UBND quyết định.
- Về việc ổn định tỷ lệ phân chia các nguồn thu 3-5 năm hiện nay có gì tạo thuận lợi cho địa phương? có kiến nghị gì? hoặc ổn định lâu dài theo Luật.
6. Về nhiệm vụ chi của chính quyền các cấp:
- Đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện những chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về việc dành một số nguồn thu để đầu tư có mục tiêu như: nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, thu từ hoạt động xổ số, tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, thuế ở một số khu vực cửa khẩu... trong thời gian 1995-2000:
+ Số kinh phí được sử dụng đầu tư.
+ Phương thức phân bổ giữa các cấp ngân sách địa phương.
+ Số đầu tư cụ thể cho các lĩnh vực.
+ Phương thức quản lý điều hành ngân sách đối với các nguồn kinh phí này.
+ Đánh giá hiệu quả thực hiện.
+ Những kiến nghị trong thời gian tới.
- Đánh giá về việc thực hiện phân cấp nhiệm vụ hiện nay ở địa phương nhất là phân cấp nhiệm vụ chi giáo dục - đào tạo, y tế giữa cấp tỉnh và cấp huyện, xã.
- Kiến nghị gì về quy định rõ hơn cụ thể hơn những quy định của Chính phủ về phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để tạo điều kiện pháp lý phân cấp ngân sách được rõ ràng hợp lý hơn.
- Đánh giá về các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cần bổ sung, giảm bớt nhiệm vụ gì, ngân sách địa phương có điều kiện có nên không cho phép cho vay để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.
7. Về những quy định về số bổ sung ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để cân đối thu, chi ngân sách tại Điều 40.
- Tổng hợp, đánh giá số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp mình thời gian qua:
+ Phân rõ trợ cấp cân đối, trợ cấp có mục tiêu. Sự khác nhau giữa 2 nguồn kinh phí này.
+ Đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện của từng loại bổ sung.
+ Đánh giá về phương thức quản lý đối với từng loại bổ sung.
- Đánh giá những tồn tại, trên cơ sở đó có kiến nghị cụ thể.
- Đánh giá chung về mức độ tự chủ tài chính - ngân sách của các cấp ngân sách khi thực hiện Luật, có tự chủ hơn không, có khuyến khích thực sự không.
- Đánh giá về tính ổn định của ngân sách các cấp có thực sự ổn định không (về điều tiết, về bổ sung), tác dụng khuyến khích của cơ chế này.
IV. VỀ LẬP DỰ TOÁN NSNN:
1. Đánh giá việc quy định hiện nay theo Luật, Nghị định quy trình lập NSNN từ giữa tháng 6 năm trước và giao dự toán ngân sách cho đơn vị sử dụng ngân sách trước 31/12 năm trước; thời gian qua thực hiện có kết quả ra sao? kiến nghị gì về quy trình lập dự toán ngân sách hiện nay?
2. Căn cứ phương pháp lập và quyết định dự toán ngân sách hiện nay có gì cần sửa đổi bổ sung để giảm, bỏ tình trạng các cấp khi thảo luận ngân sách mất thời gian, công sức và chưa đồng quan điểm.
3. Cần bổ sung những quy định gì để ngăn chặn, hạn chế tình trạng phân bổ vốn nhất là vốn đầu tư phân tán kém hiệu quả.
4. Để chủ động cho NSNN, ngân sách các cấp chính quyền nhất là những khoản chi quan trọng cần thực hiện trong một số năm cần bổ sung những quy định gì để đảm bảo tính liên tục, kế thừa của dự toán ngân sách? cần nghiên cứu bổ sung những quy định về dự toán ngân sách không chỉ hàng năm mà có tính chất trung hạn 3-5 năm.
V. VỀ CHẤP HÀNH NSNN:
1. Về Điều 55 và Nghị định của Chính phủ quy định các đơn vị dự toán cấp I giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc:
Đánh giá việc thực hiện quy định này:
- Thời gian giao của các Bộ, Sở, Ban cho tới đơn vị sử dụng ngân sách có đảm bảo trước 31/12 năm trước không? những lý do và biện pháp khắc phục. Có cần sửa thời hạn này cho đảm bảo tính khả thi không?
- Nội dung giao có đảm bảo không? có tình trạng đơn vị cấp trên giao nhưng giữ lại có tính chất dự phòng, việc này tình trạng thực tế ở mức độ nào? cần quy định nghiêm cấm tình trạng này không?
2. Việc quản lý thu, chi một số nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ: hiện nay có gì vướng mắc? biện pháp xử lý sao? quản lý vốn viện trợ như thế nào?
- Việc thực hiện nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc nhà nước theo quy định tại Điều 60 đã triển khai ở mức độ nào? có vướng mắc gì? kiến nghị các biện pháp triển khai thực hiện hoặc nếu không khả thi thì sửa Luật.
- Việc hình thành và sử dụng quỹ dự trữ tài chính của ngân sách các cấp theo quy định tại Điều 60 như thế nào? có hiệu quả không?
3. Việc thực hiện chế độ thưởng theo Điều 62 khoản 4: "Hàng năm, trong trường hợp có số tăng thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt so với nhiệm vụ được giao, không kể thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật này, Chính phủ quyết định trích một phần theo tỷ lệ phần trăm (%) của số tăng thu đó cho ngân sách cấp tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội" và quy định thưởng đối với những khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quyết định của Quốc hội, Chính phủ.
- Đánh giá kết quả thực hiện 4 năm qua về: mức tiền thưởng và kết quả sử dụng tiền thưởng.
- Kiến nghị những sử dụng bổ sung về căn cứ xác định mức thưởng (căn cứ dự toán được giao, căn cứ số thực hiện năm trước, hay kết hợp cả 2 căn cứ).
- Xử lý thưởng vượt thu của ngân sách trung ương đã hợp lý chưa, việc Chính phủ thưởng thêm ngoài quy định của Luật có cần đưa vào Luật không?
4. Đánh giá việc quản lý thanh toán kiểm soát chi NSNN của cơ quan tài chính, cơ quan kho bạc:
- Quy trình cấp phát thanh toán hiện nay (chi thường xuyên, chi đầu tư,...) có gì thuận lợi, có gì chưa khoa học, chưa phù hợp thực tế cần bổ sung, sửa đổi.
- Việc quy định cấp phát quản lý theo mục lục NSNN đã góp phần tăng cường quản lý đạt kết quả sao? chứng từ cấp phát luân chuyển thanh toán đã hợp lý chưa.
- Có nên duy trì việc cơ quan tài chính và kho bạc nhà nước chỉ kiểm soát một số mục chi hay không? nên thêm hay bớt số mục chi này.
- Cần có khoản chi hay không, nội dung khoản chi nên như thế nào?
VI. VỀ KẾ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NSNN:
1. Đánh giá việc thực hiện Điều 66: Kết dư ngân sách cấp tỉnh 50% chuyển vào ngân sách năm sau. 50% chuyển vào quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách huyện, xã chuyển vào ngân sách năm sau:
- Đánh giá số liệu thực tế thực hiện quy định này thời gian qua.
- Tỷ lệ 50% nêu trên cần sửa đổi bổ sung gì.
- Thẩm quyền quyết định.
- Trong kết dư có phần vốn đã tạm ứng, vậy làm thế nào để tách được tạm ứng nên xử lý để kết dư là thực.
2. Về thẩm quyền duyệt quyết toán:
- Quy định cơ quan tài chính xét duyệt quyết toán thu, chi ngân sách của cơ quan cùng cấp: Quy định này thực hiện thời gian qua sao? có phù hợp không? cần sửa đổi bổ sung gì? quyết toán theo số thực chi hiện nay thì chậm, vậy có nên quyết toán theo số cấp phát ngân sách, sau 1 năm quyết toán báo cáo Quốc hội theo số thực chi của đơn vị có được không? kiến nghị gì.
- Thực tế hiện nay trong năm sau Quốc hội, HĐND phê chuẩn ngân sách năm trước, thời gian thực hiện quyết toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách, của cấp chính quyền có đủ không? có đảm bảo thời gian để cơ quan tài chính, cơ quan kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm tra quyết toán không?
- Quy định hạch toán, thanh toán các khoản tạm ứng ngân sách đã hợp lý chưa? cách xác định kết dư ngân sách như thế nào?
- Có cần xét chuyển số dư tài khoản tiền gửi và số dư quỹ tiền mặt vào thời điểm cuối năm không? trường hợp nào thì không cần các thủ tục này, quy trình xét duyệt số dư như thế nào là phù hợp.
VII. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN TỔNG KẾT 4 NĂM THỰC HIỆN LUẬT NSNN:
1. Trong tháng 3 năm 2000:
Vụ NSNN dự thảo đề cương và dự thảo công văn gửi các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố hướng dẫn chỉ đạo việc tổng kết Luật, lấy ý kiến các Vụ, Tổng cục liên quan trình Bộ duyệt.
Trình Bộ duyệt thành lập Ban nghiên cứu tổng kết Luật thuộc Bộ Tài chính (mời một số Bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, Văn phòng Chính phủ... tham gia).
2. Tháng 3 năm 2000 gửi công văn và đề cương hướng dẫn thực hiện tổng kết Luật.
Họp với một số Bộ, cơ quan trung ương, một số địa phương phổ biến yêu cầu, nội dung, biện pháp triển khai thực hiện.
3. Tháng 4+5 năm 2000 tổ chức đánh giá theo đề cương tại các đơn vị trực thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố, các cấp ngân sách huyện, xã gửi báo cáo tổng kết về Bộ, tỉnh, thành phố.
4. Tháng 5+6 năm 2000 tổ chức sơ kết Luật ở các Bộ cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến 30/6/2000 gửi báo cáo tổng kết về Bộ Tài chính.
Tháng 6+7 năm 2000 Bộ Tài chính hội thảo với một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương về tổng kết Luật.
Tháng 7 năm 2000 phối hợp với Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội tổ chức hội thảo quốc gia (có sự tham gia của một số tổ chức và chuyên gia quốc tế) về đánh giá và sơ kết 4 năm thực hiện Luật NSNN, những kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung Luật NSNN và các kết quả đã thực hiện.
Cuối tháng 7 năm 2000 hoàn thành báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Luật, báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội kỳ họp thứ 8 (tháng 10-11 năm 2000).
| Phạm Văn Trọng (Đã ký)
|