Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 9519/BTC-ĐT
V/v tạm ứng đối với các hợp đồng của dự án vay vốn ODA theo công văn số 870/TTg-KTTH ngày 6/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

Thực hiện công văn số 870/TTg-KTTH ngày 6/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm ứng vốn hợp đồng đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi, Bộ Tài chính hướng dẫn việc tạm ứng vốn đối với các hợp đồng của dự án sử dụng vốn GDA và vốn vay ưu đãi như sau:

1. Việc tạm ứng vốn của chủ dự án cho nhà thầu chỉ thực hiện đối với các công việc cần thiết phải tạm ứng trước để triển khai thực hiện hợp đồng và phải được quy định rõ đối tượng, nội dung và công việc cụ thể trong hợp đồng.

2. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng phải theo quy định của Nhà nước đối với từng loại hợp đồng, cụ thể như sau:

a. Mức vốn tạm ứng tối thiểu:

- Đối với hợp đồng tư vấn, mức tạm ứng tối thiểu bằng 25% giá trị hợp đồng.

- Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình:

+ Hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng;

+ Hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng;

+ Hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

- Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: mức tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

b. Mức tạm ứng tối đa của các loại hợp đồng trên là 50% giá trị hợp đồng. Trường hợp đặc biệt cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép.

c. Đối với một số cấu kiện, bán thành phẩm trong xây dựng có giá trị lớn phải được sản xuất trước để đảm bảo tiến độ thi công và một số loại vật tư phải dự trữ theo mùa, mức vốn tạm ứng theo nhu cầu cần thiết và do chủ dự án thống nhất với nhà thầu.

d. Thu hồi tạm ứng: Tiền tạm ứng được bắt đầu thu hồi từ lần thanh toán đầu tiên, mức thu hồi từng lần do hai bên thống nhất ghi trong hợp đồng, kết thúc thu hồi khi giá trị thanh toán đạt 80% giá hợp đồng.

3. Chủ dự án có trách nhiệm cùng với nhà thầu tính toán mức tạm ứng hợp lý, quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và có trách nhiệm hoàn trả đủ số vốn đã tạm ứng theo quy định.

Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi nhưng không sử dụng, nêu quá thời hạn 6 tháng quy định trong hợp đồng phải thực hiện khối lượng mà nhà thầu chưa thực hiện do nguyên nhân khách quan hay chủ quan hoặc sau khi ứng vốn mà nhà thầu sử dụng sai mục đích chủ dự án có trách nhiệm thu hồi hoàn trả số vốn đã tạm ứng.

4. Các nội dung quản lý tạm ứng vốn khác với hướng dẫn trên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

5. Thời gian thực hiện: từ ngày 6/6/2014 (ngày ban hành công văn số 870/TTg-KTTH ngày 6/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm ứng vốn hợp đồng đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi).

Đề nghị thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung trên và phối hợp với Bộ Tài chính để xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh toán./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Thanh tra Chính phủ;
- Bộ trưởng ĐinhTiến Dũng (để báo cáo);
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP;
- Kho bạc Nhà nước (để thực hiện);
- Vụ NSNN, Vụ I;
- Lưu: VT, Vụ ĐT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu