Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Ngày 14/02/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2015/KĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, theo đó tại khoản 2 Điều 45 Nghị định có quy định: “Thủ tướng Chính phủ quy định ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường đặc thù''. Về việc triển khai thực hiện nội dung này, sau khi nghiên cứu, rà soát, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Những quy định liên quan đến ưu đãi về thuế GTGT tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP:
Tại Điều 45 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP có quy định chính sách thuế GTGT đối với hoạt động bảo vệ môi trường như sau:
"1. Hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh từ hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường đặc thù.".
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP thì đối tượng, phạm vi được ưu đãi, hỗ trợ bao gồm:
"1. Đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ bao gồm các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường được quy định tại Phụ lục III Nghị định này.
2. Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ chuyển giao công nghệ.
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các dạng năng lượng tái tạo khác theo quy định lại Khoản 13 Phụ lục III Nghị định này.".
Theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ (sau đây gọi chung là Phụ lục III Nghị định số 19) thì danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ bao gồm:
"1. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở tên.
2. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.
3. Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.
4. Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.
5. Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác.
6. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề.
7. Di dời, chuyển đổi hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
8. Quan trắc môi trường.
9. Dịch vụ hỏa táng, điện táng.
10. Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ.
11. Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
12. Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.
13. Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.
14. Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.
15. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận nhãn sinh thái.".
Như vậy, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP chỉ có quy định danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi hỗ trợ; không có quy định cụ thể về "một số sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường đặc thù".
2. Những quy định về thuế GTGT hiện hành đối với các hoạt động bảo vệ môi trường:
Theo quy định tại Luật thuế GTGT hiện hành, đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT) nên về nguyên tắc, thuế GTGT thu theo hàng hóa, dịch vụ không phân biệt mục đích sử dụng. Luật thuế GTGT hiện hành quy định 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10% trong đó: thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo đúng thông lệ quốc tế; thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với các sản phẩm thiết yếu như nước sạch phục vụ sinh hoạt, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh..., mức phổ biến 10% áp dụng đối với hàng hóa dịch vụ còn lại. Đối tượng không chịu thuế, thuế suất thuế GTGT do Quốc hội quyết định.
Theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 thì nội dung cải cách chính sách thuế GTGT như sau: “Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu)...".
Qua tổng hợp, rà soát, chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các hoạt động bảo vệ môi trường được áp dụng như sau:
Tại Điều 5 Luật thuế GTGT quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; Dịch vụ tang lễ; Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ; phần mềm máy tính.
Tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT quy định về mức thuế suất thuế GTGT 5% gồm: Các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học; Dịch vụ khoa học công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.
Tại Luật thuế GTGT không có quy định nào giao Thủ tướng Chính phủ “quy định ưu đãi thuế giá trị gia tăng".
Tại điểm a, khoản 3, Điều 2, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT có quy định tiền chuyển nhượng quyền phát thải không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Căn cứ vào những quy định trên thì:
2.1. Tất cả tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư công trình, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về bảo vệ môi trường có chứng nhận giảm phát thải đều không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi chuyển nhượng quyền phát thải. Thuế GTGT đầu vào được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế theo quy định.
2.2. “Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ” quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP đã được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế GTGT (thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc thuộc đối tượng chịu thuế hưởng mức thuế suất ưu đãi 5%).
2.3. “Dịch vụ hỏa táng, điện táng" tại mục 9 Phụ lục III Nghị định số 19 thuộc dịch vụ tang lễ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
2.4. "Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận nhãn sinh thái" tại mục 15 Phụ lục III Nghị định số 19 không được quy định rõ sản phẩm đầu ra nên không thể xác định có thuộc diện không chịu thuế GTGT hay được áp dụng thuế suất 5%.
2.5. Các hoạt động bảo vệ môi trường từ mục 1 đến mục 5 của Phụ lục III Nghị định số 19 gồm:
"1. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2,500m3 nước thải trở lên trong một ngày đêm đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.
2. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.
3. Xử lý chất thải nguy hại, đồng xử lý chất thải nguy hại.
4. Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.
5. Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác.”
được chuyển từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10% kể từ ngày 01/01/2014 theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT số 31/2013/QH13.
Các hoạt động này chuyển từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế là vì trong những năm vừa qua nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã tham gia vào việc cung cấp dịch vụ vệ sinh, thoát nước, xử lý nước thải như: nạo vét kênh mương, thoát nước, xử lý rác thải,… có doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (thuế GTGT đầu vào lên đến hàng trăm tỷ) cho việc xử lý chất thải, tái chế phế liệu mà số thuế GTGT đầu vào không được kê khai, khấu trừ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị đưa hoạt động này vào đối tượng chịu thuế GTGT để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Để đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT, doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ này được hoàn thuế GTGT đầu vào khi đầu tư, được khấu trừ thuế đầu vào trong quá trình kinh doanh từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa vào nội dung sửa đổi của Luật thuế GTGT chuyển dịch vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước, xử lý chất thải vào diện chịu thuế GTGT theo mức 10% áp dụng từ ngày 01/01/2014.
2.6. “Sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài Nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam" lại mục 12 Phụ lục III Nghị định số 19:
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT ngày 02/12/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường thì: “Nhãn sinh thái trong Thông tư này được gọi là Nhãn xanh Việt Nam. Gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động tự nguyện, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. "
Theo Điều 4 Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT thì tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam bao gồm các nội dung sau:
"Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và lao động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (sau đây gọi là doanh nghiệp);
Tác động của toàn bộ vòng đời sản phẩm từ quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại.
2. Tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam tương ứng cho từng nhóm sản phẩm do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố".
Theo Điều 9 Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT quy định về thời hạn của giấy chứng nhận nhãn xanh Việt Nam thì: “Quyết định chứng nhận nhãn xanh Việt Nam có thời hạn là 3 (ba) năm kể từ ngày cấp".
Căn cứ vào hướng dẫn trên, việc gắn nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm là do doanh nghiệp tự nguyện và thời gian chứng nhận nhãn xanh hiệu lực chỉ có 3 (ba) năm, không có tính chất ổn định lâu dài.
Theo Luật thuế GTGT thì thuế GTGT thu theo hàng hóa và dịch vụ cụ thể, Vì vậy Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật thuế GTGT: hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc được áp dụng thuế suất 5% mà không phụ thuộc vào việc tự nguyện gắn nhãn xanh Việt Nam.
2.7 Các hoạt động bảo vệ môi trường còn lại tại Phụ lục III Nghị định số 19 thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10%.
Do hoạt động bảo vệ môi trường (trừ mục 9 của Phụ lục III Nghị định số 19) thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp được kê khai khấu trừ, hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào của máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường tại mục 14 của Phụ lục III Nghị định số 19.
Từ các nội dung trình bày ở trên, Bộ Tài chính thấy rằng chính sách thuế GTGT đối với các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường đã được quy định cụ thể tại Luật thuế GTGT hiện hành và thuộc thẩm quyền Quốc bội. Đặc biệt, pháp luật thuế GTGT đã có quy định tất cả tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư công trình, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về bảo vệ môi trường đáp ứng và được cấp chứng nhận giảm phát thải đều không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi chuyển nhượng quyền phát thải (thuế GTGT đầu vào được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế theo quy định). Hoạt động bảo vệ môi trường tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 19 và mục 9 Phụ lục III Nghị định số 19 đã được quy định thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc mức thuế suất 5% (là mức thấp - ưu đãi).
Do vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 5939/TCHQ-TXNK năm 2015 về ưu đãi thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 3 Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng
- 4 Thông tư 41/2013/TT-BTNMT quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013
- 6 Luật khoa học và công nghệ năm 2013
- 7 Quyết định 732/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Công văn 2566/BXD-HTKT hướng dẫn Nghị định 04/2009/NĐ-CP về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường do Bộ Xây dựng ban hành
- 9 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008
- 10 Luật Chuyển giao công nghệ 2006
- 11 Luật Sở hữu trí tuệ 2005