Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 977/LĐTBXH-KHTC
V/v hướng dẫn thực hiện bảo trì công trình xây dựng.

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2013

 

Kính gửi: Các đơn vị trực thuộc Bộ.

Thực hiện Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 114/2010/NĐ-CP) và Thông tư số 11/2012/TT-BXD ngày 25/12/2012 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 11/2012/TT-BXD), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đơn vị sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện bảo trì thường xuyên tất cả các công trình xây dựng (bao gồm các thiết bị kỹ thuật lắp đặt trong công trình như thang máy, điều hòa, thông tin liên lạc …) được giao quản lý, sử dụng theo quy định tại Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Chi phí bảo trì công trình được lập, quản lý và sử dụng theo quy định tại Thông tư số 11/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng, hướng dẫn của Bộ và các văn bản khác có liên quan.

3. Kinh phí bảo trì công trình được hình thành từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp hàng năm; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị; nguồn thu sự nghiệp của đơn vị được để lại và các nguồn vốn hợp pháp khác.

II. Một số nội dung hướng dẫn cụ thể:

1. Lập, thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì công trình:

1.1. Quy trình bảo trì phải do đơn vị có chức năng tư vấn thiết kế lập theo quy trình và nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

1.2. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Tổ chức thực hiện bảo trì công trình:

2.1. Khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, căn cứ vào quy trình bảo trì và hiện trạng công trình, đơn vị dự kiến kế hoạch bảo trì cho năm sau và tổng hợp vào kế hoạch, dự toán của đơn vị để báo cáo Bộ xem xét, bố trí kinh phí theo quy định. Kế hoạch bảo trì bao gồm các nội dung quy định tại Điều 10, Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ; nội dung bảo trì công trình có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình; chi phí bảo trì công trình được lập theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 11/2012/TT-BXD ngày 25/12/2012, phù hợp với hiện trạng thực tế của công trình và quy trình bảo trì được duyệt.

2.2. Căn cứ dự toán ngân sách được giao, các đơn vị triển khai thực hiện bảo trì công trình theo các nội dung sau:

a) Lập và trình Bộ phê duyệt kế hoạch sửa chữa, bảo trì công trình theo các nội dung quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 10, Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ và quy định phân cấp của Bộ.

b) Phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình thực hiện trong năm theo thẩm quyền phù hợp dự toán ngân sách được giao và kế hoạch sửa chữa công trình được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

c) Nếu chi phí sửa chữa công trình có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, đơn vị phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng; nếu chi phí sửa chữa công trình có giá trị dưới 500 triệu đồng, đơn vị phải lập thiết kế, dự toán theo quy định. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, dự toán thực hiện theo các quy định của pháp luật đầu tư xây dựng hiện hành và quy định phân cấp của Bộ.

d) Căn cứ kế hoạch bảo trì, báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, dự toán được duyệt, đơn vị tổ chức thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì công trình, quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán và quyết toán chi phí thực hiện theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

3. Lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình:

Đơn vị lập và quản lý hồ sơ bảo trì cho từng hạng mục công trình để lưu trữ toàn bộ các văn bản, tài liệu liên quan đến quá trình bảo trì công trình (như quy trình bảo trì; các tài liệu thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì; kế hoạch bảo trì; các bản vẽ thiết kế, dự toán, tài liệu giám sát, nghiệm thu khi thực hiện bảo trì công trình …).

III. Bố trí kinh phí lập quy trình bảo trì:

1. Năm 2013, căn cứ vào dự toán ngân sách được thông báo, đơn vị cân đối, bố trí kinh phí để lập quy trình bảo trì cho một số công trình, thiết bị thuộc phạm vi quản lý, ưu tiên những công trình, thiết bị sẽ thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng trong năm.

2. Từ năm 2014, khi xây dựng kế hoạch dự toán ngân sách, đơn vị xác định đủ nhu cầu kinh phí lập quy trình bảo trì cho tất cả các công trình thuộc phạm vi quản lý theo quy định và tổng hợp chung vào kế hoạch dự toán của đơn vị để báo cáo Bộ xem xét, bố trí kinh phí thực hiện hàng năm.

Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các bộ phận có liên quan nghiên cứu các quy định tại Nghị định số 114/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng và các nội dung hướng dẫn tại văn bản này để tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để được hướng dẫn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, KHTC.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ HOẠCH - TÀI CHÍNH




Chu Quang Cường