THANH TRA NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 106-TTNN | Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1992 |
CÔNG VĂN
SỐ 106-TTNN NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 1992 CỦA THANH TRA NHÀ NƯỚC HƯỚNG DẪN BỔ SUNG VIỆC BỔ NHIỆM THANH TRA VIÊN
Kính gửi: | - Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan thuộc HĐBT |
Hiện nay việc triển khai bổ nhiệm T.T.V ở các tổ chức thanh tra Nhà nước chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống thanh tra Nhà nước. Vận dụng tiêu chuẩn nghiệp vụ và các văn bản hướng dẫn vào việc bổ nhiệm, đề nghị bổ nhiệm T.T.V ở mỗi cấp, mỗi ngành cũng khác nhau. Có nơi chỉ căn cứ vào mức lương đang hưởng để xét chuyển ngang hoặc chuyển lên. Nhiều trường hợp đề nghị bổ nhiệm những người ở mức lương thấp lên T.T.V có mức lương khởi điểm cao hơn nhưng trong hồ sơ đề nghị lại chưa đánh giá, thuyết minh rõ năng lực cán bộ hoặc chưa bảo đảm yêu cầu về trình độ đào tạo, thời hạn chuyển cấp v.v...
Để lực lượng T.T.V có phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ thanh tra Nhà nước yêu cầu các cấp, các ngành khi bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm T.T.V cần lưu ý một số điểm sau đây:
1. Những yêu cầu đạt được khi bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm T.T.V:
- Lựa chọn người có phẩm chất, trình độ, năng lực để bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm. Trình độ, năng lực đảm nhiệm được công việc của T.T.V cấp nào thì bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm T.T.V cấp ấy. Nếu hiện tại chưa đảm bảo yêu cầu về trình độ đào tạo thì phải có năng lực thực sự và khả năng bồi dưỡng nâng cao trình độ trong vài năm tới.
- Phân công, phân nhiệm theo đúng chức danh; tránh tình trạng chức danh được bổ nhiệm cao nhưng công việc đảm nhận lại thấp hoặc ngược lại.
- Kiện toàn về tổ chức, ổn định đội ngũ T.T.V từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức thanh tra Nhà nước.
- Có tính đến mối tương quan với các công chức khác khi triển khai quy chế công chức.
2. Một số trường hợp cụ thể cần lưu ý khi bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm T.T.V
a. Người đang hưởng mức lương cao nhưng năng lực chỉ đảm nhận được công việc của T.T.V cấp thấp thì giải quyết theo hướng sau:
+ Bổ nhiệm vào cấp T.T.V tương ứng với năng lực và bảo lưu mức lương đang hưởng đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ.
+ Chưa bổ nhiệm mà để một thời gian cho bồi dưỡng nâng cao trình độ.
+ Không bổ nhiệm mà bố trí công việc khác thích hợp với trình độ, năng lực.
b. Đề nghị bổ nhiệm vào cấp T.T.V có mức lương khởi điểm cao hơn mức lương đang hưởng. Đối với trường hợp này trước hết phải đảm bảo có đủ phẩm chất và năng lực thực tiễn của T.T.V cấp đề nghị bổ nhiệm và các điều kiện sau:
- Đối với T.T.V cấp 3:
+ Tốt nghiệp đại học
+ Thời gian hưởng mức lương 463đ đến thời điểm đề nghị bổ nhiệm là 6 năm trở lên.
- Đối với T.T.V cấp 2:
+ Tốt nghiệp đại học; nếu tốt nghiệp trung cấp thì mức lương đang hưởng không thấp hơn 420đ.
+ Thời gian hưởng mức lương 310đ đến thời điểm đề nghị bổ nhiệm là 6 năm trở lên.
c. Những người phẩm chất, năng lực, trình độ hiện tại và lâu dài không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định thì cho chuyển công tác hoặc giải quyết theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
3. Hồ sơ bổ nhiệm, đề nghị bổ nhiệm Thanh tra viên
Hồ sơ bổ nhiệm, đề nghị bổ nhiệm T.T.V thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 503-CV-TCCB-TTV ngày 27-11-1991 của Thanh tra Nhà nước. Đối với bản nhận xét cán bộ cần nêu rõ năng lực thực tiễn thông qua kết quả công việc đã và đang làm từ khi công tác ở các tổ chức thanh tra Nhà nước. Nếu thời gian công tác thanh tra dài, số lượng công việc đảm nhiệm nhiều thì nêu rõ những việc chủ yếu nhằm khẳng định năng lực cán bộ.
Nếu đề nghị bổ nhiệm T.T.V cấp 2, 3 ngoài bản nhận xét còn chuẩn bị tài liệu để thuyết minh rõ năng lực cán bộ. Các thủ tục đề nghị bổ nhiệm T.T.V cấp 2, 3 cần tham khảo ý kiến của Thanh tra Nhà nước (qua Vụ TCCB) trước khi ký văn bản đề nghị.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ thanh tra có thể tiến hành bổ nhiệm T.T.V làm nhiều đợt, qua nhiều năm; trường hợp nào đủ điều kiện thì bổ nhiệm trước, không nhất thiết bổ nhiệm một lần tất cả những người thuộc đối tượng xét bổ nhiệm.
| Trương Thế Cửu (Đã ký) |