Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 969-THA

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1993

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 969-THA NGÀY 17 THÁNG 9 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN CƠ CẤU BIÊN CHẾ CỦA PHÒNG, ĐỘI THI HÀNH ÁN VÀ VIỆC BỔ NHIỆM, ĐỔI THẺ CHẤP HÀNH VIÊN, CHẤP HÀNH VIÊN TRƯỞNG

Kính gửi: Đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Để nhanh chóng kiện toàn tổ chức, hoạt động của các Phòng, Đội thi hành án; tiến hành việc bổ nhiệm, đổi thẻ chấp hành viên, chấp hành viên trưởng theo quy định mới. Bộ Tư pháp hướng dẫn các địa phương thực hiện một số điểm sau đây:

1. Căn cứ vào chỉ tiêu biên chế đã được Bộ phân bổ, Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành phân bổ biên chế cụ thể cho các Đội thi hành án; lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn để làm thủ tục tuyển dụng đủ biên chế cho các Phòng, Đội thi hành án theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 555/TT - THA ngày 10 tháng 6 năm 1993 và Công văn số 720/QLTHA ngày 22 tháng 7 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

2. Về nguyên tắc, các chấp hành viên, cán bộ thi hành án hoặc cán bộ khác của Toà án đã được bàn giao sang cơ quan thi hành án theo quy định tại Thông tư liên ngành số 01-TT/LN ngày 26 tháng 5 năm 1993 "hướng dẫn việc bàn giao công tác thi hành án dân sự" đều thuộc biên chế của Phòng, Đội thi hành án. Trong trường hợp có lý do thật chính đáng, đối với từng người cá biệt, phải điều chuyển làm việc khác, thì Giám đốc Sở Tư pháp phải thống nhất với Cục quản lý thi hành án dân sự báo cáo Bộ xem xét, quyết định.

3. Số lượng chấp hành viên (kể cả chấp hành viên trưởng) của các Phòng, Đội thi hành án được quy định như sau:

a) Ở địa phương chưa thành lập Đội thi hành án, nhưng có biên chế là 2 người, thì được bổ nhiệm một chấp hành viên; nếu đã thành lập Đội thi hành án, thì có thể bổ nhiệm 2 chấp hành viên;

b) Các Phòng, Đội thi hành án có biên chế từ 3 người trở lên, thì được bổ nhiệm số lượng chấp hành viên bằng 2/3 tổng số biên chế. Trong trường hợp Phòng, Đội thi hành án chưa có biên chế, thì được bổ nhiệm số lượng chấp hành viên bằng 2/3 tổng số cán bộ hiện có của Phòng, Đội thi hành án.

c) Các trường hợp đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng trên đây đều phải bảo đảm tiêu chuẩn và thủ tục quy định tại Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ và Thông tư số 555/TT-THA ngày 10 tháng 6 năm 1993 của Bộ Tư pháp;

d) Ở địa phương nào chưa có điều kiện bố trí cán bộ chuyên trách kế toán, thủ kho, thủ quỹ thi hành án, thì Giám đốc Sở Tư pháp hoặc Trưởng phòng tư pháp bố trí cán bộ của cơ quan đó kiêm nhiệm, nhưng không được bố trí kế toán thi hành án kiêm thủ quỹ thi hành án.

4. Việc xem xét nhân sự để đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng được thực hiện như sau:

Đối tượng xét bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng theo quy định tại Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 555/TT-THA ngày 10 tháng 6 năm 1993 của Bộ Tư pháp bao gồm các chấp hành viên, chấp hành viên trưởng đương nhiệm (trừ số chấp hành viên, chấp hành viên trưởng đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm sau ngày 2 tháng 6 năm 1993), cán bộ thi hành án và các cán bộ khác đã được tuyển dụng chính thức vào biên chế của cơ quan thi hành án.

b) Các chấp hành viên, chấp hành viên trưởng đương nhiệm có đủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 30-CP ngày 2 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ hoặc tuy chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ pháp lý, nhưng có đủ tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 394/QLTA ngày 22 tháng 5 năm 1990 của Bộ Tư pháp, có khả năng phát triển, có năng lực và kinh nghiệm làm công tác thi hành án đều được ưu tiên đưa vào danh sách đề nghị xem xét việc bổ nhiệm, đổi thẻ chấp hành viên, chấp hành viên trưởng; nếu vẫn chưa đủ số lượng chấp hành viên theo quy định thì lựa chọn trong số cán bộ thi hành án từ Toà án chuyển sang hoặc cán bộ khác đã được tuyển dụng vào biên chế của Phòng, Đội thi hành án để đề nghị bổ nhiệm.

c) Đối với những người có vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất, đạo đức, đã bị xử lý kỷ luật hoặc liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, thì không đưa vào danh sách đè nghị bổ nhiệm.

d) Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ chấp hành viên, chấp hành viên trưởng phải làm thủ tục quy định tại Thông tư số 555/ TT-THA ngày 10 tháng 6 năm 1993 của Bộ Tư pháp, kèm theo 2 ảnh màu cỡ 3 x 4 (chụp với đầy đủ trang phục, phù hiệu chấp hành viên).

Trên đây là hướng dẫn về cơ cấu biên chế của Phòng, Đội thi hành án và việc bổ nhiệm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng theo quy định mới, Bộ yêu cầu các địa phương thực hiện đúng, nhằm bảo đảm cho các cơ quan thi hành án hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Nguyễn Đình Lộc

(Đã ký)