BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/QLTT-TW | Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 1992 |
Kính gửi: | - Uỷ ban nhân dân |
Ngày 6-12-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 398/HĐBT về tổ chức chỉ đạo quản lý thị trường. Thực hiện điều 10 Nghị định nói trên, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương - với sự thoả thuận của Bộ Thương mại và Du lịch - hướng dẫn về tổ chức chỉ đạo quản lý thị trường ở địa phương như sau:
I. VỀ TỔ CHỨC CỦA BAN
1. Từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, hợp nhất các tổ chức quản lý thị trường và đặc nhiệm chống buôn lậu để hình thành một tổ chức mới: Ban chỉ đạo (Trung ương và tỉnh, thành phố) về quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, gọi tắt là Ban chỉ đạo Quản lý thị trường.
Việc chấn chỉnh, tổ chức như trên không phải là xem nhẹ công tác chống buôn lậu đang là một công tác lớn của cả nước, mà chỉ nhằm hợp lý hoá tổ chức, tập trung đầu mối chỉ đạo để có sức mạnh đấu tranh. Việc hợp lý hoá tổ chức này là nhằm gắn các mặt công tác: chống đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, kinh doanh trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên thị trường vào toàn bộ nội dung của công tác quản lý thị trường và để thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đạt mục tiêu thiết lập trật tự kỷ cương trên thị trường theo cơ chế mới.
2. Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố không phải là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân có chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác như các Sở, Ban là một tổ chức được lập ra để tham mưu giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường, đồng thời được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố uỷ quyền chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp và kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp trong công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác ở địa phương.
Để phù hợp với chủ trương hợp lý hoá tổ chức bộ máy cấp huyện, không tổ chức Ban chỉ đạo Quản lý thị trường ở quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh. Ở đây, nhiệm vụ quản lý thị trường là do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện, có Phòng Thương nghiệp hoặc phòng Tài chính - Thương nghiệp quận, huyện... làm tham mưu và theo sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quản lý thị trưởng tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh nào hiện đang có Ban chỉ đạo Quản lý thị trường mà Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xét thấy vẫn cần thiết thì trước mắt vẫn được duy trì, rồi từng bước sắp xếp lại cùng với quá trình thực hiện chủ trương hợp lý hoá bộ máy cấp huyện.
Ở các xã vùng biên giới cần phát huy vai trò của Uỷ ban nhân dân và các đoàn thể nhân dân ở xã; đồng thời tổ chức tốt sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan thuế vụ, hải quan, biên phòng để làm tốt công tác quản lý thị trường.
II. VỀ NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN
1. Về nhiệm vụ:
Năm nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương nói ở Điều 3 mục A Nghị định số 398/HĐBT cũng là năm nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố. Thực hiện các nhiệm vụ này ở địa phương, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố cần nắm vững nguyên tắc chỉ đạo là: công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lậu thuế là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng của Nhà nước (Sở Thương mại - Du lịch, Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở Công an, Hải quan...) đã được pháp luật quy định, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường không làm thay các cơ quan đó. Vì hiện nay có nhiều cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý các hoạt động kinh doanh trên thị trường nên Ban phải giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường của những cơ quan ấy cho ăn khớp. Việc quản lý thị trường phải được tiến hành một cách đồng bộ các biện pháp kinh tế và hành chính, tư tưởng và tổ chức. Ban phải giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân chỉ đạo phối hợp các biện pháp, các lực lượng để đưa lại hiệu quả trong công tác quản lý thị trường. Việc kiểm tra của Ban là giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về quản lý thị trường, đồng thời trực tiếp kiểm tra hoặc tổ chức phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra một số vụ việc trọng điểm về đầu cơ, buôn lậu... Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương và biện pháp để ngăn chặn và bài trừ đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý thị trường, nhất là những kiến nghị về hợp lý hoá sản xuất và lưu thông hàng hoá, lưu thông tiền tệ, đổi mới chính sách và cơ chế quản lý... nhằm chủ động hạn chế môi trường phát sinh và phát triển tệ đầu cơ, buôn lậu...
Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đồng thời được sự hướng dẫn công tác của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương. Thực hiện chế độ thông tin hai chiều giữa Trung ương và địa phương.
2. Về quyền hạn: Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố được vận dụng các quyền hạn của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương quy định ở Điều 3 mục B Nghị định số 398/HĐBT trong phạm vi địa phương. Về quyền xử phạt vi phạm hành chính, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố uỷ quyền cụ thể trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố được quy định trong khoản 7 Điều 19 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ban hành ngày 30-11-1989.
III. VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BAN
1. Căn cứ Điều 4 Nghị định 398/HĐBT quy định về thành phần của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định về nhân sự của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố cho phù hợp. Tinh thần chung là:
- Trưởng ban là một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố kiêm nhiệm.
- Phó trưởng ban và các uỷ viên Ban là Chánh hoặc Phó giám đốc các Sở Thương nghiệp, Công an, Tài chính, Văn hoá - Thông tin, Giao thông vận tải và Bưu điện, Tư pháp, Thanh tra, Ngân hàng Nhà nước, và đại diện Bộ Tư lệnh quân sự địa phương. Ở những nơi có bộ đội biên phòng và hải quan thì có đại diện của hai cơ quan này tham gia Ban.
Ngoài các Phó trưởng ban và Uỷ viên kiêm chức, nên có một đồng chí cấp giám đốc Sở làm phó trưởng ban chuyên trách giúp Trưởng ban điều hành công tác hàng ngày của Ban.
Ban hoạt động theo chế độ tập thể dưới sự điều hành của Trưởng ban. Toàn ban chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về các nhiệm vụ được giao. Từng thành viên trong Ban chịu trách nhiệm cá nhân về phần việc được phân công. Cần có quy chế làm việc, kế hoạch công tác trong từng thời gian và có sự phân công cụ thể.
2. Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố được lập một số Đội kiểm tra thị trường. Số Đội và số người trong từng Đội này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo đề nghị của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố, đảm bảo thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên trên địa bàn cả tỉnh, thành phố.
Đội kiểm tra thị trường thuộc Ban chỉ đạo Quản lý thị trường chủ yếu tổ chức dưới hình thức chuyên ngành. Khi cần tổ chức phối hợp kiểm tra vụ việc cụ thể nào đó thì có thể lâm thời tổ chức liên ngành. Ở những nơi đã tổ chức Đội kiểm tra thị trường liên ngành có tính chất thường xuyên, nếu xét thấy là cần thiết và có hiệu quả thì vẫn có thể được duy trì.
Ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không thành lập Đội kiểm tra thị trường. Ở những quận, huyện hiện đang có Đội kiểm tra thị trường thì trước mắt vẫn duy trì, nhưng phải chấn chỉnh về tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ và hoạt động theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố. Sau đây, từng bước sắp xếp lại các Đội kiểm tra thị trường quận, huyện về trực thuộc Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố quản lý.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện công tác, chế độ khen thưởng và kỷ luật của Đội kiểm tra thị trường các cấp, có quy định riêng của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương.
3. Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố có bộ phận giúp việc là Văn phòng Ban chỉ đạo Quản lý thị trường. Văn phòng Ban được tổ chức theo hai cách:
- Một là, để hợp lý hoá bộ máy, có thể sử dụng Phòng quản lý thị trường của Sở Thương mại và Du lịch kiêm nhiệm thêm chức năng của Văn phòng Ban.
- Hai là, nếu tách riêng thì Văn phòng Ban tổ chức gọn nhẹ gồm một ít chuyên viên có năng lực thuộc biên chế cán bộ của Ban và sử dụng thêm một số chuyên viên biệt phái của các ngành thành viên cử đến công tác theo từng thời gian.
Cần chú ý là trong cả hai cách tổ chức Văn phòng Ban nói trên, nhất thiết không được giải thể mà vẫn phải duy trì Phòng quản lý thị trường của Sở Thương mại và Du lịch với biên chế thích hợp để giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thương mại và dịch vụ trên thị trường địa phương.
IV. VỀ KIỆN LÀM VIỆC CỦA BAN
1. Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố được sử dụng con dấu tương tự con dấu của Sở; được ngân sách Nhà nước tỉnh, thành phố cấp kinh phí hoạt động, kể cả kinh phí hoạt động của các Đội kiểm tra thị trường trực thuộc Ban; được mở tài khoản hạn mức và vãng lai tại Kho bạc Nhà nước.
Cán bộ chuyên trách của Ban và nhân viên các Đội kiểm tra thị trường thuộc Ban đều là công chức Nhà nước thuộc biên chế hành chính. Số biên chế này do Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố cùng Ban tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố thống nhất quy định.
2. Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố lập dự trù kinh phí với Sở Tài chính và thực hiện đúng các chế độ thu, chi tài chính.
Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi cho Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương các quyết định của Uỷ ban nhân dân về tổ chức và nhân sự để thực hiện Nghị định số 398/HĐBT.
Có vấn đề gì cần trao đổi cụ thể thêm trong việc tổ chức thực hiện Nghị định này thì xin các đồng chí trực tiếp liên hệ với chúng tôi.
| Vũ Trọng Nam (Đã ký) |
- 1 Công văn 5935/VPCP-KTTH cho phép lực lượng quản lý thị trường tiếp tục sử dụng ấn chỉ cũ do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 398-HĐBT năm 1991 về việc tổ chức chỉ đạo quản lý thị trường do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành