Liên Hiệp Các Xí Nghiệp Quản Lý Giao Thông Đường Thuỷ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 310-TC-LĐ | Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 1991 |
CÔNG VĂN
CỦA LIÊN HIỆP CÁC XÍ NGHIỆP QUẢN LÝ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY SỐ 310-TC-LĐ NGÀY 8 THÁNG 5 NĂM 1991 QUI ĐỊNH CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC THANH TRA GTVT ĐƯỜNG THUỶ
Kính gửi: Các đơn vị quản lý giao thông đường thuỷ trực thuộc Liên hiệp.
Để bảo đảm mục tiêu công tác thanh tra chuyên ngành và xây dựng đội ngũ thanh tra viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ - Văn bản này quy định về hình thức, phương pháp, tác phong, tiêu chuẩn và quản lý đội ngũ thanh tra toàn Liên hiệp.
I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC THANH TRA
1. Mục tiêu:
Kiểm tra - thanh tra GTVT đường thuỷ nhằm chủ động phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm luật lệ, thể chế về GTVT đường thuỷ, đồng thời kịp thời xử lý đối với các vi phạm theo pháp lệnh xử phạt hành chính để giữ gìn trật tự, an toàn giao thông vận tải đường thuỷ.
2. Nguyên tắc:
a. Công tác kiểm tra - thanh tra lấy tuyên truyền, hướng dẫn luật lệ làm chủ yếu; Việc xử phạt hành chính là biện pháp cưỡng chế cần thiết, nhưng cũng phải đạt yêu cầu giáo dục, ngăn ngừa.
b. Công tác kiểm tra - thanh tra phải có kế hoạch được xây dựng từ cơ sở Trạm - Đoạn đến xí nghiệp, Liên hiệp; Kế hoạch này đồng bộ với kế hoạch quản lý, sửa chữa thường xuyên đường thuỷ của đơn vị.
Nội dung nhiệm vụ và thẩm quyền của Thanh tra các cấp được quy định tại quyết định số 309-TC-LĐ ngày 8-5-1991.
II. HÌNH THỨC, PHƯƠNG PHÁP THANH TRA.
1. Hình thức: Có 2 hình thức chủ yếu để tổ chức thanh tra là:
a. Thanh tra thường xuyên: do các trạm quản lý GTĐT tiến hành đồng thời với kiểm tra tuyến.
b. Thanh tra tại trọng điểm hoặc thành chiến dịch: do Đoạn và Xí nghiệp tổ chức thực hiện.
2. Phương pháp tiến hành
Việc tiến hành kiểm tra - thanh tra tuân theo trình tự, nguyên tắc dưới đây:
a. Công tác chuẩn bị: Trưởng thanh tra các cấp phải trực tiếp lên kế hoạch triển khai, xác định lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể với từng bộ phận công tác.
Lực lượng cần thiết cho quá trình thanh tra ngoài người điều khiển phương tiện phải có ít nhất 2 thanh tra viên trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát và xử lý.
b. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát và giải quyết các trường hợp vi phạm:
+ Việc quyết định kiểm tra một đối tượng nào đó phải căn cứ vào các dấu hiệu vi phạm, thấy cần kiểm tra mới kiểm tra.
+ Trước khi kết luận về sai phạm và quyết định hình thức xử lý cần yêu cầu đương sự trình bày, giải thích và xem xét chu đáo, thận trọng.
+ Quyết định xử phạt các vi phạm theo biện pháp phạt thông thường (phạt cảnh cáo, phạt tiền) thì phạt trực tiếp tại chỗ; Nếu phạt có bổ sung các biện pháp hành chính khác (lập bên bản, tạm đỉnh chỉ, tạm giữ giấy tờ, dụng cụ của người vi phạm, bắt bồi thường hư hại) hoặc chuyển lên cấp trên giải quyết thì phải thông báo cho đương sự biết.
Biên lai, biên bản xử phạt sử dụng đúng mẫu quy định, phải có đóng dấu đơn vị ở góc trái - phía trên. Người ký phải ghi rõ họ tên, chức vụ thanh tra - Biên lai, biên bản giao cho đương sự 1 bản.
c. Kết thúc kiểm tra: phải rút kinh nghiệm ngay và báo cáo kịp thời lên cấp trên giải quyết những trường hợp vượt quá thẩm quyền, quản lý tiền phạt, các giấy tờ dụng cụ thu giữ theo quy định.
III. TÁC PHONG - NỘI VỤ CỦA LỰC LƯỢNG THANH TRA
1. Tác phong:
a. Khi làm nhiệm vụ thanh tra hoặc dự cuộc họp liên quan đến thanh tra, lực lượng thanh tra phải mặc đầy đủ, nghiêm chỉnh trang phục thanh tra và mang theo giấy chứng nhận Thanh tra GTVTĐT.
Làm việc trong nhà có thể bỏ mũ đặt ngay ngắn trên bàn, phù hiệu hướng về phía đối tượng làm việc, nhưng khi làm việc ngoài trời nhất thiết phải đội mũ.
Không được mặc trang phục thanh tra đến những nơi sinh hoạt công cộng khác.
b. Tác phong làm việc khẩn trương, nói năng dứt khoát.
2. Nội vụ đơn vị Thanh tra:
a. Phòng làm việc, tiếp khách của Thanh tra các cấp phải ngăn nắp gọn gàng, tring phòng có bố trí; bảng ghi 10 nhiệm vụ của Trạm, bản vẽ sơ đồ tuyến quản lý, bản vẽ quy tắc báo hiệu và có đầy đủ tài liệu có liên quan đến công tác thi hành luật lệ.
b. Thực hiện chế độ giao ca, giao ban hàng ngày hàng tuần.
c. Ngoài thời gian kiểm tra - thanh tra và lao động trực tiếp, từng cấp thanh tra phải tổ chức sinh hoạt trau dồi nghiệp vụ công tác và định kỳ hàng năm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra ở cấp Xí nghiệp, Liên hiệp.
IV. TIÊU CHUẨN THANH TRA VIÊN CHUYÊN NGÀNH
1. Về năng lực:
a. Có trình độ chuyên môn kỹ thuật - nghiệp vụ đường thuỷ từ trung cấp trở lên và thâm niên làm công tác quản lý đường thuỷ ít nhất 3 năm - Trước mắt có thể là CNKT đường thuỷ bậc cao với thâm niên quản lý đường thuỷ từ 10 năm trở lên.
b. Nắm vững luật lệ giao thông, thể chế vận tải đường thuỷ và các luật pháp, chính sách cơ bản của Nhà nước.
c. Đã học chương trình bồi dưỡng thanh tra theo nội dung chương trình của Liên hiệp.
d. Có sức khoẻ và hình thể cân đối để đảm đương được nhiệm vụ, có khả năng giao tiếp, nói năng lưu loát.
2. Về phẩm chất: Trung thực, thẳng thắn, gắn bó với nghề nghiệp.
V. QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ THANH TRA
Ngoài các đối tác do LH quản lý trực tiếp, những chức danh thanh tra khác do LH quyết định danh sách và quản lý thống nhất như sau:
1. Hàng năm. Xí nghiệp xây dựng kế hoạch sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh tra cả Xí nghiệp báo cáo Liên hiệp.
a. Với những người có đủ tiêu chuẩn cần bố trí làm thanh tra Xí nghiệp lập hồ sơ đề nghị Liên hiệp quyết định và cấp giấy chứng nhận thanh tra. Hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị của Giám đốc Xí nghiệp
+ Danh sách trích ngang lý lịch và mỗi người gửi 2 ảnh 3 x 4
b. Khi điều động thuyên chuyển người ra khỏi lực lượng thanh tra, xí nghiệp ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận và báo cáo Liên hiệp kèm theo giấy chứng nhận đã thu hồi.
2. Những thanh tra thuộc diện Liên hiệp quản lý cán bộ trực tiếp, hàng năm Xí nghiệp phải nhận xét và đề nghị khen thưởng - nâng lương - kỷ luật (nếu có).
Những diện còn lại do Xí nghiệp quyết định và gửi báo cáo kịp thời về Liên hiệp.
Trên đây là những quy định cơ bản về chế độ công tác thanh tra chuyên ngành. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn vướng mắc, các đơn vị gửi kiến nghị bằng văn bản để LH nghiên cứu giải quyết.
| Nguyễn Văn Trường (Đã ký) |