Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0701/TM-CATBD
V/v thực hiện các điều ước song phương Việt - Lào

Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 2004

 

Kính gửi: Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá XI

Phúc Công văn số 606/UBĐN ngày 03 tháng 02 năm 2004 của Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá XI, Bộ Thương mại báo cáo một số nét tình hình thực hiện các điều ước song phương Việt Nam - Lào thuộc lĩnh vực thương mại dưới đây:

I. NHỮNG ĐIỀU ƯỚC BỘ THƯƠNG MẠI THAY MẶT CHÍNH PHỦ KÝ KẾT VỚI LÀO TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

Những năm vừa qua và hiện nay, quan hệ thương mại Việt - Lào được xác lập, hình thành và phát triển thông qua sự Điều chỉnh chủ yếu của các Hiệp định Thương mại, Hiệp định quá cảnh và những nội dung liên quan đến Hiệp định hợp tác kinh tế - văn hoá khoa học kỹ thuật hàng năm giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.

1. Hiệp định Thương mại

- Hiệp định Thương mại đầu tiên giữa hai nước được ký ngày 13 tháng 7 năm 1961 giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Công hoà với Chính phủ Vương quốc Lào.

- Sau khi nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập (tháng 12 năm 1975), thời kỳ 1976 - 1990, hai Nhà nước Việt Nam và Lào đã ký các Hiệp định Thương mại 5 năm và các Nghị định thư thương mại hàng năm.

- Tháng 2/1991, Hiệp định Thương mại thời kỳ 1991 - 1995 được ký giữa hai Chính phủ, hai bên thoả thuận chấm dứt hình thức ký Nghị định thư trao đổi hàng hoá hàng năm.

- Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng Hoà Dân chủ Nhân dân Lào đang điều chỉnh mối quan hệ thương mại hiện nay giữa hai nước được Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, thừa Uỷ quyền Chính phủ ký với Bộ trưởng Thương mại Lào Phumi Thipphavone, thừa Uỷ quyền Chính phủ Lào, ký ngày 09 tháng 3 năm 1998 tại Vientiane.

Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 3 năm, và sẽ được mặc nhiên gia hạn từng năm một, trừ trường hợp Một Bên ký kết bày tỏ ý muốn chấm dứt Hiệp định bằng văn bản.

2. Hiệp định quá cảnh hàng hoá Việt - Lào

- Được Bộ trưởng Thương mại nước ta thay mặt Chính phủ ký ngày 3 tháng 4 năm 1994 tại Hà Nội.

- Được Thứ trưởng Bộ Thương mại nước ta thay mặt Chính phủ ký ngày 18 tháng 01 năm 2000 về Hiệp định sửa đổi bổ sung một số điều của Hiệp định quá cảnh ngày 23 tháng 4 năm 1994.

3. Những nội dung liên quan đến lĩnh vực thương mại như danh mục hàng hoá miễn giảm thuế nhập khẩu, thanh toán nợ mậu dịch thời kỳ 1976 - 1981, tín dụng hàng hoá, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới, quản lý chợ biên giới, trung tâm thương mại, phối hợp chống buôn lâu... trong Hiệp định hợp tác kinh tế văn hoá khoa học kỹ thuật hàng năm 1997 trở lại đây giữa hai Chính phủ do đồng chí Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch phân ban hợp tác Việt - Lào ký, thay mặt Chính phủ ký với Chính phủ Lào.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU ƯỚC NÊU TRÊN

a. Về Hiệp định thương mại

Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, được Bộ trưởng Thương mại, thay mặt Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào ký tháng 3 năm 1998, cho đến nay về cơ bản đã và đang phát huy được tác dụng chỉ đạo, Điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước, phù hợp với tình hình mới và cơ chế quản lý mới của mỗi nước. Trong quá trình thực hiện, những điều khoản của Hiệp định đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và Lào.

- Hai bên đã khuyến khích mua bán các loại hàng hoá, trừ các mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu của mỗi nước vào tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với các loại hàng hoá đó theo đúng pháp luật hiện hành của mỗi nước và thông lệ quốc tế (Điều 2); không còn áp đặt danh mục số lượng, giá trị mặt hàng trao đổi giữ hai nước như giai đoạn trước đây.

- Hiệp định đã cho phép việc mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thương mại được tiến hành trên cơ sở các hợp đồng ký kết giữa các doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại của hai nước (Điều 4); cho phép mở rộng ra tất cả các doanh nghiệp, không còn việc chỉ định một số doanh nghiệp như giai đoạn trước đây.

- Hiệp định cho phép áp dụng các phương thức mua bán hàng hoá; cung ứng dịch vụ, kể cả hình thức đổi hàng... phù hợp với pháp luật của mỗi nước (Điều 5), giá cả dựa trên giá của thị trường thế giới cho các doanh nghiệp của hai nước thoả thuận.

- Điều khoản của Hiệp định còn khuyến khích các hợp đồng xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ triển lãm, thành lập các gian hàng, giới thiệu sản phẩm (Điều 8).

Những thuận lợi nêu trên của Hiệp định đã góp phần thúc đẩy quan hệ buôn bán của hai nước không ngừng được tăng cao. Năm 1998 kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 216 triệu USD; riêng năm 1999 đạt 359 triệu USD.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại, cũng có gặp những khó khăn nhất định như vấn đề thanh toán. Điều 7 của Hiệp định quy định mọi khoản thanh toán có liên quan đến mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp hai nước được thực hiện quan ngân hàng, tuy vậy không ít trường hợp các doanh nghiệp trong quá trình trao đổi đã không tuân thủ Hiệp định, không thanh toán qua ngân hàng, mà trao đổi trực tiếp bằng tiền mặt, đã gặp những rủi ro.

b. Về Hiệp định quá cảnh hàng hoá

- Hiệp định quá cảnh hàng hoá được ký giữa hai Chính phủ ngày 23 tháng 4 năm 1994, có thời hạn hiệu lực 5 năm và đã được sửa đổi bổ sung đầu năm 2000.

Thời gian qua, dưới sự điều chỉnh của Hiệp định quá cảnh, đặc biệt đối với Lào là nước không có biển, Hiệp định quá cảnh đã góp phần tạo thuận lợi cho hàng hoá của nước bạn được xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc nhập khẩu từ nước thứ ba, hoặc hàng hoá của địa phương này vận chuyển sang địa phương khác của nước Lào được phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời Hiệp định quá cảnh cũng đã tạo điều kiện cho hàng hoá của ta xuất khẩu sang nước thứ ba cũng như nhập khẩu từ nước thứ ba được phép quá cảnh lãnh thổ Lào một cách thuận lợi.

- Các điều khoản của Hiệp định quá cảnh giữa hai nước đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế của mỗi nước phạm tội, đưa hàng hoá về phục vụ kịp thời đời sống của nhân dân hai nước.

- Trên cơ sở Hiệp định quá cảnh hàng hoá và các quyết định cụ thể của Bộ Thương mại Việt Nam và Lào đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về các thủ tục vận chuyển hàng quá cảnh.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Hiệp định quá cảnh, có thời điểm một số doanh nghiệp của Việt Nam không khỏi gặp khó khăn khi đưa hàng quá cảnh từ Thái về cửa khẩu đường 9, đã phàn nàn hải quan địa phương của bạn Lào lấy mức lệ phí quá cảnh cao làm cho doanh nghiệp không thể kinh doanh có lãi, khác với tinh thần chỉ đạo của Hiệp định (Điều 7) vì mức phí cao không phù hợp với thông lệ quốc tế.

c. Ngoài hai Hiệp định Thương mại và Hiệp định quá cảnh hàng hoá Việt Nam và Lào nêu trên, điều chỉnh mối quan hệ thương mại giữa hai nước; hàng năm tại Hiệp định Hợp tác kinh tế - văn hoá khoa học kỹ thuật giữa hai Chính phủ do Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt - Lào thay mặt Chính phủ ký, đều đề cặp đến một số nội dung liên quan đến hoạt động thương mại như tín dụng hàng hoá, danh mục mặt hàng miễn giảm thuế, thanh toán nợ mậu dịch thời kỳ 1976 - 1981, quản lý chợ biên giới, xây dựng Trung tâm thương mại Việt Nam tại Lào... Mặc dù Bộ trưởng Thương mại không thay mặt Chính phủ ký Hiệp định này nhưng với tư cách là thành viên tham dự kỳ họp hàng năm của Uỷ ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam - Lào; Bộ Thương mại đều cử các đại diện tham dự cấp Lãnh đạo Bộ hoặc cấp Vụ tham gia ý kiến cụ thể với tinh thần trách nhiệm vào dự thảo Hiệp định những vấn đề liên quan đến thương mại.

Tình hình thực hiện những nội dung liên quan nêu trên, hàng năm Bộ Thương mại đã tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và kịp thời.

Tuy vậy, có những vấn đề triển khai không suôn sẻ do còn có những ý kiến khác nhau với bạn Lào trong việc bảo lãnh của Chính phủ Lào đối với vấn đề tín dụng hàng hoá cho Lào hoặc triển khai xây dựng Trung tâm thương mại gặp khó khăn về nguồn vốn xây dựng.

III. KIẾN NGHỊ

Hiệp định Thương mại và Hiệp định quá cảnh hàng hoá Việt - Lào là hai điều ước quốc tế quan trọng đã và đang điều chỉnh, phát huy tác dụng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cho rằng, Hiệp định thương mại Việt - Lào là một Hiệp định khung có tính nguyên tắc chung, và Hiệp định quá cảnh hàng hoá quy định các điều khoản vừa mang tính nguyên tắc vừa mang tính cụ thể đối với hàng quá cảnh của mỗi nước qua lãnh thổ của nhau. Trong thời gian từ nay đến hết 2005 hoặc 2006, các Hiệp định này vẫn tiếp tục phát huy tác dụng. Trong quá trình thực hiện chưa thấy có ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam và Lào cũng như của các ngành hữu quan hai nước đề nghị xem xét điều chỉnh, do vậy Bộ Thương mại kiến nghị Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khoá XI cho phép hai Hiệp định Thương mại và Hiệp định quá cảnh hàng hoá tiếp tục được áp dụng cho đến 2006. Đến thời hạn nêu trên nếu phía Bạn có kiến nghị xem xét sửa đổi bổ sung hoặc ký lại Hiệp định, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi cụ thể về dự thảo của các Hiệp định này trình hai Chính phủ ký cho áp dụng trong thời kỳ mới.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Phan Thế Ruệ