BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10016/BGDĐT-GDTrH | Hà Nội, ngày 8 tháng 09 năm 2006 |
Kính gửi: | - Các sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đăk-Lăk, Vĩnh Long, Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre, Phú Yên, Đồng Nai. |
Thỏa thuận khung cho Dự án hợp tác triển khai Chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp được thực hiện từ 1994 đã kết thúc vào tháng 7 năm 2006.
Sau 12 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã thu được những kết quả tốt đẹp, đạt được các Mục tiêu đề ra và được đánh giá là một chương trình chất lượng cao.
Để tiếp nối các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác Pháp ngữ, một đề án hợp tác mới đa đối tác sẽ được triển khai từ năm 2006 nhằm hỗ trợ các hệ giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam từ cấp tiểu học đến đại học, trong đó có chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp.
Thực hiện Quyết định số 31/2006/QĐ-BGDĐT , ngày 28/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về biên chế năm học 2006-2007 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm, đồng thời căn cứ vào “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2006-2007” của giáo dục trung học, Bộ hướng dẫn các Sở tham gia Chương trình thực hiện những nội dung sau đây:
I. HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Cần tiếp tục quan tâm củng cố Chương trình về mặt quản lý và chất lượng dạy-học.
Chỉ đạo và theo dõi việc dạy-học trên cơ sở các Hướng dẫn giảng dạy bộ môn được gửi tới các sở, các trường. Cần lưu ý Mục tiêu tổng thể của Chương trình nhằm, một mặt đảm bảo cho học sinh nắm vững tiếng Pháp, mặt khác từng bước sử dụng ngôn ngữ này như một công cụ để tiếp thu kiến thức khoa học thông qua các môn học được dạy bằng tiếng Pháp. Chương trình giảng dạy và các tài liệu sư phạm sẽ giúp học sinh mở rộng hiểu biết về thế giới, nắm vững hơn những kiến thức mà các em đã học bằng tiếng Việt, đặc biệt là phát triển ở các em các kỹ năng và phương pháp học tập mới.
2. Ngoài hệ 12 năm (hệ A), các Sở căn cứ vào nhu cầu của học sinh và Điều kiện của địa phương có thể đề nghị được mở lại Chương trình tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp 7 năm hệ B, hoặc các lớp tiếng Pháp tăng cường (không học các môn khoa học bằng tiếng Pháp), bắt đầu từ lớp 6.
3. Duy trì các lớp tiếng Pháp theo chương trình phổ thông “đại trà” hiện hành bên cạnh các lớp tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp trong mạng lưới trường, lớp liên thông nhằm tạo Điều kiện cho học sinh được theo học liên tục tiếng Pháp (tiếng nước ngoài) trong suốt quá trình học tập ở trường phổ thông.
4. Tiếp tục đưa tiếng Anh vào dạy ở các lớp tiếng Pháp tăng cường như NN2, với thời lượng 2- 3 Tiết/tuần ở những nơi có Điều kiện, bắt đầu từ lớp 6 cho những học sinh đã học tiếng Pháp từ tiểu học (lộ trình A) và từ lớp 10 cho những học sinh đã học tiếng Pháp từ lớp 6 và học sinh đã bắt đầu học tiếng Pháp từ tiểu học nhưng chưa học tiếng Anh NN2 ở cấp THCS. Sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh mới hệ 7 năm cho lớp 6, sách giáo khoa tiếng Anh hệ 3 năm hiện hành cho các lớp bắt đầu từ cấp trung học phổ thông. Đối với các lớp đã dạy học tiếng Anh NN2 từ những năm trước, sử dụng tài liệu giáo khoa như đã đăng kí với Bộ và được hướng dẫn từ lúc mở lớp.
5. Tiếp tục ổn định việc giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Pháp. Cần tạo Điều kiện để tất cả học sinh của Chương trình được học đầy đủ và có chất lượng môn Toán và môn Vật lý bằng tiếng Pháp để được cấp Chứng chỉ Pháp ngữ toàn phần.
6. Tạo Điều kiện tuyển vào biên chế những giáo viên đã được tuyển chọn giảng dạy trong Chương trình và các giáo viên mới, có năng lực chuyên môn tốt, làm việc nghiêm túc, yêu nghề để đảm bảo đủ giáo viên dạy các môn học được quy định trong Chương trình.
7. Từ tháng 7/2006, theo tinh thần của Dự án hợp tác mới, các đối tác Pháp ngữ sẽ thôi không trả phụ cấp lương cho giáo viên tiếng Pháp và giáo viên khoa học bằng tiếng Pháp làm việc trong Chương trình. Để chuẩn bị cho bước chuyên giao tài chính này, ngay từ năm 2003, Bộ đã hướng dẫn các Sở đảy mạnh tuyển giáo viên vào biên chế và xã hội hóa giáo dục để trả phụ cấp lương. Hầu hết các Sở đã tuyển vào biên chế giáo viên dạy trong Chương trình, những giáo viên này đã hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và phụ cấp lương bằng nguồn thu từ xã hội hoá hoặc ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, còn một số địa phương vẫn chưa tuyển vào biên chế số giáo viên đã làm việc nhiều năm dẫn đến tình trạng giáo viên dạy trong chương trình chưa được trả lương bằng ngân sách nhà nước, mặt khác việc thu đóng góp xã hội hóa theo mức đã quy định sẽ không đủ chi trả lương cho giáo viên dạy kiêm nhiệm, thỉnh giảng và phụ cấp lương theo định mức áp dụng cho đến nay. Về giải pháp lâu dài, để duy trì, củng cố và tăng cường đội ngũ giáo viên, giải quyết vấn đề kinh phí trả lương và phụ cấp lương, các địa phương cần tuyển đủ giáo viên vào biên chế hoặc ký hợp đồng dài hạn, để họ được trả lương từ ngân sách nhà nước, nguồn thu xã hội hóa chỉ để trả phụ cấp lương, các giờ dạy kiêm nhiệm và các hoạt động phục vụ giảng dạy, học tập. Trường hợp chưa thể thực hiện giải pháp này, các Sở đề xuất với UBND tỉnh dùng ngân sách địa phương hoặc tăng mức đóng góp xã hội hóa giáo dục trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh, để đủ chi trả đối với giáo viên giảng dạy trong năm học này.
8. Từ năm học 2006-2007, Đại sứ quán Pháp sẽ tài trợ kinh phí mua bản quyền in ấn các sách giáo khoa của Pháp dùng trong Chương trình. Các trường cho học sinh mượn sách đã cấp trong các năm học trước và thu lại vào cuối năm học để học sinh năm sau sử dụng. Năm học 2006-2007, các sách giáo khoa tiếng Pháp lớp 10, 11, 12 hệ A dùng trong các năm học trước sẽ được thay thế bằng phiên bản mới được biên soạn năm 2006. Các Sở, Trường cần đăng kí số lượng cần mua các cuốn sách này và các cuốn sách ở cấp Tiểu học với Trung tâm thi Pháp ngữ. Trường hợp học sinh muốn có sách sử dụng riêng hoặc các trường cần bổ sung những sách còn thiếu cũng cần đăng kí cụ thể với Trung tâm thi Pháp ngữ.
9. Từ năm học 2006-2007, sẽ xây dựng mạng lưới giáo viên cốt cán mới cho tất cả các hệ giảng dạy tiếng Pháp trong giáo dục phổ thông. Các giáo viên cốt cán sẽ do Bộ hoặc Sở bổ nhiệm và được tiếp tục bồi d-ỡng để giúp Sở quản lý tốt về mặt chuyên môn các chương trình tiếng Pháp.
10. Trung tâm thi Pháp ngữ tiếp tục quản lý, tổ chức các kỳ thi hết cấp THCS, hết cấp THPT và cấp chứng chỉ Pháp ngữ. Chứng chỉ cuối cấp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo và một đối tác Pháp ngữ ký, có giá trị quốc tế.
11. Thực hiện kiểm tra định kì trong suốt quá trình học tập. Trung tâm thi Pháp ngữ (CEF) sẽ gửi về các Sở các đề nguồn kiểm tra học kỳ do Trợ lý sư phạm biên soạn để các Sở tham khảo biên soạn đề kiểm tra. Qui định cụ thể về kiểm tra và đánh giá thực hiện theo Hướng dẫn số 13605/THPT, ngày 13/12/2001.
12. Các trường cần làm đầy đủ học bạ song ngữ cho tất cả học sinh các cấp, lưu ý là học bạ ở cấp THCS sẽ được sử dụng tiếp ở cấp THPT.
II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
1. Tổ chức dạy - học
1.1 Đối với cấp Tiểu học,
a. Về nội dung dạy-học, thực hiện như nêu trong tài liệu hướng dẫn giảng dạy đối với cấp tiểu học.
b. Về thời lượng, duy trì 420 phút cho các hoạt động trên lớp (12 Tiết học 35 phút trong tuần). Việc phân chia thời khoá biểu cụ thể do hiệu trưởng thực hiện trên cơ sở chia đều các Tiết học trong tuần, tránh tập trung nhiều Tiết trong một buổi học. Không dạy ra ngoài nội dung, kiến thức theo quy định của chương trình, không tổ chức dạy thêm để tránh sự quá tải đối với học sinh nhỏ tuổi ở bậc học này.
c. Về sách giáo khoa, dùng bộ sách “Petite Grenouille 1 & 2” cho các lớp 1, 2 và 3; dùng sách “Ici et Ailleurs 4è” và sách “Ici au Vietnam 4è” cho lớp 4 ; dùng sách “Ici et Ailleurs 5è” và sách “Ici au Vietnam 5è” cho lớp 5.
Một bộ tài liệu tăng cường cho chương trình đã được sử dụng bắt đầu từ năm học 2004-2005. Những tài liệu này cho phép hoàn thiện các hoạt động dạy/học, thể hiện rõ ràng chương trình tiểu học và đảm bảo sự thành công. Đó là các tài liệu sau đây :
- Conseils pour les animations dans les classes bilingues au niveau primaire, tập 1 và tập 2 ;
- Dossier de renforcement 3e année Classes bilingues Vietnam, tập 1 và tập 2 ;
- Réaménagement du programme de français et de culture francophone en classes de 4e et 5e.
- Phân phối chương trình môn Toán các lớp 4, 5.
- Bảng Điều chỉnh chương trình “Eveil” các lớp 4, 5.
1.2 Đối với cấp Trung học cơ sở:
1.2.1 Lộ trình A
a. Về nội dung dạy - học thực hiện như nêu trong tài liệu hướng dẫn giảng dạy các bộ môn cho lộ trình A.
b. Về thời lượng, đảm bảo 12 Tiết / tuần chung cho cả tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp trong đó :
Ở lớp 6, thực hiện môn Toán: 3 Tiết / tuần; môn tiếng Pháp: 9 Tiết / tuần.
Ở các lớp 7, 8 và 9, thực hiện môn tiếng Pháp: 7,5 Tiết / tuần (HKI:8 Tiết, HKII: 7 Tiết) ; môn Vật lý: 1,5 Tiết / tuần (HKI:1 Tiết, HKII: 2 Tiết); môn Toán: 3 Tiết / tuần.
Nơi nào chưa tổ chức dạy đủ các môn khoa học, cần đảm bảo dạy 8 Tiết tiếng Pháp/tuần.
c. Về sách giáo khoa:
Đối với môn tiếng Pháp, dùng bộ sách “ Ici et Ailleurs’’
Đối với môn Toán các lớp 6, 7, 8 và 9, dùng bộ sách giáo khoa “Triangle”.
Đối với môn Vật lý các lớp 7, 8 và 9, dùng tài liệu biên soạn theo chủ đề (Dossiers thématiques).
1.2.2 Lộ trình B
a. Về thời lượng, đảm bảo 9 Tiết/tuần : ở lớp 6 gồm 7 Tiết tiếng Pháp/tuần và 2 Tiết
Toán/tuần ; từ lớp 7 đến lớp 9 gồm 6 Tiết tiếng Pháp/tuần, 2 Tiết Toán/tuần và 1 Tiết Vật lý/tuần.
b. Về sách giáo khoa:
Đối với môn tiếng Pháp, dùng SGK tiếng Pháp (hệ 7 năm biên soạn tại CIEP) và các tài liệu bổ trợ.
Đối với môn Toán các lớp 6, 7, 8 và 9, dùng bộ sách giáo khoa “Triangle”.
Đối với môn Vật lý các lớp 7, 8 và 9, dùng tài liệu biên soạn theo chủ đề (Dossiers thématiques).
c. Về giảng dạy hai môn Toán và Vật lý, giáo viên cần thích ứng bài giảng với trình độ tiếng Pháp của học sinh lộ trình B, kết hợp với giáo viên môn tiếng Pháp trong việc cung cấp cho học sinh từ vựng và những khái niệm cơ bản về Toán và Vật lý, nhất là trong hai năm học đầu cấp, huy động các kiến thức bộ môn mà học sinh đã tích lũy trong chương trình bằng tiếng Việt, sao cho đến bậc THPT, học sinh hệ B có thể học hai môn này với nhịp độ và yêu cầu tương đương với học sinh hệ A.
1.2.3 Các lớp tiếng Pháp tăng cường
Thực hiện giảng dạy môn tiếng Pháp theo chương trình, thời lượng, sách giáo khoa, và kiểm tra đánh giá môn học này của chương trình Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp lộ trình B.
1.3 Đối với cấp Trung học phổ thông, chung cho cả 2 lộ trình A và B
a. Nội dung dạy-học thực hiện như nêu trong tài liệu hướng dẫn giảng dạy các bộ môn viết cho lộ trình A và B.
b. Về thời lượng, đảm bảo 12 Tiết / tuần trong đó môn Toán : 3 Tiết / tuần ; môn Vật lý : 2 Tiết / tuần, môn tiếng Pháp: 7 Tiết / tuần.
c. Về sách giáo khoa:
Ở lộ trình A, sử dụng các cuốn “Recueil de textes 10e A”, “Recueil de textes 11e A”, “Recueil de textes 12e A” biên soạn lại năm 2006 và các sách giáo viên giáo viên tương ứng ( Guides pédagogiques)
Ở lộ trình B, đối với môn tiếng Pháp, dùng SGK “Tiếng Pháp” (SGK hợp tác với Pháp, hệ 7 năm) và các tài liệu bổ trợ.
Đối với các môn Toán và Vật lý, dùng tài liệu biên soạn theo chủ đề (dossiers thématiques) chung cho cả 2 lộ trình.
2. Kế hoạch thi hết cấp THCS và cấp THPT
2.1 Thời gian làm bài thi :
a. Thời gian làm bài thi tiếng Pháp (kể cả thời gian nghe băng) đối với lớp 9 là 120 phút ; đối với lớp 12 là 180 phút.
b. Thời gian làm bài ở mỗi bài thi khoa học đối với lớp 9 được quy định là 60 phút; đối với lớp 12 là 120 phút.
2.2 Kiểm tra Điều kiện dự thi :
Các sở :
- Kiểm tra hồ sơ học bạ của học sinh và chỉ cho thi những học sinh có đủ Điều kiện dự thi.
- Gửi học bạ học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp THPT Trung tâm thi Pháp ngữ trước ngày 5-6-2007 để có đủ hồ sơ xét duyệt kết quả thi.
2.3 Lịch thi :
a. Đối với lớp 9 THCS: ngày 10 - 06 - 2007
b. Đối với lớp 12 THPT : các ngày 16 và 17 - 06 - 2007
2.4 Hình thức thi : Thi nói và thi viết.
a. Thi nói môn tiếng Pháp : dành cho lớp 11 lộ trình A. Nội dung thi chủ yếu dựa vào chương trình lớp 11; tổ chức thi trong tháng 5/ 2007 (ngày cụ thể sẽ thông báo sau). Bài thi có thời gian là 15 phút. Kết quả bài thi nói sẽ được tính vào Điểm thi cấp Chứng chỉ Pháp ngữ vào cuối lớp 12 và chiếm tỷ trọng 20% (2 Điểm trên tổng số 10 Điểm).
b. Thi viết :
• Đối với bài thi tiếng Pháp lớp 9 cũng như lớp 12, học sinh sẽ được đánh giá qua các phần : nghe hiểu, đọc hiểu, kiến thức ngữ pháp, kiến thức văn hoá của Cộng đồng Pháp ngữ và diễn đạt viết.
• Đối với bài thi các môn khoa học bằng tiếng Pháp, học sinh lớp 9 làm hai bài thi bắt buộc : Toán và Vật lý bằng tiếng Pháp; học sinh lớp 12 làm 2 bài thi bắt buộc là Toán và Vật lý bằng tiếng Pháp. Học sinh lớp 12 được chọn hệ số của các môn thi theo một trong hai cách sau:
- Tiếng Pháp hệ số 2, Toán, Vật lý hệ số 1.
- Toán hệ số 2, tiếng Pháp và Vật lý hệ số 1.
2.5 Tổ chức coi thi và chấm thi: Bộ sẽ gửi hướng dẫn riêng trước khi tổ chức kì thi.
3. Tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10 :
3.1 Tuyển sinh vào lớp 1 song ngữ cho năm học 2007-2008 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6 năm 2007 (ngày cụ thể sẽ được thông báo sau). Các trường không thể tổ chức tuyển sinh vào đợt này, hoặc tuyển sinh chưa đủ có thể tổ chức tuyển tiếp vào đợt 2 dự kiến vào đầu tháng 8-2005, nhưng phải đăng kí với Bộ.
3.2 Tuyển sinh vào lớp 6 song ngữ : học sinh lớp 5 đạt Điểm trung bình cộng môn Toán và môn tiếng Việt cả năm từ 8 trở lên, có Điểm trung bình cộng của các môn tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp từ 6 trở lên (thang Điểm 10), được chuyển thẳng vào các lớp 6 tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp (lộ trình A). Học sinh đạt Điểm trung bình cộng dưới 6 có thể học theo chương trình tăng cường tiếng Pháp để được nhận chứng chỉ C tiếng Pháp sau lớp 12 hoặc có thể theo học chương trình tiếng nước ngoài (TNN) hiện hành.
3.3 Tuyển sinh vào lớp 10 song ngữ : học sinh tốt nghiệp THCS đạt loại khá trở lên, đạt Điểm trung bình cộng của các bài thi các môn tiếng Pháp và khoa học bằng tiếng Pháp từ 6 trở lên, được xét tuyển vào lớp 10. Học sinh đạt Điểm trung bình cộng các bài thi các môn tiếng Pháp và khoa học bằng tiếng Pháp từ 5 đến 5,9 (trong đó có Điểm bài thi tiếng Pháp từ 7 trở lên) được xét tuyển vào học lớp tăng cường tiếng Pháp (không học các môn khoa học bằng tiếng Pháp); học sinh đạt Điểm trung bình cộng các bài thi các môn tiếng Pháp và khoa học bằng tiếng Pháp dưới 5 sẽ học theo chương trình tiếng Pháp TNN hiện hành.
Đề nghị các Sở GD&ĐT chủ động triển khai thực hiện và báo cáo ngay về Bộ GDĐT tình hình đầu năm học 2006-2007. Trong quá trình thực hiện có vấn đề khó khăn, vướng mắc cần liên hệ với Bộ (Văn phòng thường trực và Trung tâm thi Pháp ngữ) để giải quyết.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 1947/BGDĐT-GDTrH năm 2016 hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp trong khuôn khổ Chương trình song ngữ và tăng cường tiếng Pháp, năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Quyết định 31/2006/QĐ-BGDĐT về biên chế năm học 2006 – 2007 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành