Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
-------

Số: 1039/BXD-HTKT
V/v Nhiệm vụ xây dựng mốc giới của các địa phương có biên giới Việt Nam - Lào

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2008

 

Kính gửi :

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum.

 

Căn cứ Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 30/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào.
Căn cứ Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 24/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào.
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng hướng dẫn nội dung cụ thể của nhiệm vụ công tác xây dựng cột mốc trên địa bàn các tỉnh như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG: Xây dựng mốc giới là loại công trình xây dựng quan trọng có ý nghĩa về an ninh, quốc phòng và công trình sẽ tồn tại vĩnh cửu theo thời gian, vì vậy công tác xây dựng và quản lý xây dựng phải được đặc biệt quan tâm từ khâu khảo sát địa chất, thiết kế, thi công xây dựng, kiểm tra chất lượng, nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng theo các quy định của pháp luật về xây dựng.

II. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA ĐỊA PHƯƠNG:

2.1 Chỉ định đơn vị tư vấn thiết kế, khảo sát và nhà thầu thi công xây dựng để thực hiện các công việc:

a) Khảo sát địa chất công trình hoặc khảo sát đo đạc địa hình (nếu có) tại vị trí mốc đã được xác định;

b) Lập bản vẽ thiết kế thi công bao gồm thiết kế nền, móng cột mốc ( bao gồm cả thiết kế xử lý nền móng đối với nơi có nền đất yếu ), thiết kế thi công đế mốc, bệ hoặc sân cũng như lắp đặt cột mốc (đề nghị tham khảo thiết kế điển hình của Bộ Xây dựng).

Riêng đối với cột mốc tại cửa khẩu quốc tế ( mốc đại ) bổ sung các nhiệm vụ sau:

+ Dựa vào điều kiện địa hình cụ thể và vị trí mốc được xác định (trên chính đường biên - mốc đơn hoặc hai bên đường biên - mốc đôi) khảo sát địa hình tỷ lệ 1/200 hoặc 1/500 để lập thiết kế quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực dự kiến xây dựng mốc đại; Thiết kế quy hoạch cần có ý kiến thống nhất với phía Lào.

+ Trên cơ sở kết quả khảo sát địa chất thiết kế móng, đế và sân cột mốc.

+ Hồ sơ thiết kế quy hoạch và thiết kế móng cột mốc gửi về Bộ Xây dựng cho ý kiến thoả thuận trước khi phê duyệt.

c) Trên cơ sở thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình hoàn thiện báo cáo kinh tế kỹ thuật ( kể cả thiết kế QH kiến trúc cảnh quan - nếu có) theo quy định trình UBND tỉnh phê duyệt.

d) Tiếp nhận cột mốc do Bộ Xây dựng cung cấp.

e) Tổ chức thi công công trình. Trong quá trình thi công phải tiến hành giám sát và kiểm tra chất lượng công trình theo quy định.

f) Tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật xây dựng mốc giới do Bộ Xây dựng tổ chức.

2.2 Sở Xây dựng địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Hướng dẫn thiết kế quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực xây dựng cột mốc tại cửa khẩu quốc tế (mốc đại)

- Hướng dẫn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng từng cột mốc hoặc các công trình có liên quan đến xây dựng cột mốc, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng (ngoài các nội dung chung về xây dựng phải tập trung chủ yếu vào công tác kiểm tra, giám sát chất lượng xây dựng mốc giới)

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh hoặc Bộ Xây dựng giao

2.3 Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khảo sát địa chất, đo đạc địa hình, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổ chức thi công xây dựng và các công việc khác có liên quan đến xây dựng mốc giới do Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh lập dự trù cùng với các nhiệm vụ về cắm mốc của địa phương trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh có biên giới với nước CHDC Nhân dân Lào nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên.
- Bộ Ngoại giao - UB Biên giới quốc gia.
- Sở XD Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum.
- Viện KTQHĐT&NT và Viện KHCN
- Lưu VP, HTKT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Ngọc Chính