Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 11674/BTC-CST

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2006.

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo Thông tư 105/2005/TT-BTC ngày 30/11/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2005/NĐ-CP ngày 09/11/2005 của Chính phủ trong thời gian qua, Bộ Tài chính có nhận được ý kiến phản ánh vướng mắc của một số địa phương trong việc xác định cụ thể một số loại khoáng sản thuộc diện chịu phí, thủ tục thu, nộp phí và tỷ lệ quy đổi đơn vị tính của một số loại khoáng sản để thuận tiện cho việc thu, nộp phí. Sau khi trao đổi với các cơ quan chuyên ngành, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

1. “Đất làm gạch, ngói nung” được xếp vào loại “Sét” có mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản 1.500 đồng/tấn.

2. “Đất lam cao lanh” có mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là 5.000 đồng/m3 là loại đất dùng làm gốm sứ.

3. “Đất để san lấp” có mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản 1.000 đồng/m3 là đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình (không phân biệt là công trình sử dụng cho Mục đích sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hay công cộng; công trình có vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước hay không thuộc ngân sách nhà nước…). Trường hợp các đơn vị thực hiện việc đào đất để làm móng công trình, đào đất chỗ cao để đắp vào chỗ thấp trong cùng một công trình hoặc đào phá các móng đường, mặt đường, nền nhà cũ để san lấp ngay trên cùng công trường đang thi công xây dựng thì không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho việc làm đất trong quá trình thi công.

4. “Sỏi” có mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản 4.000 đồng/m3 còn được gọi là cuội, sạn, được dùng làm vật liệu xây dựng, không chứa vàng, platin, đá quý và bán quý (thạch anh mỹ nghệ, saphia…).

5. Về tỷ lệ quy đổi đơn vị tính trong thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản:

- Đối với quy đổi tấn sang m3 và ngược lại từ m3 sang tấn của các loại khoáng sản thực hiện như sau: Trường hợp trong báo cáo thăm dò khoáng sản có xác định tỷ lệ quy đổi thì lấy theo tỷ lệ quy đổi nêu trong báo cáo thăm dò khoáng sản. Trường hợp trong báo cáo thăm dò khoáng sản không có số liệu thì cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan (như: cơ quan tài nguyên môi trường, đơn vị khai thác khoáng sản…) thực hiện đo lường khoáng sản ở trạng thái tự nhiên tại một số vị trí của mỏ, sau đó thông kê và lấy giá trị trung bình làm số liệu cần quy đổi.

- Đối với việc khai thác đá: Theo hướng dẫn tại Thông tư 105/2005/TT-BTC, mức thu phí tính trên một đơn vị sản phẩm khoáng sản tại nơi khai thác (đá nguyên khai, đá hộc). Trường hợp đơn vị khai thác khoáng sản sử dụng máy móc, thiết bị khai thác, chế biến khép kín cần quy đổi đá thành phẩm (sau khi khai thác) về đá nguyên khai để xác định số phí phải nộp thì cơ quan thuế căn cứ vào số lượng đá thành phẩm khai thác được trong tháng chia cho công suất thực tế sử dụng trong tháng, hoặc xác định qua lấy mẫu một đơn vị khoáng sản (đá) cần khai thác và số lượng đá thành phẩm có được sau qua trình khai thác, chế biến khép kín của máy móc, thiết bị để xác định tỷ lệ tính cho phù hợp với từng loại đá được khai thác.

6. Về kết cấu Khoản phí bảo vệ môi trường trong giá thành sản phẩm và cách ghi hóa đơn đối với Khoản phí bảo vệ môi trường của doanh nghiệp khai thác khi xuất bán khoáng sản: Theo quy định tại Khoản 12.8, Mục III phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì “Các Khoản phí, lệ phí mà cơ sở kinh doanh thực nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí” là Khoản chi phí hợp lý trong sản xuất kinh doanh của cơ sở kinh doanh và được trừ để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, đơn vị thực hiện khai thác khoáng sản là đối tượng nộp phí; phí bảo vệ môi trường đã thực nộp vào ngân sách nhà nước là một trong những yếu tố cấu thành nên giá bán của khoáng sản được hoạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đơn vị khai thác khoáng sản khi bán khoáng sản phải sử dụng hóa đơn bán hàng theo quy định và không được ghi phí bảo vệ môi trường thành một dòng riêng trên hóa đơn.

7. Về việc thu, nộp phí đối với đơn vị khai thác khoáng sản ở các địa bàn, các cơ quan thuế quản lý khác nhau:

- Trường hợp doanh nghiệp đóng tại tỉnh A, có hoạt động khai thác đất đá tại tỉnh B phải kê khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho cơ quan thuế của tỉnh B, đồng thời tự tính và nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản vào ngân sach nhà nước tại Kho bạc của tỉnh B (nơi khai thác khoáng sản). Cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp tại tỉnh A có trách nhiệm quản lý, thu các loại thuế khác có liên quan đến hoạt đông sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Trường hợp đối tương nộp thuế do Cục Thuế quản lý có khai thác khoáng sản tại các huyện trong tỉnh thì Cục Thuế phải căn cứ vào quy định hiện hành về phân cấp nhiệm vụ thu và tỷ lệ Điều Tiết giữa các cấp ngân sách trên địa bàn đối với Khoản phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản để hướng dẫn đối tượng nộp phí vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước tỉnh hoặc Kho bạc nhà nước huyện (nơi khai thác khoáng sản) cho phù hợp và thuận tiện. Kho bạc nơi thu tiền phí có trách nhiệm hạch toán Khoản thu phí này vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, Khoản, Mục, tiểu Mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Bộ Tài chính thông báo để Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, hướng dẫn đơn vị thực hiện./. 

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung