BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1179/BTM-XTTM | Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2002 |
Kính gửi: | - Thủ tướng Chính phủ |
Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) đang tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, lĩnh vực trên toàn thế giới. Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan trong việc tiếp cận, nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng TMĐT mặc dù phần lớn các doanh nghiệp đều hiểu được tầm quan trọng của TMĐT trong tương lai gần. Cam kết e-ASEAN mà chúng ta đã ký sẽ tạo ra nhiều thách thức lớn trong thời gian tới nếu như các doanh nghiệp ngay từ bây giờ không chuẩn bị, trang bị cho mình cơ sở hạ tầng cần thiết để tham gia TMĐT thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lại bị bỏ xa và không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới.
Nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT, trong thời gian qua Bộ Thương mại đã giao cho Cục Xúc tiến Thương mại (Cục XTTM) bên cạnh việc thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, còn phải đẩy mạnh việc phát triển TMĐT, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT. Các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: tổ chức các buổi hội thảo, các khoá đào tạo, xuất bản ấn phẩm nhằm nâng cao nhận thức và khả năng ứng dụng CNTT và TMĐT cho các doanh nghiệp trong đó đặc biệt chú trọng tới các doanh nghiệp ở các tỉnh, địa phương không có điều kiện tiếp cận đầy đủ với CNTT, là đầu mối cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chương trình thử nghiệm TMĐT thông qua sự tài trợ, hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế.
Từ tháng 1/2002 được sự hỗ trợ và hợp tác của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), Bộ đã chỉ đạo Cục XTTM phối hợp triển khai Chương trình Cầu nối Thương mại điện tử cho các doanh nghiệp. Mục tiêu chính của chương trình là tạo ra một diễn đàn trao đổi giữa các doanh nghiệp, mạng lưới hỗ trợ (công nghệ và thương mại) và các cơ quan Chính phủ nhằm đánh giá lại thực trạng nhận thức và ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp Việt Nam để từ đó có những hành động cụ thể nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tham gia vào hình thức thương mại đầy mới mẻ này.
Trong hai ngày 21-22/01/2002 tại Hà Nội và 24-25/01/2002 tại Thành phố Hồ Chí Minh hai buổi tọa đàm Cầu nối Thương mại điện tử đã được tổ chức nhằm giới thiệu chương trình đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quan tâm.
I. NỘI DUNG CUỘC TOẠ ĐÀM
· Trình bày về thực trạng TMĐT ở Việt Nam xét trên 3 khu vực: doanh nghiệp, mạng lưới hỗ trợ và môi trường vĩ mô
· Một số doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ đã tham gia TMĐT trong thời gian qua giới thiệu và đánh giá lại những kết quả và kinh nghiệm mà họ đã thu được
· Chia nhóm thảo luận (mỗi nhóm khoảng 10 người) để các thành viên trong nhóm đưa ra các ý kiến về công việc cần thiết và cấp bách đối với việc phát triển TMĐT trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
II. KẾT QUẢ CUỘC TOẠ ĐÀM
Cuộc tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại diện doanh nghiệp, các Bộ (Bộ Thương mại, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), các Hiệp hội (da giầy, may mặc, thuỷ sản,...), các trường đại học, ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (VDC, FPT), một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam (USAID, JETRO, UNDP), các phóng viên báo chí, truyền hình... bởi hình thức chia nhóm thảo luận khá mới mẻ đã tạo ra một diễn đàn trao đổi, đối thoại cởi mở giữa các doanh nghiệp và các cơ quan có nhiệm vụ phát triển TMĐT ở Việt Nam.
- Phần trình bày về tình hình, thực trạng triển khai TMĐT của Việt Nam trong thời gian qua tập trung vào 3 khu vực chính là khu vực doanh nghiệp, mạng lưới hỗ trợ về công nghệ và hỗ trợ xúc tiến thương mại, khu vực chính phủ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các địa biểu tham gia toạ đàm và giới truyền thông.
- Phần giới thiệu kết quả và kinh nghiệm của một số doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ đã tham gia TMĐT trong thời gian qua đã chỉ ra những khó khăn và vướng mắc mà các đơn vị này gặp phải như sau:
· Các doanh nghiệp Việt Nam đều có khả năng tham gia TMĐT tuy nhiên trở ngại lớn nhất đối với họ hiện nay là phí truy cập Internet còn cao trong khi đó đường truyền và tốc độ lại chậm làm cản trở việc tìm kiếm thông tin cũng như duy trì, cập nhật website cho doanh nghiệp
· Mặc dù một số doanh nghiệp đã có website riêng nhưng chưa biết làm thế nào và nhờ đơn vị nào để quảng bá website của mình. Chính vì vậy, hiệu quả của website (bước đầu tiên và rất quan trọng trong việc ứng dụng TMĐT ) của doanh nghiệp còn rất thấp
· Mặc dù chúng ta chưa có bất cứ một văn bản pháp lý chính thức nào về TMĐT nhưng cũng đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm xây dựng và vận hành một số trang web TMĐT và đã thu được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nếu như cơ sở hạ tầng Internet được cải thiện, hệ thống thanh toán trực tuyến ra đời chắc chắn sẽ giúp cho các website TMĐT phát triển hơn nữa
- Phần thảo luận theo các nhóm tại cuộc toạ đàm đã thu được kết quả rất tốt, được các đại biểu tham dự đánh giá cao. Mỗi nhóm thảo luận khoảng 10 người bao gồm đầy đủ các đại diện của ba khu vực (chính phủ, mạng lưới hỗ trợ, doanh nghiệp) đã thẳng thắn trao đổi các vấn đề về TMĐT ở Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị, các hoạt động cần ưu tiên trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển của TMĐT . Căn cứ vào biên bản thảo luận của các nhóm, các ý kiến đưa ra tập trung vào một số điểm sau:
· Thông qua mạng lưới hỗ trợ để tổ chức các buổi hội thảo, các khóa đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp, đặc biệt chú ý tới các doanh nghiệp ở các tỉnh, địa phương còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận về công nghệ thông tin
· Đẩy mạnh việc tổ chức, thực hiện các chương trình thử nghiệm TMĐT nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia
· Nên có một cơ quan điều phối tập trung để thực hiện triển khai TMĐT và có một kênh thông tin trực tiếp giữa doanh nghiệp và Chính phủ để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tham gia đóng góp ý kiến kịp thời các kế hoạch, chính sách về TMĐT bởi doanh nghiệp là đối tượng chính trong mô hình TMĐT phổ biến B2C và B2B
Hiện tại, các chuyên gia của Trung tâm Thương mại quốc tế ITC đang nghiên cứu và xem xét việc phối hợp với Bộ Thương mại, Cục XTTM để tiếp tục triển khai các hoạt động của Chương trình Cầu nối TMĐT hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới (đến tháng 6/2002) và cả trong dài hạn (đến 2005).
Bộ Thương mại nhận thấy việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng TMĐT là công việc rất cần thiết. Thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện rất quan tâm và mong muốn được tham gia vào TMĐT song cần phải có những tổ chức làm đầu mối tập hợp và hướng dẫn để thu được hiệu quả cao. Hiện nay đa phần các doanh nghiệp đều tự mày mò và ứng dụng TMĐT một cách tự phát.
Ngoài khu vực doanh nghiệp, ITC hiện đang đánh giá tổng quát lại môi trường phát triển TMĐT ở Việt Nam để phối hợp với phía Việt Nam đưa ra một danh sách các hoạt động cần ưu tiên ở cả khu vực Chính phủ và mạng lưới hỗ trợ có thể triển khai trong dài hạn (đến 2005). Bộ Thương mại sẽ báo cáo và đề xuất với Chính phủ các hoạt động tiếp theo.
Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ và rất mong nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp cộng tác từ các cơ quan Bộ ngành liên quan để tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp theo nhằm tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng có đủ khả năng tham gia vào phương thức kinh doanh đầy tiềm năng này.
| K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |