BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121/CĐBVN-QLPT&NL | Hà Nội, ngày 9 tháng 01 năm 2008 |
Kính gửi : | - Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 55/2007/QĐ-BGTVT ngày 07/11/2007 ban hành Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ (sau đây viết tắt là Quy chế 55/2007), Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số Điều, khoản như sau :
1. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở đào tạo lái xe :
1.1 Cơ sở đào tạo lái xe là cơ sở dạy nghề, bao gồm các cơ sở dạy nghề công lập, cơ sở dạy nghề tư thục, cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền thành lập theo quy định của Luật Dạy nghề ngày 29/11/2006, có chức năng đào tạo lái xe, có đủ các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe quy định tại Điều 5 Quy chế 55/2007 sẽ được Cục Đường bộ Việt Nam hoặc các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo lái xe.
1.2 Cơ sở đào tạo lái xe tổ chức tuyển sinh trực tiếp. Trước khi đào tạo lái xe ô tô, Thủ trưởng cơ sở đào tạo phải ký hợp đồng đào tạo với người học. Hợp đồng đào tạo là sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở đào tạo và người học, bao gồm các nội dung chủ yếu sau :
a) Trình độ lái xe phải đạt được.
b) Nơi học lý thuyết, nơi học thực hành lái xe.
c) Thời gian học lý thuyết và thực hành, số km thực hành; thời gian kết thúc khóa học theo nội dung, chương trình, kế hoạch khóa đào tạo.
d) Loại phương tiện chủ yếu sử dụng để dạy lái.
e) Học phí phải trả, mức học phí được miễn giảm (nếu có), phương thức thanh toán học phí.
g) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng.
Ngoài các nội dung trên, hai bên có thể giao kết các nội dung khác phù hợp quy định của pháp luật.
1.3 Thủ trưởng cơ sở đào tạo lái xe chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo theo đúng nội dung, chương trình quy định; kiểm tra cấp Chứng chỉ sơ cấp nghề cho người học lái xe ô tô từ ba tháng trở lên, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho người học lái xe ô tô dưới ba tháng và lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến khóa học theo quy chế quản lý dạy nghề của Nhà nước và quy định của Bộ Giao thông vận tải.
a) Đối với cơ sở đào tạo lái xe ô tô, kết thúc các môn học lý thuyết phải có bài kiểm tra.
b) Nội dung kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp nghề gồm 02 phần :
- Phần lý thuyết : sử dụng bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết.
- Phần thực hành : 10 bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường (xe tải hạng C phải được xếp đủ tải khi kiểm tra trên đường).
Việc tổ chức kiểm tra cấp Chứng chỉ sơ cấp nghề có sự giám sát của Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và cơ quan quản lý dạy nghề địa phương.
c) Chứng chỉ sơ cấp nghề (theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 15/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 29/5/2007) và giấy chứng nhận tốt nghiệp (theo mẫu tại phụ lục 1) do cơ sở đào tạo tự in và quản lý.
1.4 Cơ sở đào tạo lái xe sử dụng và ghi chép đầy đủ sổ sách, biểu mẫu phục vụ giảng dạy theo hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam và quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học lái xe bao gồm :
a) Tiến độ đào tạo theo mẫu tại phụ lục 2.
b) Kế hoạch đào tạo theo mẫu tại phụ lục 3.
c) Sổ theo dõi thực hành lái xe theo mẫu tại phụ lục 4.
d) Kế hoạch giáo viên (theo mẫu số 2 của Quyết định 830/1999/QĐ-BLĐTBXH).
e) Sổ lên lớp (theo mẫu số 3 của Quyết định số 830/1999/QĐ-BLĐTBXH).
f) Sổ giáo án lý thuyết (theo mẫu số 5 của Quyết định số 830/1999/QĐ-BLĐTBXH) theo từng khóa học.
g) Sổ giáo án thực hành (theo mẫu số 6 của Quyết định số 830/1999/QĐ-BLĐTBXH) theo từng khóa học.
h) Sổ cấp chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận tốt nghiệp (theo mẫu số 14 của Quyết định số 830/1999/QĐ-BLĐTBXH).
- Cơ sở đào tạo lái xe ô tô sử dụng 8 loại biểu mẫu, sổ sách từ điểm a đến điểm h.
- Cơ sở đào tạo lái xe hạng A3, A4 sử dụng sổ tại các điểm c, e và g.
- Cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1, A2 sử dụng sổ tại các điểm c và e.
1.5 Cơ sở đào tạo lái xe cử giáo viên dạy thực hành lái xe (theo mẫu tại phụ lục 5) có đủ điều kiện theo quy định tại các khoản 10 và khoản 12 Điều 5 Quy chế 55/2007 dự tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe do Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính hoặc Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức.
1.6 Cơ sở đào tạo lái xe căn cứ giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (theo mẫu tại phụ lục 6) do Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính hoặc Cục Đường bộ Việt Nam cấp cho giáo viên để cấp phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe” (theo mẫu tại phụ lục 7).
Trường hợp thay đổi về giáo viên dạy thực hành lái xe (bổ sung mới, chuyển đi,…), cơ sở đào tạo báo cáo Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính hoặc Cục Đường bộ Việt Nam để xem xét, tổ chức tập huấn cấp bổ sung hoặc cấp lại giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo tên cơ sở đào tạo mới (hoặc rút khỏi danh sách giáo viên nếu không tiếp tục giảng dạy).
1.7 Học viên học lái xe ô tô sau khi đã hoàn thành các bài học thực hành trong sân tập lái mới được tập lái xe trên đường. Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm kiểm tra kỹ năng lái xe của người học trước khi cấp phù hiệu “Học viên tập lái xe” để học viên tập lái xe trên đường (mẫu phù hiệu theo phụ lục 8).
2. Tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe :
2.1 Giáo viên dạy lý thuyết :
a) Mục a khoản 11 Điều 5 Quy chế 55/2007 được hiểu và thực hiện như sau:
- Trình độ văn hoá : Tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.
- Trình độ chuyên môn : Có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng, đại học, chuyên ngành tương ứng môn học được phân công giảng dạy.
b) Môn đạo đức người lái xe do giáo viên hoặc cán bộ đã có thực tiễn am hiểu về ngành giao thông vận tải hợp đồng với cơ sở đào tạo giảng dạy.
2.2 Giáo viên dạy thực hành lái xe :
a) Ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 10 Điều 5, Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn thực hiện khoản 12 Điều 5 Quy chế 55/2007 như sau :
- Trình độ văn hóa : Tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên.
- Trình độ chuyên môn : Có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc tay nghề cao. Tay nghề cao được hiểu là người có Giấy phép lái xe cao hơn hoặc bằng hạng xe giảng dạy, nhưng không thấp hơn hạng xe B2.
b) Ngoài số giờ tiêu chuẩn, cơ sở đào tạo lái xe không bố trí giáo viên giảng dạy vượt quá số giờ được phép giảng dạy thêm theo quy định hiện hành.
2.4 Xe tập lái :
a) Xe thuộc sở hữu là xe phải có giấy đăng ký mang tên cơ sở đào tạo. Xe hợp đồng chỉ được sử dụng để dạy lái cho một cơ sở đào tạo lái xe trong thời gian hợp đồng ít nhất 01 năm trở lên.
b) Hệ thống phanh phụ bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe phải có kết cấu chắc chắn, thuận tiện, an toàn, bảo đảm hiệu quả phanh trong quá trình sử dụng, được kiểm định và ghi vào Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.
c) Giấy phép xe tập lái (mẫu theo phụ lục 9) có thời hạn theo thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
d) Tên cơ sở đào tạo và điện thoại liên lạc được kẻ bằng sơn hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe tập lái, kể cả đối với xe hợp đồng (theo phụ lục 10).
e) Trường hợp đầu tư mới, xe tải tập lái các hạng B1, B2 phải là xe có trọng tải không dưới 1000kg, chiều dài cơ sở từ 2,5m trở lên, với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái hạng B của cơ sở đào tạo.
Mẫu và kích thước biển xe “Tập lái” theo phụ lục 11.
2.5 Sân tập lái xe :
a) Cơ sở đào tạo đề nghị cấp mới giấy phép đào tạo lái xe phải bảo đảm diện tích quy định tại khoản 14 Điều 5 Quy chế 55/2007. Các cơ sở đang đào tạo có diện tích sân tập nhỏ hơn được chuyển đổi trong thời gian 03 năm tính từ thời điểm Quyết định số 55/2007/QĐ-BGTVT ngày 07/11/2007 có hiệu lực.
b) Cơ sở đào tạo có lưu lượng 1000 học viên trở lên có ít nhất 02 sân, diện tích mỗi sân bảo đảm theo mục b khoản 14 Điều 5 Quy chế 55/2007 tương ứng hạng xe đào tạo. Việc bố trí sân tập lái theo điều kiện cụ thể của cơ sở đào tạo.
c) Trường hợp sử dụng sân hợp đồng chung với cơ sở đào tạo khác, phải kèm theo kế hoạch sử dụng sân của chủ hợp đồng để xác định rõ việc phân bổ thời gian, số lượng học viên và xe tập lái thực hành trên sân đối với mỗi cơ sở.
d) Kích thước các hình tập lái phù hợp tiêu chuẩn Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ số 22TCN 286 – 01 đối với từng hạng xe.
3. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính:
3.1 Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở dạy nghề theo đúng quy định của Luật Dạy nghề. Để phù hợp với quy hoạch định hướng hệ thống các cơ sở đào tạo lái xe toàn quốc, Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính có văn bản báo cáo về chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe để Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận.
3.2 Tổ chức tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo hướng dẫn về nội dung, chương trình dạy thực hành lái xe của Cục Đường bộ Việt Nam tại cơ sở đào tạo đủ điều kiện do Sở lựa chọn; Quản lý đội ngũ giáo viên dạy lái xe và báo cáo kịp thời Cục Đường bộ Việt Nam những thay đổi (bổ sung, thuyên chuyển,…) về giáo viên của các cơ sở đào tạo trên địa bàn.
3.3 Định kỳ theo chế độ, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên dạy thực hành theo chương trình, tài liệu hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam.
3.4 Chủ trì và phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam xét, cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô, gồm :
- Kiểm tra đề nghị xét cấp mới;
- Kiểm tra đề nghị xét cấp lại (cấp tiếp);
- Kiểm tra đề nghị nâng lưu lượng, nâng hạng đào tạo.
3.5 Kiểm tra theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe để cấp mới, cấp lại Giấy phép đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4; điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trong phạm vi 20% so với giấy phép đào tạo lái xe được cấp.
3.6 Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để cơ sở đào tạo thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng các quy định về đào tạo lái xe.
3.7 Lập sổ theo dõi quản lý đào tạo và lưu trữ các sổ sách, tài liệu sau :
- Danh sách và hồ sơ giáo viên dạy thực hành lái xe do cơ sở đào tạo lái xe cử đi học lớp tập huấn theo phụ lục 5.
- Sổ theo dõi cấp Giấy phép xe tập lái theo mẫu tại phụ lục 12.
- Các biên bản kiểm tra cơ sở đào tạo.
4. Cấp giấy phép đào tạo lái xe :
4.1 Cơ sở đào tạo có nhu cầu cấp mới, cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô khi sắp hết hạn, hoặc nâng hạng, lưu lượng đào tạo phải có công văn (kèm theo Báo cáo đề nghị cấp phép có xác nhận của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở đào tạo) đề nghị Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính kiểm tra, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam cấp phép.
4.2 Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính có công văn đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cấp mới, cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô và điều chỉnh tăng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trên 20% cho cơ sở đào tạo.
4.3 Hồ sơ cấp mới giấy phép đào tạo lái xe ô tô gồm có:
a) Báo cáo của cơ sở đào tạo, bao gồm :
- Quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng hoặc Giám đốc cơ sở đào tạo.
- Quy chế tổ chức hoạt động của Trường (Trung tâm) theo quy định.
- Báo cáo về cơ sở vật chất (phòng học, sân tập lái); đội ngũ giáo viên, xe tập lái.
b) Hồ sơ giáo viên, xe tập lái (bản photocopy) kèm theo báo cáo gồm : bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (photocopy công chứng), chứng chỉ sư phạm, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe của giáo viên; giấy đăng ký xe (photocopy công chứng), giấy phép xe tập lái, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe dạy lái.
c) Biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành giữa Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
d) Biên bản thẩm định của đoàn kiểm tra do Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.
Báo cáo đề nghị cấp giấy phép, biên bản kiểm tra theo mẫu tại các phụ lục 13 và 14.
4.4 Hồ sơ thủ tục cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô khi không có thay đổi hạng và lưu lượng đào tạo gồm có:
a) Trường hợp không có thay đổi về phòng học, sân tập lái, đội ngũ giáo viên, xe tập lái, nêu rõ trong văn bản đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính.
Trường hợp thay đổi về giáo viên, xe tập lái, có báo cáo về quá trình thực hiện đào tạo (theo phụ lục 13) kèm hồ sơ (bản photocopy) những trường hợp thay đổi : như điểm b mục 4.3.
b) Biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành giữa Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (mẫu theo phụ lục 14).
4.5 Hồ sơ thủ tục cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô khi có nâng hạng đào tạo gồm có:
a) Báo cáo về các phòng học, sân tập lái có tương ứng với hạng xe đề nghị cấp phép.
b) Giấy đăng ký xe ô tô (photocopy công chứng), giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy phép xe tập lái của hạng xe cần nâng.
c) Danh sách trích ngang giáo viên bổ sung kèm hồ sơ (bản photocopy): bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (photocopy công chứng), chứng chỉ sư phạm, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.
4.6 Hồ sơ thủ tục cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô khi tăng lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trên 20%, gồm có:
a) Báo cáo của cơ sở đào tạo về quá trình thực hiện đào tạo, hệ thống phòng học, sân tập lái, đội ngũ giáo viên, xe tập lái (nêu những phần thay đổi tăng so với thời điểm kiểm tra cấp phép gần nhất). Hồ sơ của những giáo viên, xe tập lái bổ sung kèm theo (bản photocopy) : như điểm b mục 4.3.
b) Biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành giữa Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (mẫu theo phụ lục 15).
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đào tạo lái xe (tại các mục 4.2; 4.3; 4.4; 4.5; 4.6) lập thành 03 bộ (01 cho Sở, 01 cho Cục và 01 lưu tại cơ sở).
4.7 Hồ sơ điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trong phạm vi 20%, gồm có:
a) Công văn đề nghị của cơ sở đào tạo gửi Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính.
b) Báo cáo của cơ sở đào tạo về hệ thống phòng học, sân tập lái, đội ngũ giáo viên, xe tập lái (nêu những phần thay đổi bổ sung so với thời điểm kiểm tra cấp phép gần nhất). Hồ sơ của những giáo viên, xe tập lái bổ sung kèm theo : như điểm b mục 4.3.
c) Biên bản kiểm tra của Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính (mẫu theo phụ lục 16).
4.8 Hồ sơ cấp phép đào tạo lái xe mô tô hai, ba bánh (các hạng A1, A2, A3) và máy kéo có trọng tải đến 1000kg (hạng A4) gồm có :
a) Công văn đề nghị của cơ sở đào tạo gửi Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính.
b) Báo cáo của cơ sở đào tạo về hệ thống phòng học, sân tập lái, đội ngũ giáo viên, xe tập lái. Trường hợp cấp lại giấy phép chỉ nêu những phần thay đổi (tăng hoặc giảm) so với thời điểm kiểm tra cấp phép gần nhất; hồ sơ giáo viên, xe tập lái (bản photocopy) kèm theo, gồm : bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (photocopy công chứng), chứng chỉ sư phạm, giấy phép lái xe của giáo viên; giấy đăng ký xe tập lái (photocopy công chứng).
c) Biên bản kiểm tra của Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính (mẫu theo phụ lục 17).
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đào tạo lái xe (tại các mục 4.7; 4.8) lập thành 02 bộ (01 cho Sở và 01 lưu tại cơ sở).
4.9 Thời gian hoàn thiện, gửi hồ sơ :
a) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô gửi công văn đề nghị và báo cáo (kèm hồ sơ giáo viên, xe tập lái được bổ sung, thay đổi) về Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính ít nhất 30 ngày trước khi Giấy phép đào tạo lái xe ô tô hết hạn để tổ chức kiểm tra.
Trường hợp cần thiết, Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra cơ sở đào tạo lái xe ô tô để cấp lại giấy phép đào tạo lái xe nếu trong quá trình đào tạo có sai phạm phải lập biên bản xử lý hoặc không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép đào tạo lái xe.
b) Các cơ sở đào tạo các hạng A1, A2, A3, A4 gửi công văn và báo cáo về Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính để tổ chức kiểm tra cấp phép ít nhất 30 ngày trước khi Giấy phép đào tạo lái xe hết hạn.
4.10 Điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trong phạm vi 20% :
Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính căn cứ việc đầu tư bổ sung xe tập lái, giáo viên của cơ sở đào tạo, có văn bản chấp thuận lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trong phạm vi 20% so với lưu lượng ghi trong giấy phép đào tạo lái xe được cấp (mẫu theo phụ lục 18).
4.11 Thời gian xét, cấp giấy phép đào tạo lái xe :
a) Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định và cấp mới giấy phép đào tạo lái xe ô tô trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, cấp lại và điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trong thời gian không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
b) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính kiểm tra đề nghị cấp mới, cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô (bao gồm cả nâng hạng, nâng lưu lượng), điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe ô tô; kiểm tra và cấp mới, cấp lại giấy phép đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 .
4.11 Lưu lượng đào tạo lái xe :
a) Được xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Quy chế 55/2007, bảo đảm 1giáo viên thực hành/1 xe tập lái :
- Lưu lượng đào tạo bằng tổng lưu lượng đào tạo các hạng xe.
- Lưu lượng đào tạo mỗi hạng xe = số lượng xe x số học viên/xe x (thời gian khóa đào tạo/thời gian thực hành).
Ví dụ, cơ sở A có 20 xe hạng B sử dụng để đào tạo lái xe hạng B2 và 10 xe hạng C, thì :
+ Lưu lượng đào tạo hạng B2 là : 20 x 5 x (648/480) = 135 học viên
+ Lưu lượng đào tạo hạng C là : 10 x 8 x (968/800) = 97 học viên
+ Lưu lượng đào tạo các hạng là : 135 + 97 = 232 học viên, làm tròn là 230 học viên.
- Trường hợp bảo đảm các điều kiện tại khoản b mục 6 Điều 10 Quy chế 55/2007: tổ chức tăng thời gian đào tạo trong ngày, trong tuần và có số giáo viên dạy thực hành lái xe tăng lên ≥ 1,2 lần so với số xe dạy lái, lưu lượng được tính toán cụ thể nhân lên hệ số ≤ 1,3.
b) Cơ sở được cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô trước ngày Quy chế 55/2007 có hiệu lực, có trách nhiệm tuyển sinh, giảng dạy theo nội dung, chương trình đào tạo quy định, nhưng không vượt quá lưu lượng ghi trong giấy phép đào tạo lái xe đã cấp.
5. Kiểm tra công tác đào tạo lái xe :
5.1 Cục Đường bộ Việt Nam giao các Khu Quản lý đường bộ II, IV, V, VII kiểm tra đột xuất về đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn Khu quản lý khi cần thiết.
5.2 Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính :
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ kiểm tra công tác đào tạo lái xe theo nội dung, chương trình đào tạo do Bộ Giao thông vận tải quy định và hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam.
- Kiểm tra đột xuất công tác đào tạo lái xe khi cần thiết.
- Tổ chức giám sát việc kiểm tra cấp Chứng chỉ sơ cấp nghề, giấy chứng nhận tốt nghiệp của cơ sở đào tạo.
5.3 Kiểm tra định kỳ các khóa đào tạo lái xe ô tô thực hiện ít nhất 2 lần/khóa (theo mẫu tại phụ lục 19). Kiểm tra định kỳ theo kế hoạch được thông báo trước và có sự phối hợp với các cơ quan để giám sát việc cơ sở đào tạo thực hiện theo Quy chế, gồm :
- Địa điểm đào tạo theo giấy phép : là nơi đã kiểm tra để cấp phép đào tạo lái xe. Không kiểm tra và không công nhận những địa điểm mà cơ sở tự hình thành thêm.
- Sân tập lái, tuyến đường tập lái đã đăng ký trong giấy phép xe tập lái.
- Hệ thống biểu mẫu, sổ sách theo dõi quá trình đào tạo : Tiến độ đào tạo, Kế hoạch phân bổ giáo viên, Kế hoạch đào tạo, Sổ lên lớp, Giáo án lý thuyết, Giáo án thực hành, Sổ theo dõi thực hành lái xe, Sổ cấp chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận tốt nghiệp, để giám sát cơ sở đào tạo thực hiện đúng các quy định về dạy nghề của Nhà nước và nội dung, chương trình quy định về đào tạo lái xe của Bộ Giao thông vận tải.
- Số học viên đang học lý thuyết và thực hành theo lớp học đối với từng hạng xe đào tạo.
5.4. Kiểm tra đột xuất các khoá đào tạo lái xe ô tô được thực hiện không báo trước của cơ quan quản lý về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe về thực hiện kế hoạch đào tạo của cơ sở đào tạo, giám sát việc lập và thực hiện theo giáo án của giáo viên giảng dạy (mẫu theo phụ lục 15).
5.5. Kiểm tra các khóa học lái xe các hạng A3, A4 : Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính tiến hành kết hợp vào đợt kiểm tra kết quả học tập cuối khóa của cơ sở đào tạo (mẫu theo phụ lục 20), gồm :
- Địa điểm đào tạo theo giấy phép : là nơi đã kiểm tra để cấp phép đào tạo lái xe. Không kiểm tra và không công nhận những địa điểm mà cơ sở tự hình thành thêm.
- Sân tập lái.
- Hệ thống biểu mẫu, sổ sách theo dõi quá trình đào tạo : Sổ lên lớp, Sổ theo dõi thực hành lái xe, Sổ giáo án thực hành, Sổ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp.
- Số học viên đang học lý thuyết và thực hành theo lớp học đối với từng hạng xe đào tạo.
5.6 Kiểm tra các khóa đào tạo lái xe mô tô hạng A1, A2 : Cơ sở có trách nhiệm báo cáo địa điểm, ngày, giờ học để Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính tổ chức kiểm tra việc dạy lý thuyết và thực hành lái xe (mẫu theo phụ lục 21), gồm :
- Địa điểm đào tạo theo giấy phép. Không kiểm tra tại những nơi khác với địa điểm đã kiểm tra cấp phép.
- Sân tập lái.
- Số lượng các khóa đang đào tạo.
- Sổ sách theo dõi quá trình đào tạo : Sổ lên lớp, Sổ theo dõi thực hành lái xe.
6. Báo cáo sơ kết, tổng kết về công tác đào tạo lái xe :
Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính các tỉnh, thành phố thực hiện sơ kết 6 tháng đầu năm vào tháng 7, tổng kết năm vào tháng 1 năm sau và gửi báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
a) Thời gian gửi báo cáo trước ngày 15 tháng 7 và 15 tháng 1 năm sau.
b) Báo cáo sơ kết, tổng kết gồm các nội dung chủ yếu sau :
- Về tổ chức quản lý của Sở : khó khăn, thuận lợi, thay đổi về tổ chức, nhân sự.
- Về quan hệ giữa Sở với các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở và cơ quan quản lý dạy nghề trong quản lý, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo.
- Tổ chức họp sơ kết, tổng kết với các cơ sở đào tạo để rút kinh nghiệm…
- Số lượng các khóa đào tạo, số lượng học viên của từng khóa.
- Số lượng học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, giấy chứng nhận tốt nghiệp, tỉ lệ % đạt.
- Về thực hiện nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp đào tạo.
- Những đề xuất, kiến nghị về công tác đào tạo lái xe.
- …………….
7. Tổ chức thực hiện :
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và các cơ sở đào tạo lái xe tổ chức thực hiện hướng dẫn trên. Trong quá trình thực hiện, cần phản ảnh kịp thời các vướng mắc để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1 Quyết định 55/2007/QĐ-BGTVT về Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Công văn 3688/CĐBVN-VT về việc giải thích một số nội dung trong các văn bản quản lý vận tải do Cục Đường bộ Việt Nam ban hành
- 3 Quyết định 15/2007/QĐ-BLĐTBXH về mẫu bằng, chứng chỉ nghề do Bộ trưởng Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 4 Luật Dạy nghề 2006