Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1255/TM-PCTNA
V/v tổ chức kỳ họp lần thứ 3 UBLCP Việt Nam - Iran

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2002

 

Kính gửi:

- Văn phòng Chính phủ
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Để chuẩn bị cho kỳ họp lần thứ 3 Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Iran dự định tổ chức vào tháng 5/2002 tại Hà Nội, theo tinh thần công văn số 1075/VPCP-QHQT ngày 4/3/2002 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thương mại xin báo cáo tình hình hợp tác với Iran từ năm 1997 đến nay và kiến nghị nội dung hợp tác trong thời gian tới như sau:

I/ TÌNH HÌNH HỢP TÁC VỚI IRAN TỪ NĂM 1997 ĐẾN NAY

1/ Nhân dịp chuyến thăm Việt Nam tháng 6/1997 của Phó Tổng thống Iran, Bộ Thương mại hai nước đã ký Biên bản với nội dung:

- Triển khai các thoả thuận đã đạt được tại kỳ họp lần thứ 2 Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Iran tại Tehran tháng 4/1997.

- Khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiến hành các chuyến đi khảo sát thị trường lẫn nhau.

- Khuyến khích và tìm các biện pháp cụ thể để mở rộng diện mặt hàng trao đổi giữa hai nước.

2/ Tháng 9/1997, nhân dịp Hộ chợ Quốc tế lần thứ 23, Đoàn Thương mại Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Quang dẫn đầu đi dự lễ khai mạc và làm việc với các tổ chức hữu quan của Iran, bàn giải quyết những vướng mắc để ký hợp đồng xuất khẩu gạo cho Iran.

Tại Hội chợ Quốc tế Tehran năm 1998 và năm 1999, Việt Nam cũng có gian hàng tham dự trưng bày các sản phẩm.

3/ Để thúc đầy và mở rộng quan hệ thương mại với Iran, Bộ Thương mại đã cử Tham tán Thương mại sang Iran hận nhiệm vụ tại Đại sứ quán Việt Nam tại Tehran.

4/ Về hợp tác trao đổi thương mại:

- Cho tới nay gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Iran. Trước đây, để tránh cạnh tranh giữa các công ty trong nước, Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Tổng công ty lương thực miền Nam (VINAFOOD II) làm đầu mối duy nhất đứng ra ký hợp đồng và thực hiện việc xuất khẩu gạo sang Iran.

+ Năm 1990: 80.000 tấn

+ Năm 1996: 335.000 tấn

+ Năm 1997 - 1998: Theo Biên bản kỳ họp lần thứ 2 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Iran năm 1997, Việt Nam đồng ý cung cấp 500.000 tấn gạo cho Iran. Thực tế, ta chỉ ký được hợp đồng cung cấp 150.000 tấn gạo (nhưng chỉ giao được 80.250 tấn do L/C của Bạn hết hạn và Chính phủ yêu cầu dãn tiến độ giao hàng để đảm bảo an ninh lương thực).

+ Năm 1999: ký được 160.000 tấn, ký giao cho Iran qua một nước thứ 3.

Trong các năm 1999 và 2001 phía Iran có cử các đoàn vào giải quyết những vấn đề tồn đọng về gạo và đàm phán tiếp tục mua gạo của ta nhưng không thành. Điều này là do các bên chưa hiểu và thông cảm cho những khó khăn của nhau, chưa tạo dựng được lòng tin trong quan hệ giữa công ty với công ty.

Vừa qua, nhà nước đã giao Tổng Công ty Vinafood 1 giao dịch với phía Iran nhằm đưa gạo Việt Nam xuất khẩu trở lại thị trường này. Sau một thời gian sang gặp gỡ, đàm phán với Bạn, mới đây Tổng Công ty Vinafood 1 đã ký hợp đồng xuất khẩu cho bạn 15.000 tấn gạo, dự kiến giao hàng vào tháng 4/2002.

- Ngoài mặt hàng gạo, Iran cũng có nhu cầu nhập khẩu với khối lượng tương đối lớn về chè đen và cao su tự nhiên. Những năm qua, doanh nghiệp hai nước đã có các cuộc tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên số lượng xuất khẩu còn rất khiêm tốn, nguyên nhân là: ta chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và thời gian giao hàng; thêm vào đó giá cả Việt Nam cao hơn so với các nước khác như ấn Độ, Malaysia, Indonesia; mặt khác Bạn cũng rất khó khăn về tài chính, có trường hợp hợp đồng đã ký nhưng không mở L/C...

+ Năm 1997 - 1998, theo Biên bản ký họp thứ thứ 2 Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Iran, Việt Nam thỏa thuận muốn xuất 20.000 tấn cao su cho Iran. Thực tế, Tổng Công ty Cao su Việt Nam ký hợp đồng cung cấp 7.000 tấn cao su loại SVR20 nhưng chỉ giao được 1.000 tấn. Thời gian qua, bạn cũng nhiều lần thông báo muốn mua cao su của ta, nhưng các doanh nghiệp của ta không đáp ứng được quy cách bạn yêu cầu.

+ Các mặt hàng như chè, hạt tiêu, gia vị phía Iran cũng có nhu cầu lớn nhưng ta chưa đáp ứng được vì lý do đã nêu ở trên.

Mặc dù vậy, thời gian gần đây các doanh nghiệp của 2 nước đã tăng cường các cuộc tiếp xúc, giao dịch để tiến tới việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Về phía Bạn, các công ty tư nhân hoạt động rất tích cực và năng động. Các công ty này hiện nay rất quan tâm đến việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với nhiều chủng loại như các hàng: quần áo, giầy dép các loại, xà phòng, kem đánh răng, dầu gội đầu, đồ dùng văn phòng phẩm, dụng cụ đồ điện, phụ tùng xe máy, xe đạp các loại... Về phía ta, các doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm trở lại tới thị trường Iran và đang giao dịch với các đối tác Iran để tiến tới ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa. Một số công ty của ta bước đầu đã thiết lập được quan hệ bạn hàng và đã sang Iran gặp gỡ các đối tác để trao đổi các biện pháp hợp tác làm ăn lâu dài.

Đại sứ quán Iran tại Hà Nội cho biết một số hàng hóa, cụ thể là gạo và chè của Việt Nam xuất khẩu sang Irắc theo Chương trình đổi dầu lấy lương thực gần đây đã được tái xuất không chính thức sang Iran với số lượng khá lớn. Vì vậy, trong năm 2001 Iran đã nhập khẩu gián tiếp 2 mặt hàng này từ Việt Nam với giá tương đối lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu và kim ngạch buôn bán trực tiếp giữa Việt Nam và Iran trong những năm gần đây như sau:

Đơn vị tính: 1.000 USD

Năm

1997

1998

1999

2000

2001

Xuất khẩu

24.277

34.643

25.500

13.950

Chưa có số liệu

Nhập khẩu

1.777

3.108

9.575

29.136

-nt-

Xuất khẩu:

Đơn vị tính: 1.000 USD

Mặt hàng

1998

1999

2000

1. Hàng dệt may

249

206

---

2. Cà phê

510

1.187

636

3. Gạo

32.993

18.422

6.878

4. Chè

---

2.000

1.895

5. Linh kiện điện tử

---

17

---

6. Hoa quả tươi khô

---

20

---

7. Giầy dép các loại

93

440

---

8. Cao su

712

---

118

9. Hạt điều

77

---

---

10. Dầu cọ

---

---

246

11. Nhựa tấm

---

---

103

12. Các SP nhựa khác

---

---

131

13. Lốp cao su

---

---

1.057

14. Dây thép

---

---

151

15. Ac quy điện

---

---

206

16. Đồ gia dụng

---

---

133

17. Hàng hóa khác

...

......

...

Tổng cộng

34.643

25.500

13.950

Nhập khẩu:

Đơn vị: 1.000 USD

Mặt hàng

1998

1999

2000

1. Phân bón các loại

1.729

---

---

2. Bông

---

2.799

5.484

3. NPL dệt may da

---

2

---

4. Phân bón các loại

---

2.162

---

5. Xăng dầu các loại

---

4.398

19.576

6. Động vật giáp xác

---

---

141

7. Động vật thân mềm

---

---

116

8. Nhựa đường các loại

---

---

551

9. Hỗn hợp chứa bi-tum

---

---

2.226

10. Đồng tấm

---

---

269

11. Đồng lá

---

---

---

12. Thiết bị điện thoại, điện báo

---

---

---

13. Hàng hóa khác

---

---

---

Tổng cộng

3.108

9.575

29.136

5/ Một số tồn tại trong quan hệ thương mại giữa hai nước

Hiện nay, trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran vẫn tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết sau đây:

- Tranh chấp về tiền phạt tầu 1,3 triệu USD giữa Công ty Generalimex của Việt Nam và Công ty GTC của Iran liên quan tới hợp đồng gạo từ năm 1990. Phía Iran đã nêu tranh chấp này trong Biên bản kỳ họp Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Iran. Bộ Thương mại đã yêu cầu Generalimex xem xét, giải quyết vấn đề này và gửi công hàm tới Sứ quán Iran tại Hà Nội rằng đây là tranh chấp giữa các công ty cho nên các công ty phải giải quyết với nhau. Bạn vẫn nhắc vấn đề này, nhưng cho tới nay hai bên vẫn chưa giải quyết được.

- Hợp đồng xuất khẩu gạo năm 1997 - 1998 của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) đến nay Bạn vẫn phàn nàn về việc ta thực hiện không trọn vẹn. Nguyên nhân là phía Iran điều tầu không đúng quy định của L/C và tại thời điểm đó Chính phủ yêu cầu giãn tiến độ giao hàng để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Hiện nay, Vinafood II đang giao dịch và đàm phán với Bạn để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của hợp đồng này.

- Vừa qua, phía Bạn cũng phản ảnh một số công ty của ta ký hợp đồng nhập khẩu nhựa đường của Iran sau đó huỷ hợp đồng và huỷ L/C. Điều này là do Bộ Giao thông vận tải không cho phép sử dụng số nhựa đường có nguồn gốc nhập khẩu từ Iran do không đảm bảo chất lượng trong thi công các công trình giao thông. Về việc này, các doanh nghiệp của ta cần rút Hà Nội trong việc ký kết hợp đồng phải tìm hiểu kỹ chất lượng hàng hóa, tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước.

- Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tin tưởng trong khâu thanh toán với các đối ta nhập khẩu Iran, mặc dù Ngân hàng hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ. Đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa nắm được các thủ tục thương mại của Iran nên ngại giao dịch, mở rộng thị trường mà chủ yếu chỉ giao dịch, ký hợp đồng với những thị trường hoặc khách hàng quen biết.

II/ KIẾN NGHỊ NỘI DUNG HỢP TÁC

Trong tương lai Iran sẽ là một thị trường quan trọng tương đối ổn định đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: gạo, chè, cao su, cà phê và một số thị trường trung chuyển quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và các nước Capcaz. Việc duy trì và phát triển thị trường này là hết sức cần thiết. Để thực hiện yêu cầu này, trong thời gian tới cần tiến hành sớm một số biện pháp:

- Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế tại Tehran. Nhà nước cần hỗ trợ tiền vé máy bay cho các doanh nghiệp đi khảo sát thị trường này.

- Đại sứ quán ta tại Tehran và Đại sứ quán Bạn tại Hà Nội cần tổ chức đoàn doanh nghiệp hai nước thăm viếng lẫn nhau, tìm đối tác, trao đổi cụ thể, cởi mở để hiểu biết và thấy rõ được những thuận lợi và khó khăn của nhau, qua đó tạo lòng tin trong việc mở rộng trao đổi buôn bán.

- Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng diện mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu để giảm dần chênh lệch trong cán cân thanh toán giữa hai nước.

- Khuyến khích việc mở rộng các hình thức buôn bán giữa các doanh nghiệp hai nước như phương thức đổi hàng, kho ngoại quan...

Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo của Tổng Công ty Vinafood 1, để duy trì thị trường ổn định trước mắt đề nghị nhà nước cho phép Vinafood 1 thực hiện các hợp đồng này, chưa phân chia cho các đơn vị khác.

Bộ Thương mại xin báo cáo nội dung trên để Quý cơ quan tổng hợp, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Iran tới đây.

 

K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Như Đính