BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1301/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2007 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Theo báo cáo của 6 Cục Hải quan địa phương (Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) và báo cáo của Đoàn công tác Tổng cục Hải quan được thành lập theo Quyết định số 2168/QĐ-TCHQ ngày 10/11/2006 để kiểm tra, đôn đốc thanh khoản hàng gia công, hàng sản xuất xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất tại Hải quan một số tỉnh, thành phố thì một số Cục Hải quan đã có tiến bộ trong công tác đôn đốc thanh khoản, tuy vậy, một số địa phương còn để tồn đọng hợp đồng gia công quá hạn chưa thanh khoản, nợ thuế quá hạn (tạm thu) tương đối lớn, trong đó có Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP. Hà Nội, Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
I. NHỮNG TỒN TẠI TRONG QUẢN LÝ HÀNG GIA CÔNG, HÀNG SẢN XUẤT XUẤT KHẨU, HÀNG TẠM NHẬP – TÁI XUẤT:
1. Về phía lãnh đạo Hải quan các cấp:
1.1. Chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh khoản.
1.2. Các biện pháp đôn đốc thanh khoản không quyết liệt, thể hiện qua các việc:
- Doanh nghiệp không đến thanh khoản do chây ỳ, Chi cục chỉ mới dừng ở biện pháp gửi giấy mời qua bưu điện hoặc gọi điện thoại trực tiếp, không cử cán bộ đến tận doanh nghiệp để đôn đốc thanh khoản;
- Doanh nghiệp mất tích chưa cử người đi xác minh;
- Đối với doanh nghiệp không chấp hành đúng thời hạn thanh khoản, thì nếu doanh nghiệp đến làm thủ tục mới lập biên bản vi phạm, không đến tận doanh nghiệp lập biên bản vi phạm để xử phạt VPHC đối với những doanh nghiệp không còn làm thủ tục tại Chi cục.
2. Về phía cán bộ công chức thừa hành:
2.1. Do nhận thức về tầm quan trọng của công tác thanh khoản còn thấp nên chưa chú trọng đến việc đôn đốc thanh khoản, chưa đề ra các biện pháp nhằm thanh khoản dứt điểm nên dẫn đến tình trạng tồn đọng kéo dài.
2.2. Việc áp dụng mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thời hạn thanh khoản quy định tại Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17/6/2004 của Chính phủ không đúng (một số nơi không xử phạt theo Điều 17 mà xử phạt theo Điều 8 Nghị định số 138/2004/NĐ-CP).
2.3. Số hợp đồng gia công vi phạm thời hạn xử lý nguyên liệu dư nhiều nhưng không áp dụng biện pháp cưỡng chế về thủ tục hải quan như quy định tại Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC để buộc doanh nghiệp phải hoàn thành việc thanh khoản.
2.4. Việc xử lý nguyên phụ liệu cung ứng doanh nghiệp khai không đúng quy định, Tổng cục đã hướng dẫn xử lý tại công văn số 2348/TCHQ-GSQL ngày 31/5/2006 nhưng nhiều đơn vị vẫn chưa triển khai thực hiện đầy đủ.
3. Về phía doanh nghiệp:
- Do doanh nghiệp mất tích, không tìm thấy địa chỉ.
- Do doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động.
- Doanh nghiệp còn hoạt động nhưng chây ỳ không thanh khoản.
- Do thiếu chứng từ thanh toán.
II. TỪ CÁC TỒN TẠI NÊU TRÊN, YÊU CẦU CỤC HẢI QUAN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ CHẤN CHỈNH NGAY CÔNG TÁC THANH KHOẢN, TRONG ĐÓ CHÚ TRỌNG MỘT SỐ VIỆC SAU ĐÂY:
1. Về công tác nghiệp vụ:
1.1. Từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành ngay việc kiểm tra, rà soát công tác thanh khoản các loại hình NSXXK, gia công, kinh doanh tạm nhập – tái xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những khâu, những việc còn thiếu sót; chủ động phối hợp với các cơ quan như Cục thuế địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các cơ quan khác có liên quan để nắm tình hình hoạt động của từng doanh nghiệp, qua đó có biện pháp quản lý phù hợp.
1.2. Bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi, tập hợp và phân loại các tờ khai, các hợp đồng chưa thanh khoản được theo từng loại hình và nguyên nhân tồn đọng (doanh nghiệp không đến thanh khoản, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ thanh khoản nhưng còn thiếu chứng từ, không tìm thấy địa chỉ doanh nghiệp, doanh nghiệp đã giải thể …) để xử lý theo hướng sau:
1.2.1. Những trường hợp đã đến thời hạn thanh khoản nhưng doanh nghiệp chưa đến thanh khoản thì áp dụng các biện pháp đôn đốc doanh nghiệp đến thanh khoản như:
a. Có công văn gửi doanh nghiệp để đôn đốc thanh khoản (ấn định thời gian cuối cùng phải thanh khoản; công văn gửi bằng hình thức thư bảo đảm đến doanh nghiệp), đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ.
b. Nếu đôn đốc bằng hình thức gửi công văn mà doanh nghiệp vẫn không đến thanh khoản thì cử công chức Hải quan trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, xác minh doanh nghiệp.
- Nếu còn địa chỉ, còn hoạt động yêu cầu doanh nghiệp cam kết thời hạn thanh khoản.
- Đối với những trường hợp không tìm thấy địa chỉ trụ sở doanh nghiệp theo khai báo thì phối hợp với cơ quan Thuế địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền địa phương, Công an để tìm địa chỉ trụ sở mới của doanh nghiệp; nếu không tìm được địa chỉ trụ sở mới của doanh nghiệp thì tìm địa chỉ giám đốc doanh nghiệp để có yêu cầu thanh khoản, nộp thuế. Tất cả các trường hợp không tìm thấy địa chỉ đều phải có kết quả xác minh, xác nhận của chính quyền, Công an địa phương.
- Những trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ không thanh khoản, không tìm thấy địa chỉ doanh nghiệp nếu có số nợ thuế lớn (đối với thuế tạm thu), số thuế phải truy thu lớn (đối với hàng gia công) thì làm thủ tục chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý về tội trốn thuế.
1.2.2. Đối với những doanh nghiệp vi phạm thời hạn thanh khoản (kể cả những trường hợp vi phạm thời hạn làm thủ tục hải quan đối với nguyên phụ liệu dư, máy móc thiết bị thuê mượn quy định tại Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004), nếu chưa tiến hành xử phạt vi phạm và vi phạm còn nằm trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì phải tiến hành ngay việc lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Những trường hợp không lập được biên bản vi phạm tại trụ sở Chi cục Hải quan do doanh nghiệp không đến, thì Chi cục cử công chức đến doanh nghiệp lập biên bản vi phạm để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính.
Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải có điều khoản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành việc thanh khoản trong thời hạn thi hành Quyết định xử phạt như hướng dẫn tại điểm 16, mục II Thông tư số 14/2005/TT-BTC ngày 16/02/2005.
1.2.3. Những doanh nghiệp vi phạm thời hạn thanh khoản hợp đồng gia công bị cưỡng chế về thủ tục hải quan theo quy định của Quyết định 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004, trong đó có cưỡng chế vi phạm về thời hạn làm thủ tục hải quan đối với nguyên phụ liệu dư, máy móc thiết bị thuê mượn, nhưng Hải quan các địa phương chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế thì tiến hành ngay việc áp dụng biện pháp cưỡng chế về thủ tục hải quan.
Trình tự tiến hành cưỡng chế hệ thống theo quy định tại điểm 10.5, phần I Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004, nhưng bỏ bước tạm tính thuế và ra thông báo thuế (do Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành đã bỏ thông báo thuế).
1.2.4. Những doanh nghiệp vi phạm thời hạn làm thủ tục hải quan đối với nguyên phụ liệu gia công dư thừa, máy móc thiết bị thuê mượn phục vụ gia công, ngoài việc tiến hành các biện pháp nêu tại điểm 2.2 và 2.3 trên đây, Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công cần phải cử công chức đến kiểm tra tại doanh nghiệp; nếu phát hiện doanh nghiệp đã tiêu thụ nội địa thì xử lý vi phạm đúng quy định của pháp luật.
1.2.5. Thông báo công khai lên báo Hải quan những doanh nghiệp vi phạm thời hạn thanh khoản bị xử phạt hành chính về hải quan và những doanh nghiệp chây ỳ không thanh khoản bị cưỡng chế về thủ tục hải quan.
1.2.6. Đối với hàng sản xuất xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất chưa thanh khoản được do vướng mắc về chứng từ thanh toán:
Thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 6.2.3 công văn số 5534/TCHQ-KTTT ngày 14/11/2006 của Tổng cục Hải quan.
1.2.7. Đối với hàng gia công chưa thanh khoản được do doanh nghiệp khai báo có sử dụng nguyên phụ liệu mua tại Việt Nam để cung ứng cho gia công nhưng không tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998, Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ, Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004 của Bộ Tài chính thì xử lý như sau:
a. Đối với trường hợp doanh nghiệp xuất trình được hóa đơn mua nguyên phụ liệu, chứng từ thanh toán tiền nguyên phụ liệu mua tại Việt Nam do bên thuê gia công thanh toán cho bên nhận gia công, thì Chi cục hải quan quản lý hợp đồng gia công tiến hành kiểm tra đối chiếu.
b. Đối với trường hợp doanh nghiệp không xuất trình được các chứng từ như nêu tại điểm a, hoặc có xuất trình nhưng qua chứng từ đó không chứng minh được việc doanh nghiệp khai mua nguyên phụ liệu tại Việt Nam để cung ứng là đúng thì phải cử công chức đến kiểm tra lại doanh nghiệp. Tùy theo tình hình tại từng đơn vị, việc phân công đơn vị nào thực hiện kiểm tra tại doanh nghiệp (Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công hay Chi cục Hải quan Kiểm tra sau thông quan) do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định.
c. Nếu qua các biện pháp kiểm tra nêu tại điểm a, b trên đây kết luận việc doanh nghiệp khai báo trong hồ sơ thanh khoản về mua nguyên phụ liệu tại Việt Nam để cung cho gia công là đúng thì xử lý như sau:
- Lập biên bản vi phạm và xử lý vi phạm hành chính về hải quan theo Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17/6/2004 của Chính phủ về hành vi không chấp hành đúng quy định về quản lý hàng gia công (nếu vi phạm còn nằm trong thời hiệu xử lý vi phạm hành chính);
- Chấp nhận đưa nguyên phụ liệu cung ứng doanh nghiệp khai báo vào thanh khoản.
d. Nếu qua kiểm tra, đối chiếu kết luận: việc doanh nghiệp khai mua nguyên phụ liệu mua tại Việt Nam để cung ứng cho gia công là nhằm mục đích hợp thức hóa việc xuất khống, xuất thiếu sản phẩm gia công so với khai báo trên tờ khai xuất khẩu, khai sai định mức gia công thì xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, truy thu thuế nhập khẩu theo đúng quy định và thông báo cho Cục Thuế địa phương nơi có trụ sở doanh nghiệp để truy thu thuế GTGT.
1.2.8. Đối với những trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản:
Thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 286/TCHQ-KTTT ngày 11/1/2007 của Tổng cục Hải quan, phối hợp chặt chẽ với Ban thanh lý doanh nghiệp giải thể, phá sản để thu nợ thuế.
1.3. Khi làm thủ tục cho hàng hóa nhập khẩu ủy thác, các Chi cục Hải quan cần kiểm tra danh sách cưỡng chế thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp ủy thác và doanh nghiệp nhận ủy thác. Nếu một trong 2 doanh nghiệp ủy thác thuộc diện phải cưỡng chế về thủ tục hải quan thì không làm thủ tục nhập khẩu ủy thác.
1.4. Đối với hàng gia công, ngoài các công việc nêu trên cần phải theo dõi để phát hiện những trường hợp bất bình thường trong nhập khẩu nguyên vật liệu (như có nhập khẩu nguyên vật liệu nhưng không thấy xuất khẩu sản phẩm, hợp đồng quy định bên thuê gia công cung cấp toàn bộ nguyên vật liệu nhưng doanh nghiệp chỉ nhập khẩu nguyên liệu chính…), trong việc chuyển nguyên vật liệu dư thừa, máy móc thiết bị thuê mượn từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác để có biện pháp kiểm tra (kể cả việc kiểm tra tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp) và các biện pháp nghiệp vụ khác nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp lợi dụng gia công để nhập khẩu hàng hóa tiêu thụ nội địa trốn thuế.
1.5. Đối với những trường hợp doanh nghiệp đã nộp đủ hồ sơ thanh khoản theo quy định thì đơn vị Hải quan quản lý các loại hình trên đây phải nhanh chóng làm thủ tục thanh khoản đúng thời hạn đã được quy định tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004, Thông tư số 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005 của Bộ Tài chính và Quy trình miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 801/QĐ-TCHQ ngày 09/5/2006 của Tổng cục Hải quan.
1.6. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải coi việc giải quyết các tờ khai, các hợp đồng còn tồn đọng chưa thanh khoản được là một trong những việc trọng tâm và phải hoàn thành cơ bản trong quý I năm 2007.
Những Cục Hải quan còn tồn đọng nhiều tờ khai, hợp đồng chưa thanh khoản thì thành lập tổ chuyên trách để giải quyết dứt điểm việc tồn đọng này.
Hàng tháng các Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo kết quả xử lý thanh khoản đối với hồ sơ tồn đọng của từng loại hình về Tổng cục. Theo từng tháng, tại Cục Hải quan, Chi cục Hải quan nào số hồ sơ quá hạn thanh khoản chưa thanh khoản được không giảm mà không có lý do chính đáng thì Cục trưởng, Chi cục trưởng đơn vị Hải quan đó không hoàn thành nhiệm vụ trong tháng đó.
1.7. Hoàn thiện chương trình phần mềm quản lý hàng gia công, hàng SXXK (đối với các đơn vị đã áp dụng), triển khai áp dụng chương trình phầm mềm quản lý đối với hàng gia công, hàng sản xuất xuất khẩu (đối với các đơn vị chưa áp dụng).
2. Về công tác tổ chức cán bộ:
2.1. Bố trí cán bộ ổn định, chuyên sâu và chỉ thực hiện luân chuyển cán bộ trong lĩnh vực quản lý hàng gia công, hàng SXXK, hàng tạm nhập - tái xuất.
2.2. Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, thanh khoản cho công chức Hải quan và doanh nghiệp.
2.3. Chế độ trách nhiệm:
Cục trưởng có trách nhiệm chỉ đạo chung, giao 01 Phó Cục trưởng trực tiếp theo dõi, quản lý đối với hàng gia công, hàng SXXK, hàng TN-TX. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thanh khoản các loại hình này
Phó Cục trưởng được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, quản lý đối với hàng gia công, hàng SXXK, hàng TN-TX, có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra sâu sát đối với công tác thanh khoản hàng gia công, hàng SXXK, hàng TN-TX và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng.
Chi cục trưởng nơi quản lý các loại hình nêu trên chịu trách nhiệm trực tiếp trước Phó Cục trưởng phụ trách, cần thiết thì lập ra một tổ chuyên trách một thời gian để đôn đốc xử lý tồn đọng thanh khoản; phải quan tâm đúng mức đến công tác thanh khoản và sớm đưa việc này thành nề nếp chặt chẽ.
Cán bộ công chức được lãnh đạo Chi cục giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác thanh khoản có trách nhiệm đôn đốc doanh nghiệp thanh khoản đúng thời hạn. Trường hợp quá thời hạn quy định mà doanh nghiệp không đến thanh khoản phải đề xuất ngay biện pháp để mời doanh nghiệp đến thanh khoản hoặc tham mưu cho lãnh đạo cách thức, biện pháp để thanh khoản dứt điểm việc tồn đọng.
Trường hợp Cục Hải quan địa phương nào còn để xảy ra tình trạng tồn đọng kéo dài thì lãnh đạo và công chức trực tiếp làm công việc thanh khoản sẽ bị trừ vào thi đua hàng tháng và năm đó coi như không hoàn thành nhiệm vụ.
Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện ngay, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền giải quyết của Cục thì kịp thời báo cáo về Tổng cục kèm đề xuất xử lý để Tổng cục chỉ đạo giải quyết.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn số 5534/TCHQ-KTTT về việc các biện pháp đôn đốc xử lý nợ thuế do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Nghị định 12/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài
- 3 Thông tư 113/2005/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005
- 5 Thông tư 14/2005/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 138/2004/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan do Bộ Tài chính ban hành
- 6 Quyết định 69/2004/QĐ-BTC về thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công với thương nhân nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Nghị định 138/2004/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
- 8 Nghị định 57/1998/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài