BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1352/TM-KHTK | Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2002 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Sau khi nhận được công văn số 1970 BKH/NN ngày 1/4/2002 của Quý Bộ về việc đề nghị góp ý kiến cho Chương trình phát triển chế biến gỗ và lâm sản đến năm 2010. Bộ Thương mại có một số ý kiến như sau:
I. NHẬN XÉT CHUNG:
Chương trình phát triển chế biến gỗ và lâm sản đến năm 2010 đã khái quát khá đầy đủ thực trạng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản (song, mây tre trúc), trình bày được những mục tiêu, phương hướng, hiệu quả và biện pháp tổ chức thực hiện. Bộ Thương mại đánh giá cao những nội dung đã được đề cập trong chương trình. Kết cấu chương trình về cơ bản là hợp lý.
II. MỘT SỐ Ý KIẾN THAM GIA CỤ THỂ:
1. Các chỉ tiêu về xuất khẩu đến năm 2005 và 2010 được dự kiến như trong báo cáo là có tính khả thi; lưu ý là sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng sản phẩm xuất khẩu qua chế biến tinh, giảm tương đối sản phẩm xuất khẩu sơ chế.
2. Về cơ chế, chính sách xuất, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hiện nay đã gần như cởi mở hoàn toàn. Từ năm 2001 Nhà nước đã quy định rất rõ ràng và lần đầu tiên ổn định cho một giai đoạn khá dài (5 năm). Theo đó, các loại gỗ rừng tự nhiên để sản xuất sản phẩm gô xuất khẩu được bãi bỏ hạn mức và không cần phê duyệt chỉ tiêu. Mọi dạng sản phẩm gỗ đều được tự do xuất khẩu (trừ gỗ tròn, gỗ xẻ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước). Nhập khẩu gỗ hoàn toàn tự do (trừ gỗ từ Campuchia) và được phép xuất khẩu dưới mọi dạng sản phẩm, kể cả tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ không phải chịu thuế xuất khẩu. Tuy nhiên các sản phẩm gỗ từ gỗ cây và gỗ rừng tự nhiên ở trong nước hiện nay còn chịu mức thuế từ 5 - 15%. Nếu thuế suất cụ thể có sự chênh lệch không hợp lý, đề nghị có thuyết trình rõ để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.
3. Về tiêu thụ sản phẩm gỗ trên thị trường nội địa: cần được bổ sung thêm. Trong dự thảo, phần này chưa được đề cập trong khi xu thế tiêu thụ sản phẩm gỗ trên thị trường nội địa sẽ phát triển mạnh, với cơ cấu chủng loại ngày càng phong phú.
4. Về phương hướng phát triển của ngành công nghiệp giấy (Phần II. B) quan tâm thêm ý sau:
· Theo tính toán của các nhà Khoa học, nhà máy giấy phải đạt sản lượng 50 ngàn tấn/năm trở lên thì mới có hiệu quả kinh tế. Vì vậy, đối với các nhà máy thuộc Tổng công ty Giấy hoặc các doanh nghiệp nhà nước thì phải đạt sản lượng như trên mới cho phép đầu tư. Còn đối với các thành phần kinh tế khác thì nên định hướng và thông tin cho họ biết để lựa chọn.
· Vấn đề quan trọng đối với nhà máy giấy là (1) xử lý nước thải, bảo vệ môi trường sinh thái; (2) giảm giá thành sản xuất (bởi vì giá giấy của ta hiện nay cao hơn giá thế giới từ 20 - 30%) (3) đầu tư vùng nguyên liệu xung quanh nhà máy để đủ nguyên liệu sản xuất trong thời gian hàng chục năm (bằng hợp đồng hai chiều mà nhà nước đang khuyến khích).
5. Về công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản (Phần II. B)
Tại điểm 1 nguồn nguyên liệu gỗ và lâm sản cần nói thêm về gỗ cây cao su (khai thác những cây già cỗi để trồng cây cao su mới). Theo quy hoạch của Ngành Cao su thì đến năm 2010 sẽ có 500 - 700 ngàn ha cây cao su. Hàng năm có thể khai thác hàng vạn m3 gỗ cao su để chế biến đồ gỗ. Hiện nay cũng đã khai thác hàng nghìn m3 mỗi năm.
6. Một số chỗ cần xem xét hoàn thiện lại (phần IV, trang 11):
· Đến năm 2010, tổng giá trị sản phẩm gỗ, lâm sản là 18.070 tỷ đồng. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu là 1,01 tỷ USD. Như vậy phải chăng xuất khẩu chiếm hơn 5/6 sản lượng?.
· Trong bài có trang viết là nguyên liệu song may, tre trúc (trang 1, 2) trang khác lại viết là song mây, tre nứa (trang 9, 10) vì vậy nên thống nhất một cách viết hoặc bổ sung thêm vì trúc và nứa là hai loại cây khác nhau.
Trên đây là một số ý kiến góp với Chương trình phát triển chế biến gỗ và lâm sản đến năm 2010 của Bộ Thương mại, xin gửi tới Quý Bộ để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |