Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO 127-TW

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số 1363/BCĐ-TW
V/v Báo cáo tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2004

 

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản số 1260/VPCP-VI, ngày 18 tháng 3 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ), trong các ngày 22 - 23/3/2004 Đoàn công tác Ban 127/TW gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Thương mại do Đ/c Phan Thuế Ruệ, Thứ trường Bộ Thương mại, Phó Trưởng ban thường trực Ban 127/TW làm Trưởng đoàn đã kiểm tra tại chỗ tình hình buôn lậu, gian lận thương mại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, làm việc với UBND và BCĐ 127/ĐP tỉnh Lạng Sơn.

1. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tại cửa khẩu Tân Thanh

Từ sau tết Nguyên đán 2004, hàng hoá trao đổi qua biên giới và lượng người đến, qua lại cửa khẩu tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày có khoảng 140 xe, tải trọng 15 tấn hàng nông sản được xuất qua cửa khẩu, cao điểm lên tới 160 xe. Lượng khách du lịch kết hợp mua sắm hàng hoá cũng rất đông và nhộn nhịp, ngày cao điểm có tới 400-500 xe (trung bình 15 người/xe) đến khu vực cửa khẩu. Cũng trong thời gian này, lượng hàng nhập khẩu chính ngạch qua đây chỉ khoảng 10% lượng hàng xuất (15-20 xe/ngày). Đáng lưu ý là một lượng hàng hoá khá lớn (chưa phải đóng thuế nhập khẩu) từ Khu kinh tế cửa khấu Tân Thanh đã thẩm lậu vào nội địa dưới nhiều hình thức và phương tiện khác nhau: Vận chuyển qua 2 bên cánh gà cửa khẩu chủ yếu do cư dân mang vác bộ; vận chuyển qua Trạm kiểm soát số 2 do du khách hoặc “lợi dụng, đóng giả khách du lịch” mang theo trên các phương tiện giao thông...

Hàng nhập lậu chủ yếu là quần áo may mắn, đồ chơi và hàng tạp hoá khác...

2. Nguyên nhân của tình trạng trên là:

- Một số cơ chế, chính sách quản lý Khu kinh tế cửa khẩu và một số cơ chế của địa phương sau một thời gian áp dụng đã bộc lộ những hạn chế và bất cập, đó là: Khi hàng hoá và lượng người vào Khu kinh tế cửa khẩu còn ít thì việc chưa thông quan tại Trạm kiểm soát số 1 còn kiểm soát được. Đến nay, lượng hàng hoá vào nhiều cùng với số khách thăm quan có nhu cầu mua sắm quá đông nên không thể kiểm soát nổi trong khu vực kinh tế cửa khẩu cũng như tại Trạm kiểm soát số 2.

- Quyết định 252/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý buôn bán hàng hoá qua biên giới với các nước có chung biên giới ban hành từ tháng 11/2003 nhưng đến nay chưa được các Bộ, ngành hữu quan cụ thể hoá; mặt khác, do chưa có Quy chế về Khu Bảo thuế vì hiện có hơn 70 hộ dân thường trú cùng nhiều hộ từ nơi khác đến sinh sống, buôn bán và làm ăn trong Khu kinh tế của khẩu Tân Thanh nên chưa thể có Quy chế Khu bảo thuế, do vậy gây khó khăn cho công tác quản lý và điều hành của các cơ quan liên quan.

3. Một số kiến nghị và giải pháp.

Thay mặt UBND và Ban 127/ĐP tỉnh Lạng Sơn, Đ/c Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn thông báo cho đoàn biết: Tỉnh đã thống nhất với lãnh đạo Tổng cục Hải quan quyết định thí điểm từ 01/4 - 31/7/2004 một số biện pháp sau:

- Từ 1/4/2004, hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh phải làm thủ tục thông quan tại Trạm kiểm soát số 1; theo đó, mọi thủ tục nhập khẩu hàng hoá phải nộp thuế ngay tại Trạm kiểm soát số 1... Đồng thời, Trạm kiểm soát số 2 ngoài chức năng thông quan hàng xuất của ta sẽ thực hiện tái kiểm tra hàng nhập khẩu vào nội địa (nếu thấy có dấu hiệu vi phạm) và tổ chức ngăn chặn hàng lậu hai bên cánh gà của Trạm; sau thời gian thí điểm thực hiện sẽ cơ kết, rút kinh nghiệm cho các bước tiếp theo.

- Hàng hoá của khách du lịch mua tại Khu kinh tế cửa khẩu hoặc của cư dân biên giới qua lại thăm thân được phép mang theo phải ở mức quy định hiện hành, nếu vượt mức cho phép phải nộp thuế theo quy định. Các Bộ, Thương mại, Tài chính sẽ cụ thể hóa Quyết định 252/2003/QĐ-TTg để hướng dẫn vấn đề này.

- Đối với xuất nhập cảnh của khách ra, vào Khu kinh tế cửa khẩu vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.

- Ngay từ cuối tháng 3/2004, các ngành chức năng, các huyện, thị biên giới của tỉnh cần chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và ngăn chặn hàng hoá thẩm lậu qua 2 bên cánh gà của Khu kinh tế cửa khẩu, các đường mòn qua lại biên giới khác; trong đó, chú trọng việc phát động nhân dân tham gia chống buôn lậu.

- Kiến nghị Chính phủ cho phép để lại toàn bộ giá trị hàng lậu nếu lực lượng xã, phường nào thu giữ được để lại cho cơ sở phục vụ các nhu cầu của địa phương và đầu tư bổ sung cơ sở vật chất thiết yếu cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu như xây dựng nhà làm việc liên ngành, dành 2/3 diện tích bến xe (đã quy hoạch) làm khu kiểm hoá có trường rào bao quanh, có camera...

Những nội dung trên được đoàn công tác, các cấp, ngành tỉnh Lạng Sơn thảo luận kết hợp với đi thị sát tại chỗ, Thường trực Ban 127/TW trước mắt đồng tình với các biện pháp của UBND tỉnh Lạng Sơn và Tổng cục Hải quan cho làm thí điểm sau đó sẽ sơ kết đánh giá để có biện pháp mạnh hơn, hiệu quả và lâu dài hơn.

Ban 127/TW xin báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

 

KT. TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 127/TW PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC THỨ TRƯỜNG BỘ THƯƠNG MẠI




Phan Thế Ruệ