HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1381/CV-HĐPH | Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2008 |
Kính gửi: | - Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Ngày 07 tháng 12 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; ngày 12 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012. Đây là hai văn bản quan trọng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Để việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ hướng dẫn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp một số vấn đề cụ thể sau:
1. Tổ chức triển khai thực hiện
Căn cứ tình hình cụ thể của bộ, ngành, địa phương, tiến hành phổ biến, quán triệt để triển khai Nghị quyết, Quyết định đến cán bộ, nhân dân với những hình thức, biện pháp phù hợp, trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình PBGDPL của bộ, ngành, địa phương.
Theo quy định tại điểm a mục 11, 14 Phần II của Chương trình, các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hàng năm. Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, ngành, địa phương cần bám sát nội dung của Nghị quyết và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế của bộ, ngành, địa phương mình. Chương trình, kế hoạch cần tập trung vào những nội dung chính sau:
- Đối tượng cụ thể cần phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Nội dung pháp luật cần phổ biến cho mỗi đối tượng;
- Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng địa bàn và đối tượng;
- Thời gian, tiến độ thực hiện;
- Các biện pháp thực hiện.
Các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức đã được Chính phủ giao nhiệm vụ trong Nghị quyết số 61/2007NQ-CP và Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg cần có kế hoạch cụ thể thực hiện đúng tiến độ công việc của mình.
2.1. Các bộ được giao chủ trì các Đề án trong Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp) cần chủ động, khẩn trương cùng với các cơ quan phối hợp xây dựng Đề án chi tiết; trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án cụ thể sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến độ cụ thể như sau:
a) Năm 2008: Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chi tiết.
- Tháng 5 năm 2008: thành lập ban soạn thảo Đề án và tiến hành xây dựng nội dung Dự thảo Đề án;
- Tháng 6, 7 năm 2008: lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về Dự thảo và tổng hợp ý kiến hoàn chỉnh nội dung Đề án;
- Tháng 8 năm 2008: thành lập Hội đồng thẩm định nội dung Dự thảo Đề án;
- Trước ngày 15 tháng 9 năm 2008: nộp Hồ sơ Đề án về Bộ Tư pháp để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hồ sơ gồm:
+ Dự thảo Đề án;
+ Công văn đề nghị của cơ quan chủ trì Đề án;
+ Bản tổng hợp ý kiến vào Dự thảo Đề án;
+ Biên bản thẩm định của Hội đồng thẩm định;
+ Bản báo cáo tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo;
b) Từ năm 2009 triển khai thực hiện Đề án trên toàn quốc theo lộ trình đã được phê duyệt.
2.2. Đối với các địa phương: cùng với việc xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP và Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg, cần chủ động xây dựng và thực hiện ngay các Đề án của Chương trình, không lệ thuộc vào 4 Đề án của các Bộ chủ trì. Đề án phải xác định rõ phạm vi, đối tượng để chọn điểm tập trung chỉ đạo, xây dựng điển hình, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng.
Để tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động được sức mạnh của các cấp, các ngành tham gia vào công tác này, đề nghị các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, đoàn thể trong việc xây dựng, triển khai các Đề án của Chương trình, bảo đảm thực hiện đồng bộ với Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 (Chương trình 212 của Chính phủ) và các Đề án về phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai tại địa phương.
3. Kinh phí thực hiện Chương trình
a) Theo quy định tại điểm b mục 11, điểm c mục 14 Phần II của Chương trình thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp phải đảm bảo kinh phí thực hiện công tác PBGDPL từ nguồn ngân sách nhà nước. Để kịp thời bố trí kinh phí triển khai Chương trình đề nghị các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo Tổ chức pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp lập dự toán kinh phí chi ngân sách cho hoạt động này theo kế hoạch PBGDPL hàng năm đã được duyệt. Các khoản chi cho hoạt động PBGDPL được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/2005/TT - BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL và các văn bản hiện hành về chế độ tài chính.
b) Các bộ được giao chủ trì các Đề án của Chương trình, bên cạnh việc xây dựng nội dung Đề án, phải lập dự toán kinh phí chi tiết thực hiện Đề án đến hết năm 2012 để Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình, kế hoạch PBGDPL là Tổ chức Pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Tư pháp địa phương. Các cơ quan này cần phát huy vai trò là đầu mối phối hợp, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra để các hoạt động PBGDPL được triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả.
Để giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đề nghị các bộ, ngành, địa phương vào đầu tháng 12 hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết, Chương trình về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai thực hiện, có gì vướng mắc đề nghị các bộ, ngành, địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để nghiên cứu, hướng dẫn.
| TM. HỘI ĐỒNG |
- 1 Quyết định 37/2008/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 2 Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 Ủy ban Bí thư trung ương đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân do Chính phủ ban hành
- 3 Thông tư 63/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ tài chính ban hành